09:09:08 | 18/3/2024
Những năm gần đây, Hậu Giang đã trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư và đổi mới cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh. Thông qua đó, xây dựng hình ảnh Hậu Giang mới năng động và cởi mở hơn. Để tìm hiểu thêm thông tin, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
Hậu Giang đang thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này và kết quả đạt được trong thời gian qua?
Hậu Giang nằm trên các trục giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với nhiều tuyến quốc lộ đi qua như: Quốc lộ 1, 61, 61B, 61C, Nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp. Về giao thông thủy, tuyến sông Hậu, sông xáng Xà No,... là tuyến đường thủy huyết mạch của vùng. Hậu Giang còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái sông nước.
Tỉnh đang chuyển đổi từ kinh tế dựa trên nông nghiệp sang nền tảng công nghiệp, đồng thời có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để trở thành trung tâm kết nối logistics của toàn vùng Tây Nam bộ. Sắp tới, việc hình thành các tuyến đường cao tốc cùng với quá trình nâng cấp hệ thống giao thông thủy, bộ, Hậu Giang sẽ có những chuyển mình bứt phá.
Với quan điểm: “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, “Thành công của doanh nghiệp là thành quả của tỉnh nhà”, thời gian qua, tỉnh đã không ngừng kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn. Sự cầu thị, đổi mới trong tư duy của tỉnh nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư. Với quan điểm, khẩu hiệu hành động “2 nhanh, 3 tốt” trong thu hút đầu tư (giải phóng mặt bằng nhanh, thủ tục đầu tư nhanh và cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt), tỉnh cam kết đồng hành với DN tháo gỡ khó khăn, giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư; tổng hợp, tư vấn, hướng dẫn, cung cấp thông tin về thu hút đầu tư trên địa bàn nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Hậu Giang luôn tạo cơ chế thông thoáng thu hút đầu tư song sẽ có sự chọn lọc và không đánh đổi môi trường.
Năm 2023, tỉnh cấp mới được 17 chủ trương đầu tư với số vốn 2.624,64 tỷ đồng. Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án. Đến nay, toàn tỉnh có 328 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư 186.028 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cấp mới 01 dự án Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản Sunjin do Công ty TNHH Sunjin Vina (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, với số vốn 23.620.000 USD. Lũy kế đến nay có 25 dự án với tổng số vốn đăng ký 631.041.298 USD.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
Là địa bàn đi sau được lan tỏa chuyển từ vùng dự trữ sang vùng động lực, Hậu Giang có những cơ chế nào để hấp dẫn nhà đầu tư và đâu là những lĩnh vực ưu tiên thu hút thời gian tới?
Hậu Giang có 08 đơn vị hành chính, gồm 02 thành phố, 01 thị xã và 05 huyện. Theo quy định của pháp luật, DN khi đầu tư vào Hậu Giang sẽ được hưởng ưu đãi tối đa về thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định, tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền chuyển mục đích sử dụng đất,... tùy vào trường hợp cụ thể sẽ có mức ưu đãi theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ về mặt bằng thực hiện dự án; chuyển giao công nghệ và khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động; phí đăng ký thành lập DN, chi phí quảng cáo, quảng bá sản phẩm,…
Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sau:
Về phát triển công nghiệp, đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp với các ngành công nghiệp mũi nhọn như: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tạo máy, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng sạch, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, dự án sản xuất hàng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu.
Về phát triển nông nghiệp, kêu gọi đầu tư các dự án khai thác các nguồn nguyên liệu dồi dào như: Lúa gạo, thủy sản, khóm, trái cây nhiệt đới các loại; các ngành trọng điểm kinh tế nông nghiệp, tạo nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, an toàn để nhân rộng. Kêu gọi đầu tư thực hiện hiệu quả hợp đồng bao tiêu nông sản hàng hóa, chương trình liên kết 4 nhà, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các DN với hợp tác xã, hộ nông dân,…
Về phát triển đô thị, tăng cường kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn theo kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025; các dự án xã hội hóa nhằm hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, các khu văn hóa, giáo dục đào tạo, dịch vụ y tế, giải trí, môi trường.
Ông Hans Wong, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Noiz Distribution Vietnam nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ lãnh đạo tỉnh Hậu Giang
Đề án Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về đề án này?
Công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Việc xây dựng và phát triển Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang là giải pháp nền tảng để nâng cao năng lực công nghệ số, góp phần tạo ra các DN công nghệ số “tại chỗ” có thể hỗ trợ, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, DN trên địa bàn tỉnh và khu vực ĐBSCL.
Việc hình thành Khu Công nghệ số sẽ phát huy được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển CNTT, bao gồm: Tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư nhằm thu hút vốn, công nghệ trong và ngoài nước, tạo môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lao động chất lượng cao góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN. Khu Công nghệ số còn là nơi tạo ra các sản phẩm và dịch vụ CNTT có khả năng thay thế sản phẩm nhập khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực: Viễn thông, tài chính, ngân hàng, hải quan, thương mại, thương mại điện tử và các dịch vụ công cộng, giáo dục, y tế,… góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm; hình thành trung tâm cung cấp hạ tầng và các dịch vụ CNTT, truyền thông cho tỉnh và khu vực ĐBSCL.
Đề án được chia thành 02 giai đoạn xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các công trình trong Khu phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Song song với quá trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tỉnh cũng thực hiện các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, cho thuê đất đã có cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ phục vụ các hoạt động trong Khu. Đồng thời, xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về hình thức thuê đất đã xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định của pháp luật. Dự kiến tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 50 tỷ đồng, bao gồm: Đầu tư hạ tầng đường giao thông xung quanh Khu và trong nội bộ Khu, hạ tầng điện lực, thoát nước, phòng cháy chữa cháy.
Khu Công nghệ số tỉnh Hậu Giang được quy hoạch trên khu đất sạch diện tích 28,5ha tại ấp 4, xã Vị Tân, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Đến cuối năm 2023, đã có 5 DN cam kết đầu tư vào dự án. Việc thành lập Khu Công nghệ số được xem là mũi nhọn đột phá, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI