Đưa Cảng Vũng Rô sớm trở thành trung tâm dịch vụ cảng biển quan trọng

10:12:10 | 10/6/2024

Những năm vừa qua, tập thể Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô đã nỗ lực phát huy truyền thống, phát triển Công ty tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của tỉnh Phú Yên. Trên đà đó, Cảng Vũng Rô đang hướng tới trở thành một trung tâm dịch vụ cảng biển quan trọng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà cũng như của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”

Cảng Vũng Rô là một cảng biển tổng hợp địa phương (loại III) trong nhóm cảng biển Nam Trung bộ (nhóm 3) của Việt Nam, nằm tại Vịnh Vũng Rô, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Nơi đây có 3 mặt Tây, Đông, Bắc tiếp giáp với núi và được che chắn kín sóng, kín gió; gần đường hàng hải quốc tế và nội địa; luồng vào ngắn, có độ sâu lớn có thể tiếp nhận tàu đến 50.000DWT. Độ sâu bình quân trong vịnh từ 15-20m, diện tích mặt nước 15km2 là nơi neo đậu lý tưởng cho các tàu vào trú gió, trung chuyển hàng hóa. Luồng vào cảng rộng, thoáng, dài 2,8km nên thuận lợi cho các tàu ra, vào. Không chỉ vậy, Cảng Vũng Rô còn được lợi thế “thiên thời, địa lợi” hiếm có nơi nào có được khi về đường bộ, Cảng nằm giữa Nam Phú Yên và Bắc Khánh Hòa, có đường sắt và quốc lộ 1A đi qua, phía Tây kết nối các tỉnh Tây Nguyên nên thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ.

“Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cảng đã đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hàng hóa trung bình thông qua đây hàng năm lớn hơn 10% so với công suất thiết kế, trong đó có nhiều năm lượng hàng hoá qua cảng gấp đôi công suất thiết kế” - ông Huỳnh Xuân Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô chia sẻ.

Hơn 20 năm hoạt động, cảng Vũng rô đã bước đầu đạt được một số kết quả trong cung ứng dịch vụ cảng biển; từng bước hình thành và đáp ứng được một số dịch vụ chính của cảng biển như xếp dỡ và giao nhận hàng hoá, lưu kho, lưu bãi và lai đắt; khẳng định được vai trò, vị trí của Cảng và đã hỗ trợ tốt cho hoạt động vận tải biển nội địa đối với hàng hóa xuất, nhập đi và đến Phú Yên và một số tỉnh lân cận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mơ ước về Cảng Vũng Rô hiện đại

Nói đến Vũng Rô không thể không nói đến huyền thoại về đoàn tàu không số. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đoàn tàu không số của hải quân nhân dân Việt Nam nhiều năm liền chở vũ khí vào miền Nam đã chọn Vũng Rô làm một điểm tập kết hàng hoá, tạo nên sự kiện ngày 16/2/1965 chấn động dư luận trong và ngoài nước một thời. Vịnh biển ấy từng là một địa danh đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc, niềm tự hào của quân và dân Phú Yên. Và bây giờ, vùng biển ấy cũng đã “thay da đổi thịt”, không còn là vùng đất nghèo khó thuở nào mà đang trên đà phát huy hết thế mạnh của mình về kinh tế biển và du lịch. Vũng Rô đủ rộng lớn để cùng lúc tiếp nhận nhiều dự án, mà trọng tâm là du lịch cao cấp để tạo dấu mốc lịch sử, tạo động lực phát triển mới cho vùng kinh tế Nam Phú Yên và cả tỉnh. Mơ ước về Vũng Rô và cảng Vũng Rô hiện đại là ước mơ chung của đại đa số người dân Phú Yên và Công ty TNHH MTV Cảng Vũng Rô.

Tuy đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng với quy mô kết cấu hạ tầng, trang thiết bị còn hạn chế nên dịch vụ cảng biển tại Cảng Vũng Rô phát triển chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng. Về vấn đề này, ông Huỳnh Xuân Minh trăn trở, dù có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi, nhưng trong giai đoạn hiện nay, cảng Vũng Rô chưa thể tham gia trực tiếp mạnh mẽ vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa (nhưng cảng có vai trò quan trọng trong vận tải hàng hoá nội địa, phục vụ dân sinh, đặc biệt là cho nông nghiệp và xây dựng nông thôn, như đưa đến xi măng, phân bón… và xuất đi nhiều loại hàng nông sản, khoáng sản). Ngoài vai trò nói trên, nếu chưa trực tiếp xuất nhập hàng hoá, Cảng đóng vai trò quan trọng trong việc gom hàng xuất khẩu cho các cảng lớn và cũng là địa điểm chuyển tải hàng hoá, trang thiết bị nhập khẩu cho phát triển công nghiệp.

Nhận thức được điều này, Công ty đã phải tiến hành đầu tư và nâng cấp hàng loạt hạng mục. Song song với đó là từng bước kiện toàn, hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện hữu, các trang thiết bị và công nghệ xếp dỡ để tăng nhanh năng suất, giảm cường độ lao động cho công nhân, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hàng hóa, giảm giá thành xếp dỡ và thời gian làm hàng tại Cảng cho khách hàng. Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt là nhân lực phục vụ cho việc quản lý khai thác hàng hóa và công nhân kỹ thuật lành nghề; phấn đấu xây dựng và phát triển Cảng trở thành một cảng biển phục vụ tốt các nhu cầu của khách hàng và hội nhập kinh tế quốc tế.

“Với vai trò, vị trí của Cảng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên và các tỉnh lân cận trong khu vực, nhất là các tỉnh Tây Nguyên và nhu cầu thực tế hàng hóa qua các chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn liền với Cảng, Cảng Vũng Rô cần được nghiên cứu đầy đủ để mở rộng và phát triển dịch vụ cảng biển tương xứng với nhu cầu và tiềm năng sẵn có, thể hiện đầy đủ vai trò. Mục tiêu của chúng tôi là đưa Cảng Vũng Rô sớm trở thành một trung tâm dịch vụ cảng biển quan trọng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà cũng như của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, một trong những cửa ngõ đường biển của duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Mọi công tác đặt ra đều tập trung phát triển theo hướng mở cửa, hội nhập, với bước đi thích hợp, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn các giá trị biển và phát triển bền vững, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái và liên kết vùng” -  ông Huỳnh Xuân Minh nói.

Hoàng Lâm (Vietnam Business Forum)