07:19:27 | 11/6/2024
Hội đồng kinh doanh EU tại ASEAN (EU-ABC), một mặt mong muốn hàng hóa thông quan nhanh, tạo thuận lợi thương mại, một mặt sẵn sàng giúp hải quan nâng cao hiệu quả hoạt động, tìm hiểu nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như trong các vấn đề khác như đấu tranh chống thương mại bất hợp pháp.
Đó là thông tin được ông Chris Humphrey, Giám đốc Điều hành, Hội đồng Kinh doanh EU-ABC chia sẻ với báo chí trong khuôn khổ Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 diễn ra tại Phú Quốc từ ngày 4-6/6/2014.
Theo ông Chris Humphrey, để đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại hợp pháp, Hội đồng Kinh doanh EU-ABC có đề ra kế hoạch và sáng kiến nhằm hỗ trợ, hợp tác với Hải quan ASEAN trong thời gian tới.
Đầu tiên là sáng kiến về tuân thủ được thông tin. Sáng kiến này giúp doanh nghiệp hiểu biết tốt hơn về những thủ tục mà doanh nghiệp phải thực hiện để tuân thủ các yêu cầu của cơ quan hải quan, trong đó có Hải quan Việt Nam. Doanh nghiệp hiểu biết tốt hơn về các thủ tục, như các biểu mẫu, tờ khai, từ đó sẽ giúp việc thông quan được nhanh chóng hơn.
Một lĩnh vực khác là hàng hóa trị giá thấp và hàng hóa thương mại điện tử. Chúng ta đã thấy sự tăng trưởng của thương mại điện tử sau đại dịch Covid-19 trong khu vực, với sự gia tăng các lô hàng trị giá thấp, và ASEAN lại là khu vực có nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ. Xuất phát từ nhu cầu thông quan nhanh chóng và đảm bảo kiểm soát được hàng hóa trị giá thấp, ông Chris Humphrey cho rằng doanh nghiệp thương mại điện tử cần tăng cường hợp tác với cơ quan hải quan để hiểu biết hơn về nhu cầu của nhau, giúp thông quan nhanh loại hàng hóa này ở khắp khu vực Đông Nam Á.
Lĩnh vực cuối cùng nhưng rất quan trọng, đó là tăng cường hợp tác chống thương mại bất hợp pháp. Thương mại bất hợp pháp gây thất thu ngân sách cho nhà nước. Đối với người tiêu dùng, đó là mối lo ngại về sự an toàn của các sản phẩm bất hợp pháp. Đối với doanh nghiệp, đó là sự tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp nếu các sản phẩm hàng giả, hàng nhái được bày bán trên thị trường. Đây là lĩnh vực mà hải quan và doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, không chỉ trong đào tạo xây dựng năng lực, mà còn chia sẻ thông tin.
Đánh giá về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong việc tạo thuận lợi để thu hút cộng đồng doanh nghiệp, ông Chris Humphrey cho biết, từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU được thực hiện vài năm trước, đã có sự tăng lên đáng kể trong thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU. Đây là một tín hiệu rất đáng khích lệ. Việt Nam xác định vị trí của mình là một quốc gia thương mại, và hiện là một trong những quốc gia thương mại hàng đầu thế giới. Điều này là do Việt Nam tham gia vào nhiều FTA như CPTPP, RCEP và các FTA với các đối tác song phương.
“Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài, như xây dựng nhà máy sản xuất, trung tâm dịch vụ, xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới. Không chỉ thương mại, mà lĩnh vực đầu tư cũng có sự tăng trưởng kể từ khi FTA Việt Nam-EU có hiệu lực. Việt Nam trở thành một trung tâm thương mại không chỉ ở châu Á mà trên thế giới, dựa trên những FTA như đã nói, lực lượng lao động trẻ năng động, cũng như vị trí địa lý thuận lợi” - ông Chris Humphrey nhận định về lợi thế của Việt Nam.
Hiền Phúc (Vietnam Business Forum)