Khi hai bàn tay vỗ đều nhịp

10:55:28 | 4/1/2012

Sau thăng tiến vượt bậc về số lượng khách và doanh thu vào năm 2011, du lịch Việt Nam lại bước vào thách thức, “bài toán” liên kết giữa Nhà nước – doanh nghiệp, doanh nghiệp – doanh nghiệp, doanh nghiệp – địa phương… là vấn đề chưa bao giờ cũ trong phát triển du lịch…

Sự kiện nổi bật nhất của ngành trong năm 2011 là di sản hai lần được UNESCO công nhận – Vịnh Hạ Long tiếp tục trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do tổ chức New7Wonders bầu chọn. Niềm vui tiếp nối niềm vui, cuối tháng 12, ngành du lịch lại đón vị khách quốc tế thứ 6 triệu tại Hạ Long. Con số này cho thấy sự thăng tiến vượt bậc của du lịch bởi vượt chỉ tiêu đề ra đến nửa triệu lượt khách. Năm 2011, ngành phục vụ 30 triệu lượt khách nội địa, thu nhập từ du lịch đạt trên 130 nghìn tỉ đồng. Năm du lịch duyên hải Nam Trung Bộ 2011 tại Phú Yên với chủ đề du lịch biển đảo với một loạt các sự kiện trong cả năm 2011 thành công, tạo ra điểm nhấn cho du lịch trong những bước phát triển tiếp theo.

Xúc tiến theo trọng tâm

Năm 2012 được các chuyên gia dự đoán sẽ là một năm khó khăn với du lịch thế giới. Quốc tế và trong nước còn có nhiều biến động, nhiều yếu tố mới là thách thức đối với Việt Nam, và ngành du lịch không nằm ngoại lệ. Tuy nhiên, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn nhận định: “Du lịch Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định khi xu hướng đi du lịch ngày càng trở nên phổ biến, du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng, theo dự báo của UNWTO, năm 2012, số khách du lịch quốc tế sẽ đạt 1 tỉ lượt, thu nhập từ du lịch vượt qua 1000 tỉ USD, du lịch nội khối chiếm tỷ trọng lớn; xu hướng du lịch đến châu Á, Trung Quốc và các nước lân cận có xu hướng tăng nhanh.”

Ngành du lịch cũng đã chuẩn bị những phương án “ứng phó” với những dự đoán cho năm 2012. Một trong những nhiệm vụ “đột phá” của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2012 đề ra là thành lập 2 văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngành tiếp tục tiến hành tổ chức xúc tiến, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam theo logo và slogan mới. Ngành đã lên kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập Ban quản lý điểm đến du lịch của từng địa phương và liên vùng, coi xây dựng, phát triển điểm du lịch là sản phẩm du lịch trọng điểm. Bên cạnh đó, nghiên cứu sản phẩm du lịch Việt Nam theo đặc trưng vùng, đặc biệt phấn đấu hoàn thiện sớm các đề án thu hút khách du lịch 8 thị trường trọng điểm gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Úc, Pháp, Nga.

Và câu chuyện vỗ hai bàn tay một nhịp

Ngành du lịch tuy đã có một năm hoàn thành sớm chỉ tiêu như vậy nhưng trong thực tế hoạt động vẫn còn đó nhiều bất cập. “Qua khảo sát chúng tôi thấy nhiều doanh nghiệp trong quá trình phát triển gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là sự kết nối về hạ tầng kỹ thuật, sự thiếu đồng bộ và thiếu tập trung trong quy hoạch,” Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Trần Du Lịch từng nhận xét như vậy trong một cuộc hội thảo về du lịch. Những tồn tại này được ông Lịch lý giải là do một thời gian dài chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước và các doanh nghiệp trong phát triển du lịch. Do đó, trước hết, rất cần các doanh nghiệp làm du lịch kể cả lưu trú, lữ hành, du lịch bất động sản… có mối liên kết với nhau. “Kinh tế thị trường như hai bàn tay vỗ thành một nhịp, một bàn tay là Nhà nước, một bàn tay là doanh nghiệp. Phải làm sao để hai bàn tay ấy vỗ thành nhịp kêu to chứ không lẹt đẹt,” vị chuyên gia này nói.

Bên cạnh đó, ông Phan Đức Mấn-Giám đốc Công ty du lịch Kim Liên cho rằng hiện nay các tỉnh mạnh ai nấy làm, độc lập trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, mà không có sự gắn kết. Muốn phát triển bền vững và lâu dài, không nên làm riêng lẻ, mà cần sự đoàn kết, phối hợp lẫn nhau để cùng tổ chức những đợt xúc tiến, quảng bá đậm đà, hoành tráng cả trong và ngoài nước.

Ngoài “bài toán” liên kết, Giám đốc kinh doanh Công ty Voyageurs Du Monde (Pháp) bà Amard Marie Juliette, một hãng lữ hành nhiều năm đưa khách sang Việt Nam cho rằng, các sản phẩm du lịch của Việt dù tiến bộ hàng năm về số lượng và chất lượng nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Theo gợi ý của bà Amard, du lịch Việt Nam hiện mới quan tâm đến mảng du lịch “tĩnh” như những thế mạnh về bãi biển, danh thắng, di sản... mà “quên” khai thác mảng du lịch “động” (sản phẩm du lịch kém phong phú cũng như đa dạng hóa các loại hình dịch vụ còn bỏ ngỏ...).

Cơ hội đang ngày càng rộng mở với du lịch Việt Nam. Bởi lẽ, như giáo sư chuyên Marketing kiêm giảng viên mời của CFVG (Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh) Frédéric Jallat nói: “Những năm gần đây, các trung tâm phát triển du lịch của thế giới đang chuyển rất nhanh từ châu Âu, Bắc Mỹ (với các thị trường dẫn đầu là Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha…) sang thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.” Khác với bà Amard, ông Jallat lại cho rằng vấn đề cần phải “làm mạnh” lúc này của du lịch Việt Nam chính là cải thiện chất lượng dịch vụ đón tiếp khách hàng. Với khách du lịch nước ngoài, nụ cười thể hiện sự hiếu khách và đôi khi sẽ giúp họ quyết định có nên quay trở lại đất nước đó nữa hay không, ông Jallat chia sẻ….

Ngành du lịch đã có một năm nhiều niềm vui thành công. Song có lẽ, trên lộ trình đón 7,5 triệu khách vào năm 2015 và đón hơn 10 triệu khách vào năm 2020 và đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì chúng ta còn nhiều việc phải làm. …

Mi Anh