14:57:45 | 26/4/2024
Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản để khu vực doanh nghiệp này phát triển.
Nhiều rào cản ở nhiều lĩnh vực
Theo ông Đặng Quang Vinh, chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, một chuyên đề đặc biệt trong báo cáo do WB nghiên cứu về đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã cho thấy, các rào cản chính mang tính cơ cấu tại Việt Nam vẫn tồn tại ở nhiều lĩnh vực, bao gồm các rào cản pháp lý, thiếu hụt kỹ năng ngày càng tăng, tỷ lệ hấp thụ công nghệ thấp và những thách thức trong việc tiếp cận nguồn tài chính giai đoạn đầu có tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng năng suất của Việt Nam và ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phân tích của WB cho thấy, năng suất lao động tại Việt Nam tăng trưởng cao hơn so với nhiều quốc gia khác kể từ năm 2010, chủ yếu nhờ cải thiện về môi trường kinh doanh, chất lượng vốn nhân lực và dòng vốn FDI lớn đổ vào trong nước. Tuy nhiên, dù tăng trưởng tốt nhưng năng suất lao động bình quân hiện vẫn đứng sau khá xa với các quốc gia khác.
Khảo sát của WB về doanh nghiệp khởi nghiệp đang tìm kiếm vốn đầu tư mạo hiểm cho thấy, các doanh nghiệp đó chủ yếu tập trung trong lĩnh vực CNTT&TT và một số lĩnh vực dịch vụ khác. Hầu hết các doanh nghiệp đều đang chào bán các sản phẩm và dịch vụ mới với thị trường mới trên thế giới.
Tuy nhiên, có nhiều hạn chế khiến việc doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển. Theo ông Vinh, hiện nay, các trường ĐH và Viện nghiên cứu tại Việt Nam chưa đóng góp nhiều vào việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, chỉ có khoảng 12% doanh nghiệp khởi nghiệp lấy ý tưởng (hoặc cảm hứng) từ nghiên cứu khoa học hoặc học thuật trong nước. Tỷ lệ chi của các trường đại học và viện nghiên cứu trên tổng chi cho nghiên cứu và phát triển đã và đang giảm đáng kể. Có chưa đến 40% tổ chức sử dụng lao động được khảo sát cho rằng sinh viên mới tốt nghiệp được chuẩn bị đầy đủ, nhất là cho các vị trí đòi hỏi kỹ năng cao. Bên cạnh đó, bằng sáng chế có vai trò quan trọng nhưng bằng sáng chế trong nước của Việt Nam còn hạn chế.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của WB, cơ hội tiếp cận tài chính vẫn là thách thức lớn đối với khu vực tư nhân ở Việt Nam, nhất là với doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy dòng vốn và vốn đầu tư mạo hiểm đang đổ vào mạnh mẽ nhưng vẫn thiếu hụt đối với các hoạt động khởi nghiệp ở giai đoạn ban đầu, nhất là với các doanh nghiệp dựa vào tri thức và bằng sáng chế. Các nhà đầu tư thiên thần- có vai trò quan trọng trong cấp vốn giai đoạn ban đầu - còn khan hiếm và chưa được chuyên nghiệp hóa. Đó là chưa kể đến việc các quỹ và các nhà đầu tư trong nước phải đối mặt với nhiều hạn chế, chưa có ưu đãi cho dù đã có Nghị định 38 về đầu tư khởi nghiệp.
Đáng chú ý, hỗ trợ của Nhà nước về khởi nghiệp còn manh mún, chất lượng và mức hỗ trợ còn thấp. Hỗ trợ bị “phân mảnh” tại nhiều bộ, ngành và đơn vị triển khai, việc triển khai và phối hợp còn chưa theo kịp với các quốc gia tiên phong trên toàn cầu. Cùng với đó, hỗ trợ tài chính còn rất hạn chế cả về quy mô và phạm vi. Nghiên cứu đưa ra cho thấy, có chưa đến 8% doanh nghiệp được hưởng lợi; chưa có công cụ chính sách đầu tư cổ phần của Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp ( ví dụ như tài trợ quỹ, quỹ đầu tư trực tiếp, hoặc quỹ đồng đầu tư). Dù Việt Nam đã triển khai Đề án 844 của quốc gia, hỗ trợ được khoảng 2000 dự án và nhiều học viên, nhưng trên thực tế điều này có tác động chưa đủ mạnh.
Theo ông Vinh, mặc dù đã có những nỗ lực cải cách, doanh nhân khởi nghiệp và nhà đầu tư còn phải đối mặt với những rào cản trong khung pháp lý. Có 38% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết còn nhiều thách thức trong việc tiếp cận thị trường; khung pháp lý còn thiếu rõ ràng, chưa có cơ chế thí điểm hoặc sandbox cho nhiều lĩnh vực tiềm năng như tài chính, ngân hàng hoặc trò chơi. Khung pháp lý về đăng ký quỹ đầu tư trong nước (Nghị định 38) còn hạn chế và chưa tạo động lực, dẫn đến chưa nhiều quỹ đăng ký và tổng đầu tư còn nhỏ; cơ chế chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ của Việt Nam còn thiếu đồng bộ và bị mâu thuẫn chính sách, gây cản trở các hoạt động chuyển giao công nghệ, quy định về giao quyền sở hữu tài sản nghiên cứu & phát triển còn chưa rõ ràng.
Đổi mới chương trình hỗ trợ hệ sinh thái
Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần tăng trưởng năng suất của Việt Nam, WB cho rằng, Việt Nam cần phải tạo một môi trường thuận lợi hơn. Theo đó, có thể đổi mới chương trình hỗ trợ hệ sinh thái quan trọng (Chương trình 844) theo hướng xây dựng các doanh nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư. Hoạt động này bao gồm cải thiện các cơ chế hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các nhà quản lý quỹ tư nhân để thành lập các quỹ đầu trong nước và nâng cao năng lực của các bên liên quan đến hệ sinh thái như vườn ươm (incubator) và hỗ trợ phát triển ý tưởng (accelerator).
Đơn giản hóa các quy định, đẩy nhanh cải cách nhằm giải quyết các rào cản pháp lý đối với các quỹ đầu tư trong nước (Nghị định 38 về đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo) và đơn giản hóa các thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam và ngược lại, đặc biệt là đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự đóng góp của giới học thuật và nghiên cứu công lập. Tạo điều kiện cho các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu công để đóng góp cho các công ty khởi nghiệp, thông qua các vườn ươm, hỗ trợ phát triển ý tưởng, trung tâm đào tạo khởi nghiệp được đổi mới (thông qua các mô hình hợp tác công tư). Khu vực nghiên cứu công có thể đóng vai trò lớn hơn bằng cách hiện đại hóa khuôn khổ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, khen thưởng những nỗ lực nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa và xây dựng năng lực của các trường đại học và tổ chức nghiên cứu để chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả cho các công ty khởi nghiệp…
Quỳnh Anh (Vietnam Business Forum)