14:21:36 | 13/3/2024
Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang trở thành yếu tố quan trọng trong mô hình phát triển kinh doanh của đất nước. Các doanh nhân và doanh nghiệp này không chỉ tập trung vào mục tiêu lợi nhuận cá nhân, mà còn hướng đến việc tạo ra giá trị cho xã hội và bảo vệ môi trường. Họ tuân thủ pháp luật, đảm bảo sự minh bạch và tính công bằng trong hoạt động kinh doanh, thúc đẩy tính sáng tạo và đổi mới, và tạo ra những mô hình kinh doanh lấy con người là trung tâm.
Đóng góp to lớn của DN FDI
Trong xu thế mở cửa hội nhập, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Trong năm 2023, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Việt Nam đã đạt được kết quả thu hút ĐTNN khá ấn tượng, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức cao kỷ lục 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Vốn đầu tư mới tăng mạnh cả về vốn đầu tư (tăng 62,2%) cũng như số dự án đầu tư mới (tăng 56,6%), cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới.
TS. Khuất Thị Thanh Vân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đánh giá, các doanh nhân trong các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam hiện nay không chỉ là những người có trí tuệ tinh tường, mà họ còn là những nhà lãnh đạo đầy sáng tạo. Trí tuệ và khả năng thích nghi nhanh chóng với sự biến đổi trong môi trường kinh doanh là điểm mạnh của đội ngũ doanh nhân trong các doanh nghiệp FDI, là nguồn cảm hứng không chỉ về khát vọng làm giàu mà còn về việc tạo ra giá trị xã hội. Họ không chỉ sáng tạo trong sản phẩm và dịch vụ, mà còn trong cách quản lý, tương tác với cộng đồng và thúc đẩy bền vững trong môi trường và xã hội.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp này luôn tuân thủ quy chuẩn đạo đức và pháp luật, bởi ngoài tầm nhìn lợi nhuận, doanh nghiệp này cũng xem xét phát triển dài hạn và tạo ra giá trị cho cộng đồng, tạo nên tương lai phát triển thịnh vượng. Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI cũng rất nhạy bén nhanh chống hòa nhập, thích nghi với các nước sở tại, họ phân tích kỹ càng đặc trưng, văn hóa, lối sống ở các địa phương mà họ đầu tư để làm sao có thể thu hút được nguồn nhân lực tốt, cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho quá trình sản xuất kinh doanh của công ty họ.
“Lách luật” vì lợi nhuận
Theo TS. Khuất Thị Thanh Vân, nền kinh tế thị trường Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế, chưa hoàn toàn đầy đủ để điều chỉnh các mối quan hệ trong thực tế. Điều này tạo ra cơ hội cho một số doanh nhân, doanh nghiệp trong khu vực FDI đã tìm cách “lách luật” để đạt được lợi nhuận bất chính.
Một số doanh nghiệp vẫn theo đuổi mục tiêu tối đa hoá lợi nhuân bằng mọi giá. Chính vì lợi nhuận mà nhiều doanh nghiệp FDI đã không tôn trọng những quy định đã đặt ra. Doanh nghiệp thường đặt mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận cao, dẫn đến việc tận dụng lao động một cách cực đoan. Việc bức ép công nhân làm việc quá giờ làm mất cân bằng giữa cuộc sống công việc và cá nhân, gây ra cho người công nhân sự mệt mỏi và bất mãn trong công việc. Đã có rất nhiều công nhân trong nhà máy của doanh nghiệp có vốn FDI đã đình công vì phải làm việc quá sức. Điển hình là vụ việc gần 400 công nhân công ty TNHH Cloth & People Vina (100% vốn Hàn Quốc, chuyên may mặc tạiTPHCM) trong năm 2019 đã đình công nhiều ngày liền.
Đặt lợi nhuận lên trên đạo đức, nhiều doanh nhân trong doanh nghiệp FDI không còn giữ được đạo đức kinh doanh, họ bất chấp pháp luật, xem nhẹ trách nhiệm của mình đối với xã hội, với người lao động, với nhà đầu tư như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tàn phá môi trường, gian lận, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…Điển hình năm 2016, công ty Formosa đã có những vi phạm khi chưa được phép nhưng đã xả nước thải có chứa độc tố phenol, xyanua chưa được xử lý đạt chuẩn ra môi trường biển trong quá trình vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy. Sự cố này đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nhất là ngành thủy sản, tiếp đến là hoạt động kinh doanh, dịch vụ, du lịch và đời sống sinh hoạt của ngư dân.
Những hành vi sai lệch và trái pháp luật ấy đã gây đảo lộn các chuẩn mực và giá trị đạo đức của doanh nhân và văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài. Tình trạng này đã khiến người dân có cái nhìn không tốt về các doanh nghiệp FDI và gây tác động tiêu cực đến cả xã hội.
Bồi đắp tính liêm chính và đạo đức kinh doanh
Để doanh nghiệp phát triển lâu dài trong tương lai, TS. Khuất Thị Thanh Vân cho rằng, mỗi doanh nghiệp FDI cần quan tâm xây dựng, bồi đắp tính liêm chính trong kinh doanh; làm kinh tế hướng tới tăng trưởng lợi nhuận trong sự cân bằng và hài hòa với bảo vệ môi trường và phát triển xã hội, con người…
Để đạt được điều đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần gắn liêm chính, đạo đức vào văn hóa kinh doanh. Kinh doanh liêm chính trong các doanh nghiệp FDI sẽ trở thành một phần văn hóa không thể thiếu nếu nó được thấm nhuần trong tư duy và sự quyết tâm của những doanh nhân, các nhà lãnh đạo.
Bên cạnh đó, cần đặt con người vào trung tâm mọi chiến lược sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho con người trở thành trái tim của mọi quyết định. Điều này cũng phản ánh tinh thần của Chương trình Nghị sự toàn cầu 2030 và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Chính phủ. Nó khuyến khích việc thúc đẩy văn hóa đa dạng và sự hòa nhập mạnh mẽ và toàn diện hơn; khuyến khích tính đổi mới và sáng tạo trong doanh nghiệp, thúc đẩy việc nghĩ ra những giải pháp mới cho các thách thức mới. Ngoài ra, việc tận dụng tích cực sức mạnh của công nghệ và thực hiện chuyển đổi số để tối ưu hóa năng suất và hiệu quả trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp là một phần quan trọng. Chuyển đổi số không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên và nguồn lực, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh và nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp
Đồng thời, theo TS. Khuất Thị Thanh Vân, cần thúc đẩy xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp văn minh, công bằng và nên thực hiện cam kết về đạo đức, trách nhiệm xã hội không chỉ là lời nói mà còn được thực hiện cụ thể, bao gồm việc thực hành các nguyên tắc đạo đức trong mọi khía cạnh của hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, cần hợp tác với các cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ để đảm bảo rằng các quy định và hướng dẫn về đạo đức và trách nhiệm xã hội được thực hiện và tuân thủ đúng mức.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc