09:17:29 | 2/7/2024
Thời gian qua, ngành Ngân hàng Quảng Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động đồng hành, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp (DN); sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn cho các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng. Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã có trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
Ông có thể cho biết tình hình triển khai một số mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng Quảng Nam trong năm 2024?
NHNN Chi nhánh tỉnh đã triển khai kịp thời, đầy đủ văn bản chỉ đạo của NHNN, đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chấp hành nghiêm quy định về lãi suất: Tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, phí cho vay; rà soát, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi vi phạm về áp dụng lãi suất thả nổi không đúng quy định cũng như thực hiện công bố lãi suất cho vay (theo văn bản số 1628/NHNN-CSTT ngày 06/3/2024 của NHNN).
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NΗΝΝ; các chương trình tín dụng (gói 15.000 tỷ đồng với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và gói 120.000 tỷ đồng với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP); đẩy mạnh chương trình kết nối Ngân hàng - DN (do DN vẫn gặp khó khăn nên đến cuối quý I/2024, dư nợ cho vay giảm 1,18% so với đầu năm, ở mức 8.869 tỷ đồng); thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), cải cách hành chính (CCHC), phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và đảm bảo an ninh, an toàn trong giao dịch.
NHNN Chi nhánh tỉnh cũng phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế; tiếp tục tham gia Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh để nắm bắt khó khăn và đưa giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN, hợp tác xã vay vốn phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
NHNN tỉnh còn tiếp nhận kiến nghị của người dân thông qua đường dây nóng và xử lý vướng mắc liên quan. Năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Chi nhánh đã tiếp nhận 4 kiến nghị của người dân liên quan đến hoạt động ngân hàng (chủ yếu khách hàng vay được yêu cầu mua bảo hiểm kèm) và đều được NHNN liên hệ giải quyết.
Ông đánh giá thế nào về hoạt động của ngành Ngân hàng thời gian qua?
Thời gian qua, hoạt động các TCTD cơ bản ổn định. Các chỉ tiêu tăng tưởng tuy không cao nhưng đáng ghi nhận: Trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn huy động 88.147 tỷ đồng, tăng 3,32% so với cuối năm 2023; dư nợ cho vay 108.490 tỷ đồng, tăng 1,54% với 262.167 khách hàng; nợ xấu tăng 41,95% so với đầu năm với tỷ lệ 1,97%. So với cuối năm 2023, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,51%/năm, giảm 0,26 - 0,58%/năm.
Hoạt động TTKDTM và ngân hàng số đạt nhiều kết quả tích cực. Khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến tăng cả về số lượng và giá trị so với năm 2023: Qua ATM tăng 14,83% về giá trị; qua POS tăng 13,95% về số lượng và 44,44% về giá trị; qua Internet Banking, QRCode, Mobile Banking, kênh khác tăng 51,15% về số lượng và 16,85% giá trị.
Ngành Ngân hàng Quảng Nam đang đồng hành khai thác thế mạnh, tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà ra sao, thưa ông?
Ngành Ngân hàng định hướng tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, du lịch, công nghiệp chế biến chế tạo,... là những thế mạnh, tiềm năng đã được nhận định tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, dư nợ cho vay các lĩnh vực này luôn chiếm tỷ lệ cao và tăng trưởng ổn định qua các năm. Đến hết quý I/2024, so với đầu năm, cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng 1,27% và chiếm tỷ trọng 26,14% tổng dư nợ; cho vay công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,18%; cho vay du lịch - dịch vụ tăng 1,44%.
Bên cạnh tập trung nguồn vốn, ngành cũng đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giảm lãi suất cho vay (DN khoảng 8,15%/năm và cá nhân khoảng 8,82%/năm). Đến nay, lũy kế tổng giá trị nợ (gốc và lãi) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ 1.175 tỷ đồng (35 tỷ đồng vay đời sống, tiêu dùng, 1.140 tỷ đồng vay sản xuất kinh doanh) cho 340 lượt khách hàng.
Tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn
Trong năm 2024, ngàng Ngân hàng tiếp tục tập trung nguồn lực đồng hành cùng DN, người dân vượt qua khó khăn, điều hành tiền tệ, tín dụng, ngoại hối trên địa bàn an toàn, ổn định, thông suốt, góp phần tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Ông có thể chia sẻ về những nỗ lực số hóa, CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Ngân hàng tỉnh Quảng Nam thời gian qua?
Để hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng, bên cạnh triển khai các gói tín dụng lãi suất thấp quy mô lớn, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh CĐS, ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay làm tăng tiện ích, trải nghiệm với thời gian rút gọn.
Xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, ngành Ngân hàng Quảng Nam đang đẩy mạnh tích hợp kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng sản phẩm, dịch vụ với trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt. Đồng thời, tăng cường phòng, chống rủi ro, gian lận trong thanh toán.
Năm 2023, ngành đã triển khai có hiệu quả Kế hoạch CĐS ngành Ngân hàng và hưởng ứng Chương trình Ngày không tiền mặt năm 2023 (16/6/2023). Hưởng ứng Ngày hội CĐS do UBND TP.Tam Kỳ tổ chức, các ngân hàng trên địa bàn đã cung cấp nhiều sản phẩm công nghệ số như mở tài khoản trực tuyến, thanh toán hóa đơn, thanh toán các dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, các ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ hiện đại trong đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân,... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút ngắn thời gian giải ngân, cho vay.
NHNN Chi nhánh tỉnh cũng thường xuyên quan tâm, có biện pháp triển khai cụ thể đến từng phòng, ban chuyên môn và đôn đốc thực hiện việc đẩy mạnh CCHC. Tăng cường xử lý công việc qua các phương tiện thông tin, trang tin điện tử của Chi nhánh, email, tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện, tạo lập tài khoản công dân trên cổng dịch vụ công quốc gia,... Các thủ tục hành chính (TTHC) được hướng dẫn cụ thể cho DN khai thác, sử dụng hiệu quả, rút ngắn thời gian giao dịch, nâng cao hiệu quả công việc. Đến nay, NHNN Chi nhánh tỉnh đã thực hiện 100% hồ sơ TTHC trên hệ thống phần mềm một cửa điện tử, cổng dịch vụ công quốc gia, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân dễ dàng tra cứu và nhận kết quả, giảm thời gian và tiết kiệm chi phí trong quá trình giao dịch.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI