Báo động cước vận tải biển sang châu Âu, Mỹ tăng cao

14:39:45 | 4/7/2024

Theo các chuyên gia nhận định, thị trường vận tải biển hiện đang rơi vào khủng hoảng khó khăn hơn cả thời điểm Covid-19. Giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển đến châu Âu và Mỹ đang tăng phi mã do tình trạng tắc nghẽn tại nhiều cảng biển châu Á, xung đột trên biển Đỏ, thiếu container rỗng…

Theo trang Drewry – một trung tâm Nghiên cứu hàng hải độc lập, giá cước vận chuyển hàng hóa container đi tuyến đi từ châu Á đi châu Âu và Mỹ có mức tăng cao. Tại thời điểm tháng 5/2024, mức giá lại tiếp tục tăng nhanh trở lại, hiện tại mức giá cao hơn 17% so với thời điểm tại tháng 1/2024, và bằng 45% so với mức giá đỉnh điểm tại thời kỳ đại dịch vào tháng 9/2021.

Nguyên nhân của việc biến động giá vận tải biển thời gian qua do ảnh hưởng bởi tình trạng xung đột ở Biển Đỏ dẫn đến tàu thuyền phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng (châu Phi), khiến hành trình kéo dài thêm từ 9-14 ngày.

Một nguyên nhân khác là sự tắc nghẽn cục bộ tại cảng Singapore với lượng container đang chờ để rời khỏi cảng này rất lớn. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhu cầu đột biến các container rỗng từ thị trường Trung Quốc, gây áp lực không nhỏ lên giá vận tải biển.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, việc tăng giá cước vận tải thời gian qua khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa gặp khó khăn khi chi phí bị đội lên cao. Không những vậy, các doanh nghiệp còn đối diện với nhiều rủi ro, bị phạt hợp đồng nếu chậm trễ trong giao hàng.

Đại diện Công ty TNHH tiếp vận EZ Shipping nhận định, giá cước vận tải biển tăng khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu “đau đầu” do hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU phụ thuộc nhiều vào hãng tàu nước ngoài. Thực tế cho thấy, chi phí vận chuyển hiện chiếm trên 15% giá thành sản phẩm, song toàn bộ container rỗng tập trung hết về Trung Quốc do chi phí cao hơn các nước khác, nên dự đoán ở Việt Nam sẽ rất thiếu container rỗng, đẩy giá cước tàu biển tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Điều đáng nói, các doanh nghiệp Việt gần như không có sự lựa chọn bởi về vận tải biển quốc tế, đội tàu biển Việt Nam hiện chỉ đang đảm nhận vận chuyển khoảng 10% thị phần, chủ yếu vận tải các tuyến gần như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU. Các hãng tàu lớn trên thế giới đều không còn chỗ trống hoặc tăng giá, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước bị phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài nên không có sự lựa chọn nào khác.

Giải pháp cấp bách

Theo dự báo của các chuyên gia, tình hình thị trường cho thấy, cước vận tải biển sẽ neo ở mức cao sang hết quý 3 năm nay. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nên nỗ lực tìm cách giảm bớt chi phí giá cước tàu. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có thể phải tính đến phương án dồn hàng xuất khẩu vận chuyển bằng máy bay hoặc có thể sẽ phải tạm ngưng xuất khẩu với những đơn hàng kém quan trọng hoặc xin giãn thời gian giao hàng…

Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT công ty CP thực phẩm Sao Ta đưa ra lời khuyên doanh nghiệp có thể cân nhắc chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia giá ổn định hơn. Hiện tại, cước vận tải biển đi Bắc Mỹ, Tây Âu tăng giá 100% so với thời kỳ thấp điểm, trong khi các thị trường châu Á, châu Úc giá cước vận tải biển ổn định hơn.

Trước tình trạng nêu trên, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển (giá và phụ thu ngoài giá); Việc tuân thủ hiệu lực của việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển theo quy định tại Nghị định số 146/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Để đáp ứng nhu cầu sản lượng hàng hoá dự báo có thể tăng do xu hướng chuyển dịch hàng hoá từ cảng Singapore về Việt Nam, Cục hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các doanh nghiệp cảng biển đẩy mạnh tốc độ giải phóng hàng hoá tại cảng, giảm thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền hàng hoá thông qua cảng biển.

Về dài hạn, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan (hải quan) đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hoá tồn đọng lâu ngày tại cảng biển; bổ sung các quy định về phân bổ nguồn kinh phí nạo vét tuyến luồng để tăng trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, bổ sung cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình cảng xanh, tham gia tuyến hành lang vận tải xanh để có lợi thế hơn trong việc thu hút nguồn hàng và mở rộng tuyến vận tải.

Hương Giang (Vietnam Business Forum)