14:52:44 | 15/4/2024
Theo Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt, Lạng Sơn sẽ trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế, cải tiến mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch. Xung quanh nội dung này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn.
Năm 2023, Lạng Sơn đã đạt kết quả quan trọng, toàn diện về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó tạo thế, lực và niềm tin bước vào thời kỳ bứt phá mới. Ông có thể chia sẻ thêm về thành tựu trên cùng các mục tiêu trong năm 2024?
Dưới sự lãnh đạo kịp thời của Tỉnh ủy, sự giám sát, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của HĐND tỉnh và các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện đạt và vượt nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Điểm sáng trên bức tranh kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh là kinh tế phát triển khá toàn diện (đạt và vượt 15/18 chỉ tiêu đề ra), tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,0%. Trong đó, nông, lâm nghiệp tăng 6,55%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,18%; dịch vụ tăng 6,77%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,39% cùng với cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. GRDP bình quân đầu người đạt 59,8 triệu đồng.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 7.806,6 tỷ đồng, đạt trên 95% dự toán Trung ương và tỉnh giao, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 22 nghìn tỷ đồng, tăng 8,53% so với năm trước. Kinh tế cửa khẩu được tập trung phát triển nhanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; hoạt động xuất nhập khẩu cơ bản đã phục hồi và tăng mạnh trở lại từ đầu năm 2023, khôi phục hoạt động thông quan tại 07/12 cửa khẩu. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt 52,03 tỷ USD, tăng 85,12% so với cùng kỳ; xuất khẩu hàng hóa địa phương ước 156 triệu USD, đạt 101,3% kế hoạch, tăng 9,9%. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp được chú trọng đầu tư, nâng cấp; nhiều dự án trọng điểm, có tính kết nối liên vùng được tích cực triển khai. Thành lập mới 762 doanh nghiệp, tăng 56% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký là 7.171 tỷ đồng, tăng 34% (đây là năm đầu tiên có số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước đến nay); đã hoàn thành cấp Giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư đối với 59 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 12.614,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác chuyển đổi số ghi nhận những kết quả nổi bật. Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công "Nền tảng Cửa khẩu số". Tỉnh đã hình thành được mô hình chuyển đổi số tổng thể và toàn diện với 5 trụ cột (gồm: Chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng; xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số; hình thành xã hội số; ứng dụng cửa khẩu số); đã hoàn thành 21/30 chỉ tiêu của mục tiêu đến năm 2025 đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TU. Ngoài ra, công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua từng năm, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Bước sang năm 2024, phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh tiếp tục xác định chủ đề, phương châm hành động là: “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo, bứt phá”. Với mục tiêu tăng cường các biện pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tỉnh tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế gắn với chuyển đổi số, trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ. Tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tự tin, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của năm, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng quê hương Lạng Sơn ngày càng phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tỉnh Lạng Sơn đã ký một thỏa thuận khung với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh, ngày 26/6/2023
Theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022, Lạng Sơn xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 03/14 tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc. Ông đánh giá thế nào về kết quả này? Để tiếp tục duy trì thứ hạng và hướng đến những mục tiêu cao hơn, tỉnh cần thực hiện những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
Theo kết quả điều tra PCI 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Lạng Sơn xếp vị trí thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thứ 03/14 tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc; đạt 67,88 điểm, tăng 3,96 điểm và tăng 21 bậc so với năm 2021, nằm trong số 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất. Cùng với đó, khi VCCI lần đầu công bố Chỉ số Xanh (PGI), Lạng Sơn lọt Top 03 tỉnh, thành phố có Chỉ số PGI hàng đầu Việt Nam; với tổng điểm đạt 17,31 điểm, xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2022, Lạng Sơn có 06/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2021 gồm (Gia nhập thị trường, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự). Tuy vậy, còn có 4/10 chỉ số giảm điểm là: “Tiếp cận đất đai”, “Chi phí thời gian”, “Tính năng động và tiên phong của chính quyền”, “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”. Điều này cho thấy những cải cách, nỗ lực của tỉnh chưa được các doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ và thực tế còn có những rào cản, bất cập trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ cũng như tạo lập môi trường thân thiện, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, vị trí thứ 15/63 tỉnh, thành phố trên cả nước trong bảng xếp hạng PCI năm 2022 là kết quả xứng đáng, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của Lạng Sơn. Để tiếp tục đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024, tỉnh đang tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu:
- Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực, cụ thể để nâng cao chất lượng, khắc phục những hạn chế, yếu kém và đề ra giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; phấn đấu duy trì trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước.
- Chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục đổi mới về tư duy, nhận thức; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác chỉ đạo điều hành, tham mưu và triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp bằng văn bản (có thời hạn cụ thể), công khai các kiến nghị và quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của sở, ngành và địa phương.
- Nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các huyện, thành phố, các sở, ngành, phòng, ban thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử gắn với đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính, phù hợp với tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước theo hướng tiếp tục rà soát các TTHC để đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện.
- Đổi mới và nâng cao chất lượng đối thoại giữa chính quyền tỉnh với doanh nghiệp. Rút ngắn thời gian phản hồi các thông tin, văn bản yêu cầu thắc mắc từ phía doanh nghiệp, góp phần tạo sự minh bạch hơn trong môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện những nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND tỉnh.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển bền vững. Định hướng doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, thúc đẩy sự cải thiện chính sách và thực thi chính sách phát triển xanh của tỉnh.
- Tiếp tục xây dựng kế hoạch, có giải pháp cụ thể để triển khai ngay nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sau khi bảng xếp hạng PCI năm 2023 được công bố, trong đó tập trung khắc phục các chỉ số thành phần còn thấp điểm, duy trì và nâng cáo các chỉ số còn lại.
Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang mở ra khát vọng, động lực tăng trưởng mới cho tỉnh. Ông chia sẻ thế nào về vấn đề này cũng như việc triển khai Quy hoạch đồng bộ, hiệu quả thiết thực, nhất là việc thực hiện 04 khâu đột phá phát triển trong thời gian tới ?
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024. Theo Quyết định, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Lạng Sơn có quy mô hơn 831 nghìn ha, với 11 đơn vị hành chính gồm thành phố Lạng Sơn và 10 huyện.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là cầu nối ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 05 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch trở thành động lực tăng trưởng chính, ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất nông - lâm sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ, hiệu quả cao.
Mục tiêu cụ thể về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 8 - 9%/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12 - 13%, công nghiệp - xây dựng chiếm 32 - 33%, dịch vụ chiếm 50 - 51%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4 - 5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 150 triệu đồng.
Về các đột phá phát triển, Lạng Sơn xác định 04 khâu đột phá phát triển, gồm: (i) Chuyển đổi số và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế; (ii) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh; (iii) Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (iv) Phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, xanh, an toàn và hiện đại để trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Tập trung ưu tiên phát triển 06 ngành dịch vụ gồm: (i) Thương mại và dịch vụ kinh tế cửa khẩu; (ii) Du lịch; (iii) Dịch vụ vận tải, kho bãi; (iv) Dịch vụ tài chính ngân hàng; (v) Dịch vụ giáo dục, y tế; (vi) Các dịch vụ khác như viễn thông, dịch vụ hỗ trợ khoa học công nghệ.
Để triển khai cụ thể hóa Quy hoạch, tỉnh Lạng Sơn đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đó là: Đổi mới và hoàn thiện thể chế, cải tiến mạnh mẽ TTHC theo hướng tinh giản, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo và điều hành. Đầu tư nâng cấp và phát triển cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại, tập trung vào hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng chống thiên tai, xử lý chất thải và nước thải. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua phát triển giáo dục, đào tạo nghề cho người lao động và thu hút nhân tài,...
Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực ra sao trong việc cải thiện môi trường kinh doanh; những cam kết của tỉnh về việc thúc đẩy sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới?
Những năm qua, Lạng Sơn đã tập trung cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với nhiều giải pháp quyết liệt. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã có nhiều cải thiện tích cực, trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư. Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Lạng Sơn, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn từ các nước như: Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã đến đầu tư tại Lạng Sơn như VinGroup, Sun Group, Sovico, APEC, VSIP và nhiều tập đoàn đang mong muốn được đầu tư như Viglacera, T&T, TH True Milk,…
Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Lạng Sơn đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ giải pháp gồm:
Một là, tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hút đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 – 2030.
Hai là, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh, coi việc tháo gỡ khó khăn, rào cản là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục hồi nhanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước hết là hạ tầng giao thông, gồm các tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B kết nối Lạng Sơn - Quảng Ninh, thực hiện giai đoạn 1 tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, đề xuất tuyến đầu tư đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội,… Bên cạnh đó là đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu chức năng trong khu kinh tế cửa khẩu, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư chiến lược. Tập trung giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm về giao thông, Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn, các cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin,…
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là TTHC, đẩy mạnh chuyển đổi số tổng thể, toàn diện, hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, gắn với cải cách TTHC, hướng tới đối tượng phục vụ chủ yếu là người dân, doanh nghiệp.
Năm là, trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục xây dựng, ban hành các quy hoạch thuộc các lĩnh vực chuyên ngành theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch làm cơ sở cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh có tầm nhìn dài hạn, bền vững.
Với định hướng rõ ràng, sự quyết tâm, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, trong tương lai không xa, tôi tin tưởng rằng tỉnh Lạng Sơn sẽ trở thành một cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Duy Bình (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI