14:31:23 | 6/6/2024
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sơn La đã làm tốt công tác quản lý, điều hành thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực được giao và nhận ủy thác, góp phần quan trọng vào kết quả giải ngân đầu tư công của tỉnh.
Ban QLDA ĐTXD các công trình NN&PTNT tỉnh Sơn La được thành lập theo Quyết định số 3059/QĐ-UBND ngày 04/12/2015 của UBND tỉnh Sơn La, đến tháng 12/2021, sáp nhập thêm Ban QLDA di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Ban là đơn vị chuyên ngành có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh về công tác QLDA, ĐTXD, quản lý các dự án được Chủ tịch UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư về lĩnh vực NN&PTNT, các dự án ĐTXD, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình, Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình, được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính.
Ban có tổng số 57 viên chức, người lao động, gồm 39 viên chức và 18 hợp đồng lao động. Trong đó, thạc sĩ: 12/57 người, chiếm 21%; đại học: 39/57 người, chiếm 68,4%; cao đẳng: 02/57 người, chiếm 3,5%; công nhân kỹ thuật và nhân viên khác: 4/57 người, chiếm 7%.
Trong công tác quản lý các dự án được giao làm chủ đầu tư, Ban đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, phân bổ, điều chỉnh nguồn vốn ĐTXD cơ bản các dự án thuộc dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La và Đề án 666. Phối hợp rà soát, tổng hợp số liệu giải ngân, nhu cầu điều chỉnh kế hoạch vốn; đề xuất phương án phân bổ kế hoạch vốn; tham mưu trình UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án không có khả năng giải ngân để bổ sung cho các dự án có khối lượng nghiệm thu và nhu cầu vốn thanh toán.
Ngoài ra, Ban cũng chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án; chủ động phối hợp với Hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện, thành phố và đơn vị liên quan tổ chức bồi thường, hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình bị ảnh hưởng, bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu.
Năm 2023, Ban triển khai thực hiện 13 dự án với tổng vốn được giao là 366.902 triệu đồng. Đến thời điểm báo cáo đã hoàn thành giải ngân hơn 204.626 triệu đồng (đạt 55,77 kế hoạch vốn giao). Cụ thể: Các công trình thuộc Đề án 1460 đã cơ bản hoàn thành, hiện đang tổng hợp phê duyệt quyết toán các hạng mục. Công tác di chuyển các hộ dân đến điểm tái định cư suối Dinh, xã Mường Bang, huyện Phù Yên đã thực hiện được 46/49 hộ; Dự án Kè suối Nặm La đoạn từ cầu Coóng Nọi - Khu Viện Dưỡng Lão và đoạn từ cầu 308 - cầu dây Văng. Kế hoạch vốn được giao trong năm là 35.055 triệu đồng; lũy kế giải ngân của dự án: 15.396/35.055 triệu đồng (đạt 43.91% kế hoạch vốn giao),…
Triển khai thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2023, Ban đã cử 09 lượt viên chức, người lao động tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Ngoài ra cử 12 lượt viên chức, người lao động tham dự các hội nghị tập huấn; đề xuất 2 cán bộ tham gia Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Thể - Giám đốc Ban cho biết: Các dự án được giao làm chủ đầu tư đều được Ban thực hiện, giám sát chặt chẽ. Công tác đảm bảo chất lượng luôn đặt lên hàng đầu, thực hiện theo đúng quy trình, quy định về quản lý chất lượng công trình. Công tác lập hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn, xây lắp, giám sát đảm bảo công khai đúng quy định hiện hành.
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn, UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng một số dự án vẫn còn vướng mắc, đặc biệt là dự án Kè suối Nậm La, Thoát lũ Chiềng Sinh, Hệ thống kênh mương thủy lợi Nà Sản. Đồng thời, quan tâm, bố trí kịp thời nguồn vốn cho một số dự án có sử dụng ngân sách tỉnh trong năm 2024 để đảm bảo hoàn thành tiến độ thực hiện các dự án theo đúng kế hoạch.
Trần Công (Vietnam Business Forum)