Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số

11:31:09 | 15/4/2024

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được tổ chức chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đạt được một số kết quả quan trọng, tạo nền tảng để triển khai thực hiện công cuộc CĐS trong giai đoạn tiếp theo.


Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tham gia thực hiện nghi thức phát động triển khai nền tảng Công dân số xứ Lạng và phát triển tài khoản thanh toán điện tử

Cùng với cả nước, Lạng Sơn xác định CĐS, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng, xã hội. Các nhiệm vụ của 5 trụ cột CĐS theo Nghị quyết 49-NQ/TU đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được các kết quả quan trọng, qua đó đã có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

11/11 huyện, thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về CĐS cấp huyện. Trên toàn tỉnh đã kiện toàn 1.658 Tổ công nghệ số cộng đồng với 9.042 thành viên, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về CĐS các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, qua đó tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CĐS để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng thời, huy động nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào công cuộc CĐS, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

100% trường học sử dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến; 100% giáo viên sử dụng chữ ký số, bỏ hoàn toàn học bạ và bảng điểm giấy; 100% người dân và doanh nghiệp có trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính; 100% Cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh hoạt động trên nền tảng Lạng Sơn Cloud Make-in-VietNam; 100% hoạt động của chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã đưa lên trên nền tảng số; 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình phục vụ người dân và doanh nghiệp trên nền tảng số; 100% các phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh đã khai báo và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số. Các cơ sở dữ liệu dùng chung được liên thông qua trục LGSP của tỉnh; duy trì và hoạt động ổn định Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh. Kinh tế số được đẩy mạnh và triển khai rộng khắp; an toàn, an ninh mạng là then chốt trong công cuộc CĐS của tỉnh đã thăng hạng từ hạng C lên hạng B; triển khai gắn QR Code 100% tuyến đường, phố, công trình công cộng và khu di tích danh thắng trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, kết quả xếp hạng chỉ số CĐS - DTI năm 2022 của tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; tỷ trọng kinh tế số chiếm 12,52% GRDP của tỉnh, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Lạng Sơn là một trong 05 tỉnh, thành phố dẫn đầu về mức độ lan tỏa ICT trong các ngành, hoạt động kinh tế khác.

Ngày 07/10/2023, Hội Truyền thông số Việt Nam dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ trao giải CĐS -Vietnam Digital Awards 2023. Lạng Sơn là 01 trong 07 cơ quan, đơn vị trong toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước CĐS xuất sắc” với Nền tảng trợ lý ảo giải pháp tự động trả lời về thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh cũng gặp những khó khăn trong quá trình triển khai như: Nguồn nhân lực cho CĐS còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ CĐS còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc kết nối chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương còn hạn chế. Hạ tầng số ở một số thôn vùng sâu, vùng xa chưa được phủ sóng di động 3G/4G, người dân không sử dụng được điện thoại thông minh, do đó khó khăn trong việc triển khai các nền tảng số,...

Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành 21/30 chỉ tiêu của mục tiêu đề ra đến năm 2025, tại Nghị quyết số 49-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số.

Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CĐS gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời trang bị kiến thức, thống nhất về tư tưởng và hành động về CĐS, từ đó nâng cao nhận thức về CĐS trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị.

Năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

Hoàn thành triển khai 100% các đài truyền thanh cấp xã trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông kết nối, liên thông với hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh để phục vụ công tác tuyên truyền về CĐS. 100% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm nền tảng của các sở, ngành, UBND cấp huyện tại Trung tâm tích hợp dữ liệu được kiểm tra, giám sát, phát hiện lỗ hổng bảo mật, các điểm yếu về an toàn thông tin, được xử lý kịp thời. 100% hệ thống thông tin được xác định cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ. Hoàn thành triển khai kết nối liên thông, đồng bộ từ Hệ thống quản lý văn bản và điều hành với Kho Lưu trữ lịch sử của tỉnh để lưu trữ hồ sơ, tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn của các cơ quan, đơn vị. 100% hồ sơ kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực giai đoạn 2018 - 2024 được số hóa theo quy định. Duy trì chỉ số DTI của tỉnh trong nhóm 06 tỉnh, thành phố có chỉ số xếp hạng cao nhất cả nước.

Nguồn: Vietnam Business Forum