Cơ hội bứt phá từ quy hoạch xây dựng vùng huyện Sơn Động

12:26:01 | 21/4/2024

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng huyện Sơn Động đến năm 2040, tỷ lệ 1/25.000. Trong đó, xác định xây dựng Sơn Động là cửa ngõ phía Đông của tỉnh, phát triển kinh tế dựa trên các thế mạnh nông, lâm nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch tâm linh - sinh thái,… Đây là cơ hội tốt để huyện phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.


Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động

Khai thác hiệu quả tiềm năng

Là khu vực cửa ngõ phía Đông tỉnh Bắc Giang, huyện Sơn Động giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, giao điểm của các tuyến đường: Quốc lộ 31 từ cửa khẩu Bản Chắt (tỉnh Lạng Sơn) đi thành phố Bắc Giang, quốc lộ 279 đi thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh); là huyện nằm trên trục tiến ra biển của các tỉnh miền núi phía Bắc; tiệm cận với hành lang kinh tế quan trọng Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; có hệ thống giao thông kết nối liên vùng, hạ tầng kỹ thuật phát triển tương đối đồng bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế dịch vụ, trở thành huyện có chức năng tổng hợp - liên kết vùng của khu vực phía Đông tỉnh Bắc Giang; là khu vực tập kết, trung chuyển hàng hóa biên giới và là cơ sở hậu cần - dịch vụ cho các khu kinh tế mở trong tương lai.

Sơn Động có tổng diện tích đất tự nhiên hiện trạng là 86.055,67ha, bằng 22,12% diện tích tự nhiên và là địa phương có diện tích tự nhiên lớn thứ hai trong tỉnh. Huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa, là khu vực phát triển kinh tế - xã hội tương đối đồng đều ở 3 lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng công nghiệp, dịch vụ thương mại, đặc biệt phù hợp để phát triển nông nghiệp đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi.

Huyện nằm trong vùng bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử với tài nguyên thiên nhiên rừng và hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, là lợi thế lớn cho phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,...

Hiện tại, dân số tại Sơn Động được cho là lý tưởng, thời kỳ “dân số vàng” với dân số trung bình 79.415 người, tổng số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn là 64.350 người, chiếm 80% dân số hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,2%. Đây là lợi thế lớn, đáp ứng nhu cầu phục vụ các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ, thương mại, du lịch quy mô lớn, thúc đẩy kinh tế trong tương lai.

Tạo nền tảng vững chắc

Ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện tập trung lãnh đạo, đổi mới, sáng tạo trong hành động; phát huy các tiềm năng, khai thác hiệu quả các nguồn lực, từng bước đưa Sơn Động phát triển nhanh và bền vững”.

Năm 2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện ước đạt 10,8% so với năm 2022, trong đó: Nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,6%; công nghiệp - xây dựng tăng 14,2%; dịch vụ tăng 8,6%. Tổng thu ngân sách đạt 1.383 tỷ đồng, tăng 17,6%; thu nội địa đạt 191,3 tỷ đồng, đạt 114%,...

Công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, đã thu hút Dự án cụm công nghiệp Thanh Sơn 46ha với tổng mức đầu tư hơn 488 tỷ đồng; thu hút đầu tư 13 khu vực mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng diện tích 133ha, tập trung ở các xã: Tuấn Đạo, An Bá, An Lạc, Yên Định với trữ lượng lớn.

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đi vào nề nếp; hoàn thành Quy hoạch xây dựng vùng huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040; Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn An Châu, huyện Sơn Động; quy hoạch chung xây dựng một số xã. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng phát triển kinh tế theo hướng cân bằng, bền vững.

Sẵn sàng bứt phá

“Việc hoàn thành Quy hoạch xây dựng vùng huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đến năm 2040 là một bước đi cụ thể để hiện thực hóa các chủ trương, đường lối chiến lược phát triển của huyện, tạo động lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Hoàng Văn Trọng nhấn mạnh.

Theo đó, Sơn Động sẽ là cửa ngõ phía Đông của tỉnh, phát triển kinh tế dựa trên các thế mạnh về nông, lâm nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch tâm linh sinh thái; là vị trí trung gian quan trọng kết nối giữa trung tâm phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Giang với tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn; là vùng bảo tồn không gian sinh thái rừng, duy trì đa dạng sinh học và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh, quốc gia.

Với định hướng trên, huyện hướng tới phát triển bền vững, trọng tâm bảo vệ và phát triển kinh tế rừng, trở thành lá phổi xanh của tỉnh và vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Phát triển các loại hình dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh.

Về nông nghiệp, huyện tập trung phát triển các vùng trồng rừng sản xuất tập trung và các loại cây, con đặc sản dưới tán rừng (dược liệu) gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đối với công nghiệp trọng tâm là các sản phẩm công nghiệp chế biến lâm sản; quy hoạch 01 cụm công nghiệp với diện tích 46ha. Phát triển dịch vụ với trọng tâm là dịch vụ du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch cộng đồng với các điểm nhấn là xây dựng khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử thành khu du lịch cấp quốc gia; khu du lịch văn hóa, vui chơi giải trí Đồng Cao trở thành khu du lịch cấp tỉnh.

Với chủ trương lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, thời gian qua, huyện Sơn Động thực hiện tốt nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, nhất là người đứng đầu theo phương châm “3 hơn” (quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn); “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả) và “3 dám” (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung). Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa chi phí thời gian, nâng cao chỉ số cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư.

Cùng với đó, thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị tuyên truyền, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp tham gia phản biện các cơ chế, chính sách của Nhà nước có liên quan đến doanh nghiệp. Chủ động, kịp thời giải quyết khó khăn; đề xuất các giải pháp có tính đột phá nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Tích cực huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư hệ thống hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Bách (Vietnam Business Forum)