Dồn lực đưa sâm Ngọc Linh phát triển xứng tầm

08:53:34 | 4/7/2024

Những năm qua, Chính phủ và tỉnh Quảng Nam đã ban hành, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ) đã mở ra nhiều cơ hội cho loài cây “quốc bảo” này.


Lễ hội sâm Ngọc Linh - Nam Trà My được tổ chức thường niên

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, với định hướng phát triển cây sâm Ngọc Linh theo hướng liên kết sản xuất, hình thành ngành hàng giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình sẽ được triển khai đồng bộ từ tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trước hết là mở rộng diện tích vùng nguyên liệu: Theo kế hoạch, diện tích cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 8.400ha (dưới tán rừng phòng hộ 7.740ha và dưới tán rừng sản xuất là 660ha) đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Việc đầu tư chế biến sâu, tạo sản phẩm đa dạng, trong đó, tập trung chế biến, kinh doanh các sản phẩm bền vững theo chuỗi giá trị; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển các nhà máy, cơ sở chế biến hiện đại,... Cụ thể, thu hút từ 100 - 150 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất cây giống; trồng vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, trong đó có 50 - 80% cơ sở sản xuất sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn GMP - WHO.

Về giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng: Xây dựng, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm; tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm từ sâm Ngọc Linh; từng bước hướng đến xuất khẩu; kết nối dữ liệu với hệ thống bán hàng trực tuyến của các doanh nghiệp/tổ chức/cá nhân trồng, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh gắn với xây dựng bộ nhận diện (logo) sâm Ngọc Linh chính hiệu.

Thông qua phát triển vùng trồng, chế biến và giới thiệu sản phẩm,… sâm Ngọc Linh sẽ góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân, nhất là đồng bào dân tộc miền núi, gắn phát triển kinh tế với quản lý và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, cây sâm Ngọc Linh còn trở thành giá trị văn hóa cho vùng trồng và tỉnh thông qua việc đầu tư xây dựng Làng du lịch cộng đồng; phát triển hạ tầng phục vụ du lịch; tổ chức hội chợ, lễ hội sâm Ngọc Linh,... Mục tiêu đến năm 2030, thu hút ít nhất 05 doanh nghiệp đầu tư phát triển loại hình du lịch sâm gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng; tổ chức ít nhất 02 hội thảo khoa học, 02 hội thảo thương mại quốc gia, quốc tế về sâm Ngọc Linh.

Ngoài ra, tạo cơ hội đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống điện và hệ thống thông tin liên lạc tại vùng trồng; xây dựng vùng bảo tồn nguyên vị (in-situ) và vườn sưu tập (ex-situ) nguồn gen cây sâm Việt Nam tại một số vùng sinh thái điển hình với quy mô đạt 500.000 cây giống/năm vào năm 2030; hỗ trợ đầu tư, hình thành 50 - 100 vườn có năng lực sản xuất từ 10 - 20 triệu cây giống 01 năm tuổi/năm; quản lý, kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh đối với sản phẩm sâm củ và kể cả các sản phẩm đã qua chế biến.

Nắm bắt cơ hội này, Quảng Nam đã ban hành Đề án Triển khai Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 của UBND tỉnh) và đang xây dựng Đề án phát triển và hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực. Đây là những cơ sở quan trọng để địa phương khai thác có hiệu quả tiềm năng về sâm Ngọc Linh và cây dược liệu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Nguyễn Bách (Vietnam Business Forum)