Đi đầu trong chuyển đổi số để phát triển bền vững

15:47:35 | 15/7/2024

Trong bối cảnh khó khăn, ngành Thông tin và Truyền thông (TTTT) Đà Nẵng vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TTTT thành phố khẳng định: “Kết quả toàn ngành đạt được là sự cộng hưởng của sức mạnh nội lực; sự đồng thuận - đồng hành của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp. Ngành sẽ luôn nỗ lực đi đầu trong công cuộc thực hiện chuyển đổi số (CĐS) vì sự phát triển an toàn, bền vững”.


Khai trương Trung tâm Giám sát điều hành thông minh TP.Đà Nẵng, tháng 8/2023

Được xem là trụ đỡ chính cho tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, ngành TTTT đã chủ động hoàn thành tốt những kế hoạch đề ra. Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật?

Những số liệu, kết quả đạt được sẽ là minh chứng rõ nét nhất cho đóng góp của ngành. Cụ thể, trong 06 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 19.494 tỷ đồng, đạt 49% kế hoạch (KH); tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 81 triệu USD, đạt 50% KH, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Đơn vị cũng đạt được thành công ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể, trong lĩnh vực bưu chính, doanh thu ước đạt 420 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong lĩnh vực viễn thông, doanh thu ước đạt 6.624 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) có phát sinh hồ sơ địa phương đạt 98%, tăng 2% so với cuối năm 2023; tỷ lệ hồ sơ DVCTT là 90%, giảm 4% so với cuối năm 2023 và vượt chỉ tiêu quốc gia năm 2023 (60%). Đã tích hợp 1.499 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia, chiếm 79,5% (vượt chỉ tiêu chung của toàn quốc là 40%). Hiện có khoảng 70.000 người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT trên Cổng Dịch vụ công thành phố. Đến nay, thành phố vẫn chưa xảy ra các sự cố tấn công mạng gây hậu quả nghiêm trọng, hệ thống thông tin chính quyền điện tử cơ bản hoạt động ổn định. Trong lĩnh vực công nghiệp ICT, doanh thu ước đạt 12.186 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, doanh thu ước đạt 264 tỷ đồng, bằng so với cùng kỳ năm 2023. Song song với đó, ngành cũng đã đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc triển khai các hoạt động phát triển vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua tổ chức, xây dựng thực hiện nhiều hội nghị, đề án, kết nối hiệu quả.

Bằng sự đóng góp thiết thực đó, trong 6 tháng đầu năm, ngành đã được Chủ tịch UBND thành phố tặng 10 bằng khen do đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua năm 2023 và thành tích xuất sắc trong các công tác chuyên môn năm 2023; công chức, viên chức Sở đạt Giải Ba Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc; đạt 01 Giải Nhì và 01 Giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 17 và được tặng Bằng khen của UBND thành phố.

Trước yêu cầu tất yếu của “cuộc sống số”, TP.Đà Nẵng đã đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng công nghệ số vào cuộc sống ra sao, thưa ông?

Công nghệ số đang tác động mạnh mẽ đến cuộc sống và mang đến những lợi ích to lớn. Tiếp nhận công nghệ số và ứng dụng công nghệ số vào tất cả các mặt của đời sống xã hội đang mang lại những sự thay đổi lớn. Nhận thức được điều này, các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức đoàn thể trên địa bàn đã tích cực triển khai các hoạt động CĐS trong công tác quản lý nhà nước và phục vụ tổ chức, công dân, đóng góp lớn vào thành công chung của ngành. Đồng thời, phát triển nhiều sản phẩm chủ lực và đạt các giải thưởng quốc gia, được đông đảo người dùng đón nhận, tiêu biểu như: Sản phẩm Sàn thương mại điện tử Selly đạt Giải thưởng Sao Khuê năm 2023 cho hạng mục dành cho các sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp số; sản phẩm SmartOS đạt Giải thưởng Best Solution Award 2023; nền tảng CĐS ngành xây dựng FiveSS đạt giải Ba tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng SURF 2023,…

Mặc dù vẫn còn nhiều “nút thắt” trong quá trình thực thi, ngành vẫn luôn chủ động đề xuất, tham mưu bộ, ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, từng bước thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt trong năm 2024 này, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác CĐS ở tất cả các trụ cột, gắn với tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện các mô hình ứng dụng điểm thuộc Đề án 06 và bám sát chủ đề năm 2024 của thành phố: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.


Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.Đà Nẵng (bên phải) khảo sát hoạt động của doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn

Mới đây, dự án hạ tầng CNTT gần 1.000 tỷ đồng đã được “gỡ vướng”. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của dự án này đến sự phát triển của ngành?

Việc đầu tư xây dựng Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) là cần thiết cho sự phát triển của ngành TTTT, phù hợp với chủ trương, chính sách và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Việc tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) trong giai đoạn hiện nay là cần thiết nhằm xây dựng Khu CNTT tập trung hiện đại, thông minh, bảo đảm nhu cầu không gian phát triển cho các doanh nghiệp CNTT, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, qua đó đóng góp ngày càng cao vào tổng giá trị ngành công nghiệp CNTT.

Trong tương lai, nơi đây sẽ là trụ sở của các doanh nghiệp phần mềm, nội dung số, thiết kế vi mạch trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành CNTT đặc biệt là ngành phần mềm, nội dung số.

Đà Nẵng hiện thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về CĐS và dẫn đầu về an toàn thông tin, thương mại điện tử của cả nước. Để tiếp tục duy trì thành công này, đơn vị đã và đang đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới?

Đà Nẵng xác định CĐS là động lực giải quyết các điểm nghẽn, tạo sự đột phá trong phát triển thành phố, đặc biệt tạo thêm các lĩnh vực mới, hướng đến xây dựng đô thị sinh thái hiện đại, thông minh, đáng sống. Do đó, địa phương đã triển khai hiệu quả Đề án CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với xây dựng thành phố thông minh; với 3 trụ cột là phát triển Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật; kỳ vọng đến năm 2025, kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP thành phố. Song song với CĐS, Đà Nẵng còn quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và hưởng ứng “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Theo đó, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các nhiệm vụ do Thành ủy, HĐND, UBND thành phố giao. Cụ thể là tiếp tục thực hiện, hoàn thành 04/04 nhiệm vụ thuộc Chương trình công tác của UBND thành phố’’; hoàn thành 02/02 nội dung trình tại kỳ họp cuối năm 2024 của HĐND thành phố. Tổ chức thẩm tra và triển khai các chương trình, dự án ứng dụng và phát triển CNTT TP.Đà Nẵng năm 2024 và Đề án 06 do các cơ quan thành phố làm chủ đầu tư, chủ trì triển khai. Xây dựng Kiến trúc chính quyền điện tử TP.Đà Nẵng 3.0 theo yêu cầu, hướng dẫn của Bộ TTTT. Triển khai xây dựng Kiến trúc ứng dụng CNTT ngành TTTT Đà Nẵng. Thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo thiết kế trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo; chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; huy động các nguồn lực, liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.

Trong tất cả các kế hoạch, chương trình, mô hình CĐS, chúng tôi đều đặt mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Để CĐS an toàn, bền vững, đơn vị sẽ thường xuyên tham mưu với tỉnh và chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn thông tin mạng; tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân khi hoạt động, giao dịch trên môi trường mạng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Lâm (Vietnam Business Forum)