Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam nhiều triển vọng

15:08:10 | 2/8/2024

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang chứng kiến những dấu hiệu hồi phục và phát triển tích cực sau những khó khăn của năm 2023. Các chuyên gia và đại biểu trong ngành đều nhận định rằng triển vọng của thị trường này rất tươi sáng, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế và xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng trở lại.

Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2024 được tổ chức mới đây, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, nhận định rằng hiện nay, quy mô và xu hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục có sự thay đổi mạnh mẽ do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị trên thế giới cũng như những biến động nền kinh tế của các quốc gia lớn. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc và kinh tế thế giới có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo, Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong trung và dài hạn.

Tiềm năng phát triển

Ông Minh nhấn mạnh: "Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ trong ngành công nghiệp, đặc biệt là sự gia tăng đầu tư vào các khu công nghiệp và nhà xưởng. Việt Nam không chỉ là một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế mà còn đang xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững."

Ông Minh chia sẻ thêm về các yếu tố để Việt Nam trở thành điểm sáng: "Nền kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát tốt, kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực và ấn tượng trong bối cảnh khó khăn." Năm 2023, tăng trưởng GDP đạt 5,05%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 354 tỷ USD; xuất siêu trên 28,3 tỷ USD; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt mức trên 4.320 USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, nền kinh tế tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,42%, cao hơn kịch bản tăng trưởng đã đề ra, tạo đà để đạt mức tăng trưởng kinh tế dự báo cả năm đạt 6,5 - 7%.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Năm 2023, vốn FDI đăng ký đạt trên 39,4 tỷ USD, tăng 34,5%; vốn giải ngân đạt mức kỷ lục 23,2 tỷ USD. Riêng 7 tháng qua, vốn FDI đăng ký mới đạt trên 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ; thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam. Các dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm giá trị gia tăng cao có xu hướng tăng. Đặc biệt, thời gian gần đây, Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Nhiều tập đoàn lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, AI như Amkor, NVIDIA, Hana Micron… quan tâm đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam.

Song song đó, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với việc tham gia và triển khai thực hiện hiệu quả 16 Hiệp định FTA đã ký và 3 FTA đang đàm phán. Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, độ mở trên 200% với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 144 quốc gia và vùng lãnh thổ, với trên 40.544 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 484 tỷ USD.

Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thách thức cần vượt qua

Dù Việt Nam đang được đánh giá cao về tiềm năng đầu tư, thị trường bất động sản công nghiệp vẫn đối mặt với một số thách thức cần được giải quyết. Ông Tom Over, Giám đốc Vận tải và Công nghiệp, JLL Việt Nam và châu Á - Thái Bình Dương cho biết,  chỉ ra rằng một số nhà đầu tư đang chọn Thái Lan và Malaysia vì những quốc gia này cung cấp ưu đãi đầu tư, giấy phép và nguồn lao động rõ ràng hơn. Trong khi đó, sự chuyển dịch từ nhà kho sang nhà xưởng tại Việt Nam đang tạo ra cơ hội mới, nhưng cũng đi kèm với nhiều khó khăn.

Một trong những thách thức lớn là sự thiếu hụt lộ trình triển khai và khung pháp lý hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái. Hiện tại, Việt Nam chưa có quy định cụ thể và đầy đủ về việc chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái. Điều này dẫn đến việc các yêu cầu về khu công nghiệp xanh - thông minh vẫn rải rác trong nhiều bộ luật và quy định khác nhau, gây khó khăn trong thực hiện. Quy chuẩn về tuần hoàn và tái sử dụng chất thải chưa được quy định rõ ràng, đồng thời có sự chồng chéo và nhầm lẫn trong quản lý chất thải công nghiệp.

Một vấn đề khác là thiếu giấy phép cho các doanh nghiệp tái sử dụng hoặc kinh doanh nước thải đã xử lý, cùng với việc chưa có chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp đạt chứng nhận sinh thái. Điều này đã dẫn đến việc thiếu động lực tài chính cho các nhà phát triển trong việc thực hiện các sáng kiến bảo vệ môi trường.

Để khắc phục các rào cản này, nhiều ý kiến đề xuất cần hoàn thiện các văn bản pháp quy về tái sử dụng nguyên vật liệu và chất thải, đồng thời thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, quỹ tài chính khí hậu, và ngân hàng thương mại để huy động nguồn lực. Bên cạnh đó, việc bổ sung các ưu đãi tài chính cũng rất quan trọng để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và xây dựng khu công nghiệp sinh thái.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang hoàn thiện dự thảo Luật Khu công nghiệp và khu kinh tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các mô hình khu công nghiệp mới. Bộ cam kết tiếp tục phối hợp với các địa phương để đảm bảo các khu công nghiệp, khu kinh tế phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả.

Đối với các địa phương và nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, việc cần tập trung vào những giải pháp đột phá. Điều này bao gồm việc tiên phong trong việc thay đổi mô hình phát triển khu công nghiệp, chẳng hạn như khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, và khu công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, việc lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột phát triển trong tương lai là rất quan trọng. Cần chủ động kiến tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ, start-up, và dành quỹ đất cũng như nguồn lực cho các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) để ứng dụng công nghệ mới và thử nghiệm sản phẩm.

Giang Tú (Vietnam Business Forum)