15:51:47 | 15/7/2024
Ngay từ ngày đầu thành lập, Ban Quản lý khu công nghệ cao (BQL KCNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng đã minh chứng là đầu mối thống nhất trong việc quản lý hoạt động hiệu quả của các KCN trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư. Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng Ban cho biết: “Mục tiêu của Ban là đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học - kỹ thuật của thành phố nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung, hướng đến diện mạo KCN sinh thái”.
Công ty TNHH Foster Việt Nam (Đà Nẵng) tại KCN Hòa Cầm là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại TP.Đà Nẵng
Một vài chia sẻ của ông về những kết quả đạt được trong thu hút đầu tư của KCNC và các KCN Đà Nẵng góp phần tạo nên khí thế mới, động lực mới cho thành phố?
Hiện nay, BQL đang tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư tiềm năng để xúc tiến đầu tư. Riêng trong năm 2023, đơn vị đã cấp chấp thuận chủ trương đầu tư/Chứng nhận đăng ký đầu tư cho 19 dự án đầu tư vào KCNC và các KCN, trong đó có 05 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 156,43 triệu USD, 14 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.490,8 tỷ đồng. Một trong những dự án trọng điểm đã thu hút thành công là dự án Nhà máy điện tử Foxlink Đà Nẵng của chủ đầu tư Foxlink International Investment Ltd.(Đài Loan, Trung Quốc) với tổng vốn đăng ký 135 triệu USD.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn thành phố đã thu hút được 524 dự án đầu tư vào KCNC, Khu công nghệ thông tin tập trung (KCNTTTT) – giai đoạn 1 và các KCN; trong đó có 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 34.346,5 tỷ đồng; có 125 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 2.069,6 triệu USD. Tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư tương đương khoảng 3,4 tỷ USD. Tổng số lao động đang làm việc tại các dự án kinh doanh, sản xuất trong KCNC, KCNTTTT – giai đoạn 1 và các KCN là 59.615 lao động, trong đó hầu hết tập trung tại các KCN trên địa bàn với 58.036 lao động (chiếm 97,5%).
Theo ông, điều gì tạo nên sức “cuốn hút” của KCNC Đà Nẵng với các nhà đầu tư?
Có 04 lợi thế nổi bật để KCNC Đà Nẵng “cuốn hút” các nhà đầu tư. Trước hết là sự thuận lợi cả về đường hàng không, đường thuỷ, đường bộ và đường sắt. Cùng với đó là định hướng phát triển: Công nghệ cao là một trong 03 trụ cột phát triển của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chính quyền thành phố cũng đã xác định tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển KCNC Đà Nẵng trở thành Khu đô thị sáng tạo – khoa học – công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có tính cạnh tranh cao; đến năm 2030, phát triển KCNC Đà Nẵng đồng bộ với các KCNC Hòa Lạc và TP.Hồ Chí Minh, trở thành hạt nhân phát triển của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Một điều không thể không nói đến chính là hạ tầng kỹ thuật của KCNC Đà Nẵng đã sẵn sàng phục vụ nhu cầu sản xuất của các nhà đầu tư. Hệ thống cấp điện sử dụng trạm biến áp 110/20kV với công suất 40MVA, kết nối với hệ thống điện quốc gia qua tuyến đường dây 110/20kV. Nước sản xuất được lấy từ nhà máy nước Hòa Trung nằm ngay trong khu với công suất 20.000m3. Nhà máy xử lý nước thải với công suất 4.500m3./ngày đêm (giai đoạn 1), dự kiến đạt tối đa 18.000m3./ngày đêm khi hoàn thành. Hệ thống đường giao thông trong KCNC được xây dựng theo ô bàn cờ, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông, vận chuyển. Hệ thống phòng cháy chữa cháy được bố trí với khoảng cách phù hợp; hệ thống viễn thông được hình thành từ tuyến cáp quang ngầm từ trung tâm thành phố. Tổng quan, KCNC Đà Nẵng có hệ sinh thái thân thiện môi trường với nhiều cây xanh, tạo điều kiện xây dựng cảnh quan xung quanh.
Đặc biệt, các dự án đầu tư vào KCNC Đà Nẵng đều được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vượt trội. Đó là, về thuế thu nhập doanh nghiệp, nhà đầu tư được hưởng thuế suất 10% trong vòng 15 năm, đối với các dự án lớn trên 130 triệu USD là 10% trong 30 năm; được miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đối với ưu đãi về tiền thuê đất, trong thời gian xây dựng, miễn tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định thuê đất. Ngoài ra, miễn tiền thuê đất cho các dự án trong toàn bộ thời gian thuê, 19 năm và 15 năm tùy theo mục tiêu dự án. Trong đó, những dự án sản xuất có công nghệ và sản phẩm phù hợp với Danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển và sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg sẽ được miễn tiền thuê đất toàn bộ thời gian thực hiện dự án (lên đến tối đa 50 năm).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa dùng để tạo tài sản cố định, hàng hóa, tài liệu chuyên dùng cho nghiên cứu khoa học, ươm tạo, nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được; hay ưu đãi về vay vốn đầu tư cũng như người lao động của doanh nghiệp được hỗ trợ xem xét cấp thị thực có giá trị xuất, nhập cảnh nhiều lần với thời hạn phù hợp,…
Công tác xúc tiến đầu tư, hoạt động tăng cường giao lưu kết nối doanh nghiệp được Ban chú trọng ra sao, thưa ông?
BQL đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Đề án liên kết Khu CNC Đà Nẵng với các doanh nghiệp trong các KCN, khu kinh tế (KKT) khu vực miền Trung giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Riêng về hoạt động chuyển giao công nghệ, Ban đã chủ động kết nối với doanh nghiệp về đào tạo, ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị điều hành. Đồng thời, lồng ghép vào các hoạt động xúc tiến đầu tư để đẩy mạnh các hoạt động liên kết doanh nghiệp hiện có với các nhà đầu tư tiềm năng, hiện đang triển khai có hiệu quả Đề án xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các KCN mới (Hòa Cầm – Giai đoạn 2, Hòa Ninh và Hòa Nhơn).
Tổ chức các chương trình làm việc với BQL KKT tỉnh Quảng Nam, BQL KKT Dung Quất (Quãng Ngãi), Ban Quản lý KCNC TP.Hồ Chí Minh, BQL KKT Hải Phòng,... để trao đổi, hợp tác liên kết thu hút đầu tư. Hỗ trợ quảng bá thương hiệu, sản phẩm của một số doanh nghiệp đến bạn bè trong nước và quốc tế. Từng bước triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh tại KCNC, chú trọng phát triển và quản lý hạ tầng ứng dụng công nghệ trong quản lý. Đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành; đưa vào vận hành “Ứng dụng Bản đồ số các doanh nghiệp tại KCNC và các KCN trên Google Maps cho doanh nghiệp" có chức năng khảo sát, báo cáo trực tuyến và sẽ còn tiếp tục nâng cấp trong giai đoạn 2024 - 2025.
Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) với trọng tâm là chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục và tăng cường hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp. Các hoạt động cụ thể của Ban là gì, thưa ông?
BQL tiếp tục đẩy mạnh CCHC ở các nội dung thành phố xác định là trọng tâm như: Chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục. Nhờ vậy mà từ tỷ lệ chỉ có 56% tổng số hồ sơ nộp trực tuyến năm 2022 thì năm 2023 và đến nay tỷ lệ này là 100%. Cũng như đã khai thác thông tin Cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp để thay thế cho Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ năm 2021; đồng thời doanh nghiệp cũng không phải nộp thành phần hồ sơ là các văn bản do BQL phát hành. Đã có phần mềm Bản đồ số đưa vào khai thác từ năm 2022; thực hiện trao đổi với doanh nghiệp, nhà đầu tư các chính sách của Trung ương và thành phố thông qua tài khoản Zalo chính thức của Ban.
Có thể nói, Ban đã và đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút các nhà đầu tư, qua đó tạo sức lan tỏa, kết nối các ngành sản xuất hiện đại. Trong hành trình này, cần nhất hiện nay là sự thấu hiểu, đồng hành của chính quyền cùng doanh nghiệp, có cơ chế, chính sách để doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay tín chấp, lãi suất ổn định.
Trong tương lai, chúng tôi sẽ phấn đấu xây dựng hệ sinh thái công nghiệp, có sự kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu - phát triển, đào tạo, sản xuất với môi trường sống và môi trường văn hóa - xã hội, tất cả vì tương lai phát triển của thành phố Đà Nẵng xinh đẹp!
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình Minh (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI