09:06:18 | 18/6/2024
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn TP.Hải Phòng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để có được những kết quả ấn tượng về thu hút đầu tư. Sau 30 năm phát triển, các KCN, KKT đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, là động lực tăng trưởng của vùng Duyên hải Bắc bộ.
Đột phá trong công tác thu hút đầu tư
Hải Phòng hiện có 14 KCN đang hoạt động, được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với diện tích hơn 6.000ha, quỹ đất sản xuất công nghiệp hơn 4.000ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 60,5%. Các KCN này có vị thế ngày càng quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu thăm và làm việc với Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam tại KCN Tràng Duệ
Hải Phòng cũng đã có phương án chuẩn bị cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới với tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch xây dựng, ngoài các KKT, Hải Phòng quy hoạch 25 KCN với tổng diện tích tối đa 15.777ha.
Trong năm 2023, Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư KCN và Khu phi thuế quan Xuân Cầu (752ha), KCN Tiên Thanh (410ha). Đến nay, hai KCN này đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng, dự kiến năm 2024 - 2025 sẽ đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ triển khai xây dựng thêm 13 KCN mới, tổng diện tích gần 5.000ha, trong đó có KCN Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ 3 và Giang Biên, tổng diện tích hơn 1.383ha, đã nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư.
Năm 2023, dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, song các KCN, KKT trên địa bàn thành phố vẫn thu hút được 4,5 tỷ USD vốn đầu tư. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 3,5 tỷ USD với 62 dự án cấp mới, 37 dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt 175% kế hoạch giao, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022. Thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) đạt trên 1 tỷ USD (23.847 tỷ đồng) với 15 dự án cấp mới, 15 dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt 238,47% kế hoạch năm, tăng 192% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế đến nay, các KCN, KKT trên địa bàn TP.Hải Phòng có 933 dự án FDI với số vốn trên 28,9 tỷ USD; 217 dự án DDI với tổng số vốn trên 328 nghìn tỷ đồng (tương đương 14,2 tỷ USD). Tính chung giai đoạn 2020 - 2023, các KCN, KKT đã thu hút trên 10 tỷ USD vốn đầu tư FDI, đạt 88,8% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI của thành phố về thu hút vốn đầu tư FDI trong KCN, KKT giai đoạn 2020 - 2025.
Năm 2024, Hải Phòng đặt kỳ vọng thu hút từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn FDI. Trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng thu hút vốn FDI trên địa bàn Hải Phòng đạt 165,24 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó cấp mới trong KKT, KCN 11 dự án, đạt 149,18 triệu USD, (chiếm 99,27%),…
Tăng cường đổi mới công tác xúc tiến đầu tư
Trong thời gian qua, Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 07/4/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền
Ban luôn chú trọng chỉ đạo cơ quan, đơn vị, phòng nghiệp vụ tập trung quyết liệt, thường xuyên và đồng bộ công tác phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các KCN, KKT thực hiện theo quy định của pháp luật, chủ động nắm bắt và giúp đỡ các nhà đầu tư, doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực: Góp vốn, giải ngân, tiến độ dự án, quản lý lao động, thương mại, xuất nhập khẩu,…
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được tập trung triển khai thực hiện với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Từ đó, doanh nghiệp trên địa bàn được tạo điều kiện tối đa phát triển sản xuất, kinh doanh; môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, thông thoáng, an toàn, minh bạch. Hải Phòng trở thành điểm đến tiềm năng, tin cậy đối với các nhà đầu tư. Vị thế, tầm ảnh hưởng của thành phố ngày càng được nâng cao.
Ban đã chủ động thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các doanh nghiệp có công nghệ cao và thân thiện với môi trường, có tiềm lực, đóng góp lớn cho thành phố, có sức lan tỏa, thu hút được các doanh nghiệp trong nước theo định hướng phát triển ba trụ cột nền kinh tế đã được xác định, đó là: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistic, du lịch - thương mại.
Thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Ban Quản lý đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, biện pháp tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển, nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài,…
Động lực mới từ KKT ven biển phía Nam Hải Phòng
Theo hoạch định, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng có tổng diện tích 20.000ha, ven theo đường cao tốc ven biển; có các khu vực: Sông Văn Úc, cảng và logistics Nam Đồ Sơn, sân bay Tiên Lãng; trải dài từ quận Đồ Sơn đến huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo. KKT ven biển phía Nam Hải Phòng là KKT sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành; tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, logistics hiện đại; đầu mối của Hải Phòng tham gia chuỗi giá trị và cung ứng khu vực và thế giới; quan tâm giữ gìn giá trị văn hóa và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.
KKT ven biển Nam Hải Phòng sẽ được định hướng triển khai khu thương mại tự do, được ưu tiên phát triển các dự án KCN, cụm công nghiệp, trung tâm logistics tầm cỡ quốc tế, các đô thị dọc theo tuyến đường bộ ven biển, tận dụng lợi thế của khu quy hoạch cảng Nam Đồ Sơn và cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.
Đến năm 2030, KKT ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế TP.Hải Phòng, tương đương với 80% năng lực của KKT Đình Vũ - Cát Hải năm 2023. KKT ven biển phía Nam Hải Phòng có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các KKT lân cận, tạo thành chuỗi KKT ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng.
Việc thành lập KKT mới là nhằm tranh thủ dư địa phát triển của KKT Đình Vũ - Cát Hải, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các nước vào Việt Nam. Với vị trí quan trọng trong vùng động lực đồng bằng sông Hồng, nằm tại 3 hành lang kinh tế quan trọng, KKT ven biển Nam Hải Phòng có vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối với các khu kinh tế lân cận, tạo thành chuỗi khu KKT ven biển, làm động lực phát triển của cả vùng.
Năm 2023, tỷ lệ các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến chế tạo, logistics đầu tư vào các KCN, KKT của Hải Phòng đạt trên 93%. Cụ thể: Ngành nghề điện tử chiếm 34%; logistics, cơ sở hạ tầng chiếm 15%; công nghiệp chế tạo chiếm 44%. Qua đó, bám sát định hướng thúc đẩy ba trụ cột nền kinh tế của Hải Phòng hiện nay là công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. |
Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc