11:14:34 | 31/1/2024
Những năm qua, Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể về môi trường đầu tư, trở thành điểm đến ưa thích của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần vượt qua để môi trường đầu tư trở nên thực sự hấp dẫn và bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài tại Hội nghị diễn ra vào tháng 4/2023
Điểm đến đầu tư hấp dẫn
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20/12/2023, Việt Nam đã thu hút được 36,61 tỷ USD vốn FDI, đạt mức tăng trưởng ấn tượng lên đến 32,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sự thành công này được chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá là kết quả của sự kết hợp đồng thuận từ nhiều nguyên nhân. Trước hết và quan trọng nhất là sự ổn định chính trị và tăng trưởng tích cực về kinh tế. Đồng thời, nỗ lực trong việc thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, hòa bình và tạo ra mối quan hệ tốt với các quốc gia khác cũng đóng góp không ít vào thành công này.
Theo đánh giá của Hiệp hội đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức, phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tạo điều kiện về pháp lý, chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản giúp các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp; sẵn sàng các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư như mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, năng lượng, lao động,…
Cùng với việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng đến sự hài hòa lợi ích và tuân thủ nghiêm túc các cam kết quốc tế thì vị trí địa chính trị và kinh tế thuận lợi của Việt Nam, thị trường tiêu thụ nổi bật và dân số đông đúc, đã làm cho Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh biến động toàn cầu ngày càng phức tạp.
Tuy nhiên, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể, môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để đơn giản hóa quá trình đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Thủ tục hành chính dù đã được cải thiện, việc cấp giấy phép đầu tư và xây dựng vẫn còn mắc phải những khó khăn, rườm rà.
Thêm vào đó, mặc dù Chính phủ liên tục ban hành và điều chỉnh các luật như: Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư công 2019, Luật Quản lý thuế 2019, Luật Hải quan 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2021 và nhiều văn bản khác, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, mơ hồ và khó hiểu trong các quy định về thuế, lao động và đất đai.
Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng như sân bay quốc tế Long Thành, sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng biển Cái Mép - Thị Vải và nhiều dự án đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao mặc dù đã tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, giúp kích thích phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng ở một số địa phương vẫn chưa đồng bộ, tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp trong các hoạt động vận chuyển và logistics,…
Dây chuyền sản xuất viên nén Nescafé Dolce Gusto tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai
Rà soát, sửa đổi chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với thực tiễn
Để cải thiện môi trường đầu tư, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục
hành chính và rà soát toàn diện hệ thống luật pháp. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông là rất quan trọng để tạo ra môi trường đầu tư linh hoạt và thuận lợi.
Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển đất nước; tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn, giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất,…
Thủ tướng nhấn mạnh, vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư ngoài nhà nước, trong đó có đầu tư nước ngoài. Phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gắn với hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường và phù hợp các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng của Việt Nam. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam cần duy trì sự chủ động và nhất quán trong giải quyết những thách thức. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp được nhấn mạnh như một yếu tố quan trọng để xây dựng một môi trường đầu tư mạnh mẽ và bền vững.
Ngày càng tin tưởng vào triển vọng kinh tế Việt Nam dù có nhiều thách thức Ông Gabor FLuit Chủ tịch EuroCham “Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng. Năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Đây là minh chứng rõ ràng cho niềm tin ngày càng tăng vào nền kinh tế Việt Nam.” Du lịch cũng hồi phục mạnh mẽ. Việt Nam đón hơn 12,6 triệu du khách trong năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp ba lần so với năm trước. Được thế giới biết đến như điểm đến hàng đầu dành cho doanh nhân và khách du lịch cũng là tín hiệu của sự phục hồi kinh tế trên diện rộng của Việt Nam. Mặc dù những con số này đầy hứa hẹn nhưng điều quan trọng là phải duy trì quan điểm thận trọng. Nhất là khi Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) vẫn đứng ở dưới ngưỡng trung bình và hơn 1/3 doanh nghiệp vẫn có dự đoán tiêu cực. Trước sự cạnh tranh kinh tế khốc liệt trong khu vực, Việt Nam cần thận trọng. Quan trọng là Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách và chiến lược để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu. Một lĩnh vực quan trọng cần lưu ý là đơn giản hóa thủ tục hành chính, một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp. Đồng thời cũng rất cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm chi phí hậu cần và nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động. Điều này sẽ giúp Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng.” “Trong tương lai, việc Việt Nam khai thác triệt để EVFTA ngày càng trở nên quan trọng. Hiệp định này, cùng với các hiệp định thương mại song phương và khu vực khác của Việt Nam, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy chuyển đổi quá trình phục hồi kinh tế hiện tại sang tăng trưởng cân bằng dài hạn. Trong suốt quá trình đang diễn ra này, EuroCham Việt Nam luôn cam kết hết lòng đóng vai trò hỗ trợ.” Tin tưởng mở rộng đầu tư tại Việt Nam Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam "Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi luôn cam kết đầu tư lâu dài và bền vững tại Việt Nam. Tháng 01/2024, chúng tôi đã tiếp tục đầu tư thêm 100 triệu USD để tăng gấp đôi công suất chế biến café của nhà máy Nestle Trị An (Đồng Nai), đưa tổng vốn đầu tư của Nestlé tại Việt Nam lên hơn 800 triệu USD. Đây là minh chứng rõ nét cho niềm tin của chúng tôi vào tiềm năng và môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng như cam kết đầu tư lâu dài của chúng tôi. Với sự đầu tư này, chúng tôi hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung sản xuất và cung ứng cà phê giá trị cao cho thị trường trong nước và thế giới, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng của Việt Nam." Việt Nam là thị trường quan trọng trong chiến lược phát triển quốc tế của LiuGong Ông Luo Guobing,Phó Chủ tịch Tập đoàn LiuGong (phụ trách hoạt động kinh doanh quốc tế của Tập đoàn LiuGong tại nước ngoài) Việt Nam là một nền kinh tế năng động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong suốt 20 năm qua, Việt Nam luôn là thị trường trọng điểm của Tập đoàn LiuGong. Khi nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ, với sự cam kết phát triển kinh tế của Chính phủ Việt Nam theo hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bất động sản thương mại, nhà ở,… LiuGong tìm thấy cơ hội để mở rộng thị trường máy móc công trình thông qua việc củng cố hơn nữa quan hệ đối tác và phát triển hệ thống đại lý địa phương. Đó cũng là lý do Liugong thành lập LiuGong Việt Nam. Theo đuổi hoạt động kinh doanh phát triển trong tương lai, chúng tôi sẽ đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào Việt Nam để phục vụ khách hàng tốt hơn. LiuGong có hơn 30 dòng sản phẩm, bao gồm khai thác đá, khai thác mỏ, xây dựng đường bộ, đường cao tốc, nông lâm nghiệp, cảng và các ứng dụng khác tại Việt Nam và tất cả các sản phẩm đều đáp ứng yêu cầu xây dựng của Việt Nam. Với 65 năm tích lũy công nghệ, chúng tôi tự tin rằng, thiết bị của LiuGong đã vượt qua sự kiểm nghiệm của khách hàng Việt Nam với độ tin cậy và độ bền vượt trội. Hiệu suất vận hành cao hơn và mức tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn, đồng thời hệ thống quản lý iLINK thông minh của LiuGong có thể giúp khách hàng tối ưu hóa chương trình hoạt động và tạo ra giá trị kinh tế cao hơn.” Củng cố vững chắc ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội (HANSIBA) Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục là quốc gia hưởng lợi chính từ sự chuyển dịch trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu hướng tới các trung tâm sản xuất cạnh tranh ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong thời gian tới, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải đối mặt với những trở ngại đáng kể do tăng trưởng yếu ở Mỹ và EU, hai thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiếm khoảng 42% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Để phát triển ngành CNHT, Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành Luật về phát triển CNHT. Trước mắt, cần ban hành Nghị quyết về chính sách thí điểm cho doanh nghiệp ngành CNHT Việt Nam. Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5% - 10% trên tổng số doanh nghiệp và đặt mục tiêu đến năm 2045, doanh nghiệp ngành CNHT góp phần xây dựng, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao. Bên cạnh đó, cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế (Bắc – Trung – Nam) để phát triển các ngành CNHT, phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì như ô tô – điện tử – công nghiệp đóng tàu – nông, ngư nghiệp – da giày – dệt may,... Đặc biệt, cần có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp,...) vì theo các quy định về điều kiện vay vốn (tài sản đảm bảo tiền vay, vốn đối ứng của chủ đầu tư, lãi suất vay, thời gian vay,...) vẫn còn trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT. Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Quan tâm thúc đẩy cơ chế đặc thù, ưu đãi thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được hình thành. Giảm thiểu và cải thiện thủ tục hành chính còn bất cập đối với doanh nghiệp trong nước và FDI. Đề nghị giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là đơn vị đầu mối chủ đạo để tài trợ vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam. Cho phép các doanh nghiệp tư nhân thuộc ngành CNHT và CNHT cho công nghệ cao được tiếp cận vay vốn ODA để đầu tư mua thiết bị, máy móc, công nghệ của nước ngoài. Kết nối các tập đoàn lớn quốc tế đang có mặt tại Việt Nam với doanh nghiệp CNHT, thúc đẩy và “kèm cặp”, để từ đó các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia vào chuỗi sản xuất CNHT. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không tự đổi mới, sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế và không kịp thời thì chúng ta sẽ có thể một lần nữa lỡ cơ hội hình thành một nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước CHXHCN Việt Nam đang có “cơ đồ, vị thế lớn” trên trường quốc tế. Chờ đợi phê duyệt các khung pháp lý quan trọng để thu hút FDI vào thị trường bất động sản TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Việt Nam Việt Nam vẫn duy trì sức hấp dẫn rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nhất, quy mô dân số của Việt Nam trên 100 triệu dân, trong đó TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội có hơn 10 triệu người. Điều này dẫn đến nhu cầu về nhà ở và văn phòng tại hai thành phố này sẽ tương đối lớn. Thêm vào đó, cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hỗ trợ các khu công nghiệp đã tạo hấp lực của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Từ kinh nghiệm làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, quan điểm về thị trường bất động sản Việt Nam theo tôi có thể được chia thành hai hướng chính: Đầu tư cấp dự án và đầu tư cấp doanh nghiệp. Dưới lăng kính cấp doanh nghiệp, nhà đầu tư tập trung vào các công ty BĐS niêm yết. Bất chấp một số thách thức tồn tại lâu dài tại thị trường Việt Nam, chẳng hạn như thủ tục pháp lý, Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thể chế chính trị ổn định. Mặc dù tổng GDP Việt Nam còn khiêm tốn nhưng tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua đã thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tính phức tạp về quyền sở hữu pháp lý đối với BĐS nhà ở tại Việt Nam vẫn đặt ra những hạn chế đối với sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài vào phân khúc trung cấp đến cao cấp. Quỹ đất ở các đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh hay Hà Nội dường như đã cạn. Song vừa qua, Chính phủ đã thúc đẩy đầu tư công vào các dự án đô thị và cơ sở hạ tầng tại các thành phố vệ tinh xung quanh TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhờ đó, nhà đầu tư trong nước đã có thể tham gia vào những dự án quy mô lớn hơn trước kia. Nhà đầu tư sở hữu quỹ đất lớn ở các thành phố vệ tinh đã sẵn sàng triển khai, đặc biệt là vào năm 2024, được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ, lãi suất dễ tiếp cận và dư địa mở rộng cho tăng trưởng kinh doanh BĐS. Nhà đầu tư hiện nay vẫn chờ chính sách pháp lý thông thoáng, nhằm thúc đẩy phát triển và cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu xã hội. |
Giang Tú (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI