Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực

09:29:55 | 7/5/2024

4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính, trong tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng 3/2024 và tăng 19,4% so với tháng 4/2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 893 triệu USD, tăng 0,7% so với tháng 3/2024, và tăng 14,1% so với tháng 4/2023.


Xuất khẩu gỗ thu về gần 4,8 tỷ USD trong 4 tháng

Tính chung, 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho hay, tiêu dùng hàng hóa tại nhiều thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên. Điều này thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Theo đó, hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ trong 4 tháng đầu năm 2024 ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực. Với đà tăng trưởng hiện tại, dự báo ngành gỗ sẽ có nhiều triển vọng khả quan trong năm 2024.

Việt Nam với vị thế thuộc nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và ngày càng hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ...

Với nhiều thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các hiệp định thương mại tự do, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trên thị trường quốc tế. Ngành gỗ Việt Nam có vị thế thuận lợi để tận dụng nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp đang đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi kỹ thuật số để phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tính hiệu quả và năng suất hơn.

Mặc dù nhiều thuận lợi nhưng ngành gỗ vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam ngày càng yêu cầu chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính… Nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ sản phẩm hàng hóa ngày càng gia tăng; cạnh tranh thương mại diễn ra phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam.

Ngoài các yếu tố khách quan, năng lực nội tại của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế khi phần lớn doanh nghiệp chủ yếu gia công theo đơn hàng và mẫu mã của các nhà phân phối nước ngoài. Sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng nhiều năm liên tục nhưng dựa vào lao động và nguyên liệu giá rẻ, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao. Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực xây dựng thương hiệu; sức chống chịu kém trước các biến động bất ngờ và liên tục từ thị trường. Các sản phẩm ít được phân phối trực tiếp đến khách hàng mà phải thông qua các kênh phân phối, doanh nghiệp nước ngoài.

Theo đó, để ngành gỗ phát triển bền vững, bên cạnh việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về xuất xứ, môi trường, ngành gỗ và nội thất Việt Nam phải chú trọng vào đầu tư cho thiết kế, sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Đáng chú ý, thời gian qua nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao. Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ở góc độ thị trường, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương nhận định, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ, xuất khẩu sang thị trường Mỹ gia tăng góp phần thúc đẩy ngành gỗ đạt được kết quả tích cực trong năm 2024, bởi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm 53,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Sự phục hồi đáng kể kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ trong những tháng đầu năm 2024 là nhờ nhu cầu của thị trường tăng và hàng tồn kho giảm. Các nhà nhập khẩu của Mỹ đánh giá cao và xác định Việt Nam là thị trường cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ quan trọng trên thế giới. Điều đó thể hiện rõ khi Mỹ đang là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ số 1 cho Mỹ. Đây sẽ là nền tảng để xuất khẩu bứt phá tại thị trường này nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội.

Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều vào một thị trường chính đang là điểm yếu của Việt Nam. Minh chứng là khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ giảm, trị giá xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm theo rất nhiều. Do đó, doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hoá và nâng dần tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác để giảm thiểu rủi ro.

Nguồn: congthuong.vn