10:46:49 | 17/6/2024
Bằng các hoạt động thiết thực, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.Hải Phòng cùng công đoàn các cấp đã chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Đặc biệt, quan hệ lao động được quan tâm xây dựng, ngày càng chuyển biến tích cực theo hướng hài hòa, ổn định và tiến bộ,… Từ đó, giúp người lao động yên tâm, nỗ lực đóng góp cho cơ quan, doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của thành phố.
Hiệu quả nhờ ý Đảng hợp lòng dân
Ngày 03/9/2019, Ban Bí thư có Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Thông tư số 38-TT/TU, ngày 06/12/2019; UBND thành phố ban hành Quyết định số 386/QĐ-UBND, ngày 27/01/2022 về việc “Phê duyệt Đề án phát triển quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025”.
LĐLĐ huyện Thủy Nguyên ký kết thoả ước lao động tập thể nhóm các trường mầm non ngoài công lập
Đề án đã xây dựng hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ quan hệ lao động từ phía cơ quan nhà nước; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động nói chung và thực hiện dân chủ tại nơi làm việc nói riêng; thúc đẩy hoạt động đối thoại và thương lượng tập thể; phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong quan hệ lao động; nâng cao năng lực và hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công; thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm trong chấp hành pháp luật lao động, công đoàn; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế ba bên trong quan hệ lao động.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động trên địa bàn TP.Hải Phòng ngày càng được chú trọng và chuyển biến tích cực. Các sở, ngành, địa phương có sự phối hợp gắn kết hơn trong thực hiện chính sách pháp luật về quan hệ lao động. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động tham mưu quản lý nhà nước về quan hệ lao động được tăng cường. Các thiết chế hòa giải, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn được nâng cao cả về nhận thức và hành động,…
Bà Bùi Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.Hải Phòng (thứ 2 từ phải sang) trao giải cho các vận động viên Hội thi thể dục, thể thao nhân Tháng Công nhân 2024
Trong những năm gần đây, quan hệ lao động trên địa bàn TP.Hải Phòng đã có sự chuyển biến rõ rệt. Người lao động và người sử dụng lao động đã nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật lao động; những tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể giảm dần, trật tự an ninh được giữ vững và ổn định.
Đặc biệt, LĐLĐ TP.Hải Phòng đã tăng cường triển khai hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại các cơ quan, doanh nghiệp. Đơn vị đã ban hành Chương trình “Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể, giai đoạn 2024 - 2028” nhằm góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục nâng cao vai trò của các cấp công đoàn thành phố trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trong năm 2023, toàn thành phố đã có 336/331 bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết (đạt 102% kế hoạch), 200/193 đạt loại B (đạt 104% kế hoạch). Hải Phòng là địa phương đi đầu trong thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, đến nay, đã có 27 bản thỏa ước với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định pháp luật. Qua đó, góp phần động viên người lao động thêm gắn bó vì lợi ích của bản thân và doanh nghiệp.
Chăm lo tốt hơn đời sống người lao động
Tính đến tháng 5/2024, LĐLĐ TP.Hải Phòng quản lý 3.002 công đoàn cơ sở với 340.115 CNVCLĐ. Tổng số đoàn viên công đoàn là 326.094 người, trong đó, số người ngoài nhà nước là 262.289 người.
Xác định công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNVCLĐ là nhiệm vụ xuyên suốt, LĐLĐ thành phố và các cấp công đoàn thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, đời sống, việc làm, chế độ chính sách cho CNVCLĐ. Nhờ vậy, hoạt động công đoàn ngày càng đổi mới, để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng đoàn viên, người lao động và được xã hội ghi nhận.
Thay dầu máy xe - một trong những hoạt động hướng đến công nhân, viên chức, người lao động nhân Tháng Công nhân 2024
Chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên và người lao động cũng được chú trọng đổi mới với nhiều hình thức và nội dung phong phú. LĐLĐ thành phố đã tăng cường hướng dẫn công đoàn cơ sở phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ cũng như tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ, chính sách, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp nhằm theo dõi tình hình việc làm và tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của người lao động để chủ động tham mưu biện pháp giải quyết kịp thời.
Năm 2023, Thường trực Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại chuyên đề, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chỉ đạo giải quyết kiến nghị của đông đảo công nhân, người lao động trên địa bàn thành phố.
Mặt khác, LĐLĐ TP.Hải Phòng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động bằng các hoạt động thiết thực, như: Chương trình phúc lợi đoàn viên, Quỹ Mái ấm Công đoàn, Tết Sum vầy, Chợ Tết Công đoàn; xây dựng thí điểm mô hình “Khu nhà ở công nhân văn minh, an toàn”; thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ công nhân, người lao động ăn Tết; khám, tư vấn sức khỏe cho công nhân, lao động; lắp đặt hệ thống truy nhập internet không dây miễn phí cho các khu nhà trọ công nhân; tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động, Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo…
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, LĐLĐ thành phố cùng các cấp công đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, chia sẻ với các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu là việc vận động đóng góp và phát huy ý nghĩa nhân văn của Quỹ mái ấm Công đoàn. Theo đó mỗi năm, LĐLĐ TP.Hải Phòng đã hỗ trợ hàng trăm CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Tính riêng năm 2023, tổng kinh phí từ nguồn kinh phí của công đoàn và nguồn xã hội hóa từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn thành phố là 1.615 tỷ đồng với hơn 400.000 lượt CNVCLĐ được thụ hưởng.
LĐLĐ thành phố cũng tiên phong triển khai App “Hướng công” trên điện thoại thông minh. Đây là mô hình mới, sáng tạo, giúp người lao động tiếp cận các kiến thức, thông tin về pháp luật lao động để hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của cá nhân trong quan hệ lao động. Từ đó, có thể chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân và đồng nghiệp. Mặt khác, người lao động cũng có thể đưa ra những băn khoăn, vướng mắc của bản thân để được tổ chức công đoàn tư vấn, hỗ trợ kịp thời...
Với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai Nghị quyết”, trong Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động (tháng 5/2024), các cấp công đoàn trên địa bàn TP.Hải Phòng đã tập trung nguồn lực của tổ chức công đoàn và cùng với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ,… Song song với đó, thành phố tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và nhiều hoạt động khác hướng đến CNVCLĐ. |
Bà Bùi Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.Hải Phòng cho biết: Phát huy vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, thời gian tới, LĐLĐ thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW, xây dựng sơ kết 5 năm để đánh giá và bổ khuyết các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo thực hiện Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động,…
“LĐLĐ thành phố sẽ tăng cường chỉ đạo, lắng nghe, giải quyết thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; tạo môi trường thuận lợi để CNVCLĐ yên tâm công tác và cống hiến; tạo bước đột phá về phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở, nhất là ở các doanh nghiệp FDI. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò của LĐLĐ thành phố và các cấp công đoàn thực sự là chỗ dựa vững chắc, là cầu nối giữa CNVCLĐ với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp” - Bà Bùi Thị Ngọc nhấn mạnh.
Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI