Đắk Nông: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững

14:01:44 | 6/8/2024

Trong những năm qua, công tác an sinh xã hội luôn được tỉnh Đắk Nông quan tâm, chú trọng thực hiện. Việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần cải thiện đáng kể giải quyết việc làm, đào tạo nghề, nâng cao đời sống người dân.

Theo thông tin từ Sở lao động – thương binh và xã hội tỉnh Đắk Nông, trong những năm gần đây, công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề của tỉnh đều vượt kế hoạch đề ra. Riêng năm 2023, số lao động được tạo việc làm là 18.498 lượt người, đạt 101,64% kế hoạch năm, đào tạo nghề  cho 8.491 người, đạt 212,27% kế hoạch năm.


Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Hồng Đức (Huyện Đắk R’Lấp)

Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã tạo việc làm cho 11.393 lượt người, đạt 62,25% kế hoạch năm, đạt 108,39% so với cùng kỳ năm 2023. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã đào tạo nghề cho 3.668 người, đạt 92% kế hoạch năm, đạt 83,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Thông tin về thị trường lao động, việc làm tại địa phương, ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám phụ trách Sở lao động – thương binh và xã hội tỉnh Đắk Nông cho biết, năm 2023 lực lượng lao động của tỉnh chiếm khoảng 62% dân số. Cơ cấu lao động việc làm trong các ngành kinh tế theo đó: nông nghiệp – lâm nghiệp và thủy sản 65%, công nghiệp – xây dựng 18%, thương mại – dịch vụ 17%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong nền kinh tế đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 3%. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%.


Nhà máy Nhôm Đắk Nông

Theo ông Hoàng Viết Nam: Thị trường lao động của tỉnh thời gian qua đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn tồn tại những mặt hạn chế như sự mất cân đối cung - cầu và sự phát triển không đồng đều giữa các huyện, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung – cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu. Chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Tình trạng dư thừa lao động không có kỹ năng và thiếu lao động kỹ thuật, tay nghề còn phổ biến.

“Trong thời gian tới, nhu cầu tìm kiếm việc làm vẫn chủ yếu tập trung vào lao động phổ thông và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao”, ông Hoàng Viết Nam nhận định.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm: phát triển công nghiệp Alumin, luyện nhôm và năng lượng tái tạo (điện gió), xây dựng Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp nhôm Quốc gia; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển du lịch nên thị trường lao động tỉnh trong thời gian tới sẽ thu hút lao động qua đào tạo, lao động có tay nghề.

“Để phát triển thị trường lao động, Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Đắk Nông tham mưu cho tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ việc làm, phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến để tăng cường các hoạt động kết nối cung – cầu lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm nhằm tăng cường sự linh hoạt trong việc cung ứng và sử dụng lao động, phù hợp với xu thế tất yếu của thị trường lao động. Song song đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Hoàng Viết Nam cho hay.

Những tín hiệu tích cực cho thị trường lao động

Sau 20 năm tái thành lập, tỉnh Đắk Nông đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, nền kinh tế chủ yếu thuần nông, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, tỉnh Đắk Nông vươn lên đạt nhiều thành tựu ấn tượng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hàng năm duy trì ổn định và ngày càng bền vững.  Luỹ kế đến tháng 6 năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 3.750 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số vốn điều lệ đăng ký 36.750 tỷ đồng.

Đối với dự án đầu tư FDI, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có tổng cộng 14 dự án của 13 doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 680 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Đắk Nông thu hút 01 dự án FDI vào khu Công nghiệp Tâm Thắng với tổng vốn đăng ký đầu tư 158,7 tỷ đồng. Trong thời gian qua các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định. Ngoài dự án FDI nêu trên, trong kỳ, tỉnh Đắk Nông đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 01 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng mức đầu tư đăng ký là 443 tỷ đồng.

Quốc Hưng  (Vietnam Business Forum)