15:13:38 | 24/7/2024
Kinh tế Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ trong quý 2 vừa qua và nếu đà này được duy trì thì GDP trong năm 2024 dự kiến sẽ đạt mức 6- 6,5% nhờ mở rộng chi tiêu công và sự phát triển của ngành du lịch. Con số này cũng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đặt ra.
Đây là những chia sẻ của ông Pyon Young Hwan, chuyên gia kinh tế cấp cao- Trung tâm Giải pháp và Giao dịch Ngân hàng Shinhan xung quanh triển vọng kinh tế và thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2024.
Thời điểm đầu năm 2024, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Shinhan đã dự báo tăng trưởng GDP năm nay của VN chỉ vượt 5%. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2024, kinh tế VN đã có sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ. Trước thực tế trên thì ngân hàng Shinhan có thay đổi dự báo như thế nào?
Thời điểm dự báo khả năng tăng trưởng của VN 5% là khi đó nền kinh tế VN bị ảnh hưởng mạnh bởi quá trình phục hồi vẫn hạn chế do ảnh hưởng từ lãi suất cao kéo dài của nhiều nền kinh tế toàn cầu cũng sự phục hồi chậm của kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế khác trên thế giới. Tuy nhiên, dự báo cho nửa cuối năm có nhiều động lực giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong đó, nền kinh tế toàn cầu dự báo hồi phục tốt nhờ lạm phát giảm và tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ đó mà xuất nhập khẩu- một trong những yếu tố chính dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng, trên đà tăng trưởng từ nửa đầu năm 2024.
GDP quý 2 đã tăng trưởng mạnh mẽ đạt 6,9% và khi các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu hồi phục cũng sẽ khiến tạo ra nhiều việc làm hơn. Cùng với đó, tháng 7/2024 vừa rồi Chính phủ đã quyết định tăng lượng cơ bản cho một bộ phận cán bộ công chức sẽ khiến thúc đẩy tiêu dùng trong nước mạnh mẽ hơn.
Ngành du lịch cũng đã tăng trưởng trở lại trong 2 quý vừa qua, đặc biệt là số lượng khách du lịch nước ngoài đã tăng cao hơn cả khi xảy ra Covid 19. Lượng khách nước ngoài tới Việt Nam được kì vọng sẽ tăng hơn nữa nhờ có việc áp dụng nới lỏng chính sách thị thực như miễn thị thực và gia hạn thời hạn thị thực từ tháng 8 năm ngoái, cũng như kế hoạch cho phép phương tiện nước ngoài được vào Việt Nam vào tháng 5 năm nay.
Một trong những động lực chính phát triển kinh tế Việt Nam là các DN FDI, hiên chiếm tỷ lệ xuất khẩu lớn trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Việc Việt Nam đẩy mạnh quan hệ ngoại giao với các nền kinh tế phát triển sẽ thúc đẩy lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Song song đó, việc Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế như ký kết FTA với nhiều nước, tham gia Hiệp định CPTPP, RCEP, và Khuôn khổ IPEF cũng góp phần thu hút đầu tư.
Thu hút FDI của Việt Nam đã đạt được con số ấn tượng trong thời gian qua và để thu hút đầu tư nước ngoài hơn nữa khi làm sóng chuyển dịch đầu tư vẫn còn tiếp diễn thì Chính phủ và các cơ quan liên quan cần xây dựng những chính sách phù hợp để thu hút nguồn vốn quan trọng này.
Về đầu tư công, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công liên tục được cải thiện nhờ các biện pháp thúc đẩy của Chính phủ. Việc hoàn thiện các thủ tục chi tiêu cho các dự án xây dựng đường quy mô lớn dự kiến sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm mới.
Như vậy, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố tích cực từ bên trong và bên ngoài, nếu 6 tháng cuối năm không có những biến động mạnh mẽ từ bên ngoài và Việt Nam vẫn giữ vững được xu thế này thì việc đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch của Chính phủ là hoàn toàn có thể.
Ưu thế về tiềm lực tài chính, dịch vụ đa dạng, sản phẩm tối ưu… của các ngân hàng nước ngoài là điều đã được khẳng định trong nhiều năm qua. Và nhiều ngân hàng nội địa đã phải nỗ lực rất lớn để tiếp cận đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp FDI. Ông đánh giá thế nào về sức cạnh tranh của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam với các ngân hàng trong nước trong giai đoạn hiện nay?
Mục tiêu đầu tiên của các ngân hàng nước ngoài đến VN là để hỗ trợ cho các DN của nước họ đang đầu tư tại VN. Chính phủ VN đã xây dựng được một môi trường đầu tư khá linh hoạt để giúp cho các DN nước ngoài có thể tự tin và thuận lợi hơn khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, nhờ đó, các DN nước ngoài mới có thể ổn định và phát triển được, trong đó có ngân hàng Shinhan Việt Nam.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là đến thời điểm này, số lượng nhà đầu tư Hàn Quốc vào VN đang giảm dần qua các năm. Điều này cho thấy, đối với các ngân hàng nước ngoài, nếu các DN nước họ vẫn tiếp tục tăng số lượng đầu tư vào VN thì đó là cơ hội lớn, còn nếu các ngân hàng nước ngoài mà số lượng DN nước đó giảm đầu tư hoặc đầu tư ít hơn thì sẽ là thách thức lớn cho hoạt động của ngân hàng đó.
Đặc biệt, hiện nay, nhiều ngân hàng của VN cũng mở rộng hoạt động kinh doanh và có chiến lược, xây dựng nhiều dịch vụ, sản phẩm cạnh tranh để thu hút các DN FDI, bởi đối tượng khách hàng tiềm năng trước đây là các DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang khó khăn. Những ngân hàng trước đây cho vay trong lĩnh vực lĩnh vực bất động sản nhiều hiện cũng không cho vay được bởi ngành bất động sản vẫn chưa hồi phục và có nhiều rủi ro tín dụng. Khi đó, họ sẽ phải tìm đối tượng khách hàng khác và đó chính là các DN FDI.
Có thể thấy, có nhiều ngân hàng lớn của VN đã thành lập bộ phận FDI Desh, cung cấp nhiều gói lãi suất ưu đãi và dịch vụ ưu việt hơn cả ngân hàng nước ngoài cho các DN FDI, nhất là các DN đến từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đây thực sự là thời điểm mà các ngân hàng nước ngòai và trong nước đang có sự cạnh tranh gay gắt để có thể dành được đối tượng khách hàng là DN FDI.
Bởi vậy, nhiều ngân hàng nước ngoài tại VN đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh, ví dụ như ngân hàng Shinhan Việt Nam sẽ không chỉ tập trung vào các DN FDI Hàn Quốc mà mở rộng đến nhiều DN FDI đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan… Và đặc biệt phải nghiên cứu những sản phẩm, dịch vụ phù hợp để tiếp cận với các DN VN. Bởi nếu ngân hàng Shinhan Việt Nam chỉ tập trung vào các DN HQ thì khó có thể tồn tại lâu hơn ở thị trường này.
Ngay từ bây giờ, các ngân hàng nước ngoài ở VN phải cảm thấy một thách thức lớn là không thể chỉ dựa vào những DN đầu tư đến từ nước mình mà cần mở rộng danh mục đầu tư, cung cấp sản phẩm đa dạng hơn, tìm kiếm các đối tượng khách hàng cũng như cung cấp các dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu của các đối tượng khách hàng khác nhau thì mới mong có thể tồn tại tiếp ở thị trường tài chính ở Việt Nam.
Tỷ giá USD/VND đã có nhiều biến động trong nửa đầu năm 2024. Ông dự báo thế nào về chính sách tiền tệ và lãi suất của Việt Nam trong giai đoạn cuối năm?
Từ đầu năm tới nay, việc tỷ giá USD/VND tăng là điều không thể tránh khỏi do các yếu tố bên ngoài như chênh lệch lãi suất với Mỹ, kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm và xung đột địa chính trị… Thực tế, cặp tỷ giá này đã đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh đồng USD mạnh kéo dài. Nhưng gần đây, triển vọng xoay trục chính sách lãi suất ở Mỹ đã có dấu hiệu rõ ràng hơn (Fed phát tín hiệu giảm lãi suất) khiến cho đồng USD suy yếu và tỷ giá USD/VND cũng giảm theo đáng kể.
Về lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm các mức lãi suất điều hành tổng cộng 150 điểm cơ bản trong bốn lần liên tiếp trong năm vừa qua nhằm kích thích nền kinh tế, hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Hiện lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%. Sau khoảng thời gian cắt giảm lãi suất cho vay và lãi suất huy động, các ngân hàng thương mại hiện đang có động thái tăng lãi suất huy động nhằm thu hút khách hàng và tăng số dư tiền gửi.
Về chính sách tiền tệ của NHNN, áp lực giá cả và tỷ giá tăng mạnh trong thời gian qua có thể khiến NHNN thận trọng hơn trong việc cắt giảm lãi suất. Vì vậy, khả năng cao NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế. Trong trung và dài hạn khi các nước phát triển lớn bắt đầu cắt giảm lãi suất, dư địa để NHNN giảm lãi suất sẽ mở rộng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực mất giá trong ngắn hạn do bị ảnh hưởng bởi các điều kiện tiêu cực bên ngoài như xung đột Trung Đông, chênh lệch lãi suất với Mỹ gia tăng và nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm. Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu cùng sự can thiệp của NHNN trong việc bán vàng và ngoại tệ dữ trự đã góp phẩn hạn chế tỷ giá USD/VND tăng cao. Nhìn tổng thể thì đồng Việt Nam sẽ mất giá nhẹ. VND dự kiến sẽ phục hồi sau khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ và các yếu tố về chi tiêu đầu tư công và dòng vốn FDI tăng mạnh.
Bà Dương Minh Hiền Hiện tại, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cung cấp đa dạng các sản phẩm về tài trợ thương mại cho các Doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu trong nước (đặc biệt các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) như sau: Đối với DN nhập khẩu: Phát hành Thư tín dụng (LC) trả ngay, trả chậm, UPAS (thư tín dụng trả chậm có điều khoản thỏa thuận bên thụ hưởng được thanh toán trả ngay hoặc trả trước ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng); Dịch vụ nhờ thu nhập khẩu kèm chứng từ; Cho vay thanh toán LC dựa trên biên nhận ủy thác. Đối với DN xuất khẩu: Thông báo LC; Chuyển nhượng LC; Thương lượng thanh toán LC; Mua hẳn miễn truy đòi bộ chứng từ theo Thư tín dụng (LC); Gửi nhờ thu bộ chứng từ theo Thư tín dụng (LC); Dịch vụ nhờ thu xuất khẩu kèm chứng từ; Bao thanh toán xuất khẩu Bên cạnh việc cung cấp sán phẩm dịch vụ, Ngân hàng Shinhan Việt Nam luôn hỗ trợ tư vấn các DN trong việc lựa chọn phương thức, giải pháp thanh toán phù hợp để phòng ngừa rủi ro và đưa ra các gói lãi suất ưu đãi giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ nhằm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu như gói lãi suất cho sản phẩm Cho vay thanh toán LC nhập khẩu; Thương lượng thanh toán LC; Bao thanh toán xuất khẩu. Ngoài ra, đi cùng xu hướng quốc tế, Ngân hàng Shinhan Việt Nam cũng tập trung phát triền nền tảng công nghệ để số hóa các sản phẩm dịch vụ, giúp các DN thuận tiện hơn trong giao dịch với Ngân hàng như dịch vụ LC trực tuyến hỗ trợ đa kênh trên Internet Banking; Thông báo nhắc đến hạn thanh toán LC, bao thanh toán xuất khẩu tự động qua email; Bao thanh toán xuất khẩu thông qua Firm Banking. |
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI