Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng: Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng tốc xây dựng các công trình

15:53:43 | 15/7/2024

Tăng tốc thi công trên tinh thần đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án cũng như các yếu tố kỹ, mỹ thuật, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng góp phần mang lại diện mạo mới cho hệ thống hạ tầng cơ sở trên địa bàn TP.Đà Nẵng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Khẳng định uy tín từ các công trình

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban đã thực hiện tổng 11 dự án động lực, trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đã thi công hoàn thành 08 dự án (gồm đường ven sông Tuyên Sơn - Túy Loan; cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý; bãi đỗ xe tại số 255 Phan Châu Trinh (giai đoạn 2); bãi đỗ xe tại số 166 Hải Phòng,…). Hiện Ban đang thi công 01 dự án là tuyến đường trục I Tây Bắc (đoạn từ nút giao thông Ngã Ba Huế đến Bệnh viện Ung thư, đoạn từ Hồ Tùng Mậu đến quốc lộ 1A và đoạn nối Nguyễn An Ninh từ nút giao quốc lộ 1A đến đường sắt). Ngoài ra, có 02 dự án đang chuẩn bị đầu tư gồm: Hệ thống thu gom nước thải khu vực Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ (dự kiến khởi công công trình trong tháng 8/2024); cụm nút giao thông Lê Thanh Nghị - Cách mạng tháng Tám - Thanh Long - đường dẫn lên cầu Hòa Xuân (đang tổ chức thi tuyển đồ án quy hoạch kiến trúc).

Ngoài các dự án động lực trọng điểm, Ban còn được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư một số dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác. Cụ thể, các dự án đã thi công hoàn thành như: Cải tạo đường Ngô Quyền và đường Ngũ Hành Sơn; Quảng trường kết hợp bãi đậu xe cuối tuyến đường Nguyễn An Ninh; Quảng trường Hà Khê,... Các dự án đang triển khai thi công gồm: Tuyến đường giao thông kết nối đường ĐT601 và thôn Lộc Mỹ; đường Lê Trọng Tấn đoạn từ khu Phước Lý 6 đến đường Hoàng Văn Thái; tuyến đường cấp bách chiến lược quốc phòng phục vụ dân sự và dân sinh quận Liên Chiểu, kết nối khu vực phòng thủ đèo Hải Vân - Bán đảo Sơn Trà với khu căn cứ địa phương,…

Năm 2023, Ban đã thực hiện giải ngân 76,521/590,222 tỷ đồng, đạt 98%. Năm 2024 đến thời điểm hiện tại giải ngân 106,957/901,510 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11%. “Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Ban đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Thành ủy Đà Nẵng, Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố; sự hỗ trợ kịp thời của các sở, ngành và địa phương có dự án triển khai. Cùng với đó là sự đồng lòng từ phía đội ngũ lãnh đạo và cán bộ viên chức - người lao động của Ban, đây là đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, tự tin đáp ứng tốt các yêu cầu công việc, có nhiều kinh nghiệm quản lý, giám sát trong lĩnh vực công trình giao thông. Ban còn nhận được ủng hộ của chính quyền và người dân trong khu vực dự án” - ông Nguyễn Minh Huy, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng chia sẻ.

Quản lý dự án theo lộ trình, ưu tiên ứng dụng công nghệ số

Theo ông Nguyễn Minh Huy, thách thức lớn nhất hiện nay của Ban chính là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) với các chính sách và giải ngân còn nhiều bất cập. Đồng thời, sự khan hiếm và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu như đất đắp, cát, đá cấp phối,... cũng là bài toán nan giải đơn vị đang phải đối diện.

Nhận thức hiện trạng trên, cùng với trọng trách trên vai, Ban xác định phải chủ động gỡ khó ở từng giai đoạn của mỗi dự án. Theo đó, ở giai đoạn đầu, Ban sẽ vận dụng linh hoạt quy chế phối hợp giữa các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng với các sở, ban, ngành, Văn phòng UBND thành phố và UBND các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn TP.Đà Nẵng để thực hiện đảm bảo tiến độ các bước. Đến giai đoạn thực hiện dự án, Ban sẽ phối hợp với địa phương trong công tác GPMB thông qua việc thành lập bộ phận phụ trách công tác này.

Đặc biệt, đơn vị sẽ nghiên cứu ứng dụng BIM trong công tác quản lý dự án theo lộ trình. BIM là tiến trình tạo dựng và sử dụng mô hình kỹ thuật số cho cả vòng đời của công trình, từ giai đoạn thiết kế, xây dựng, cho đến vận hành, bảo trì và tháo dỡ công trình. Toàn bộ thông tin và dữ liệu liên quan đến công trình được lưu trữ và khai thác thông qua một mô hình thông tin thống nhất và được liên kết với nhau. Hiện nay, đối với các dự án mới có quy mô lớn, Ban cũng mạnh dạn đề xuất thành phố cho áp dụng BIM trong các bước của dự án. Ngoài ra Zalo là ứng dụng phổ thông được ứng dụng rất hiệu quả trong công tác điều hành, xử lý, giám sát công việc thời gian vừa qua. Để đảm bảo các hồ sơ được tiếp nhận, xử lý kịp thời tại đơn vị, trong năm 2024 Ban đã xây dựng quy trình xử lý nghiệp vụ tại phòng Thẩm định và cụ thể hóa trên phần mềm Base, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng đùn đẩy, né tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc được giao.

Chia sẻ thêm về định hướng trong năm 2024, ông Nguyễn Minh Huy cho biết, Ban được bố trí kế hoạch vốn (KHV) 901 tỷ đồng, (xây lắp: 716 tỷ đồng; đền bù giải tỏa: 185 tỷ đồng). Về tiến độ, các cột mốc Ban hướng đến là: Đến ngày 30/4/2024, giải ngân đạt 10% KHV được giao; đến ngày 30/6/2024 giải ngân đạt 30%; đến ngày 30/9/2024 giải ngân đạt 50%; đến ngày 31/12/2024 giải ngân đạt 80%; đến ngày 31/01/2025 giải ngân đạt 95% KHV được giao. Riêng trong năm 2025, sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch để giải ngân đảm bảo yêu cầu của UBND thành phố.

Ban cũng được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư một số dự án có quy mô lớn; công nghệ mới trên địa bàn TP.Đà Nẵng (các dự án thu gom nước thải, cải tạo cụm nút phía Tây cầu Trần Thị Lý,...). Do vậy, Ban sẽ chú trọng hơn trong công tác nghiên cứu, học tập để áp dụng vào thực tế dự án kịp thời, hiệu quả, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh tại hiện trường để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.

Hoàng Lâm - Hàn Lương (Vietnam Business Forum)