Đắk Nông: Nỗ lực đánh thức tiềm năng du lịch

14:07:35 | 6/8/2024

Là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh sẵn có với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ, văn hóa đa dạng và đặc sắc nhưng du lịch Đắk Nông đang như “cô gái đẹp ngủ quên”, cần sớm được đánh thức.

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Đắk Nông sở hửu nhiều danh thắng nổi tiếng như: Danh thắng quốc gia thác Đray Sáp, thác Gia Long; Vườn Quốc gia Tà Đùng với hơn 40 đảo, bán đảo lớn, nhỏ được ví như là “Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên”…

Đắk Nông là vùng đất sinh sống lâu đời của các dân tộc thiểu số tại chỗ M’Nông, Mạ, Ê đê; là nơi giao thoa và lưu giữ nhiều loại hình văn hóa truyền thống của hơn 40 dân tộc với hệ thống các nghi lễ - lễ hội đặc sắc, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trải dài trên địa bàn 06 huyện, thành phố: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa với kiến tạo địa chất, địa mạo và các giá trị văn hóa đặc săc…


Du khách tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại một điểm du lịch ở Hồ Tà Đùng

Đến nay, toàn tỉnh có nhiều dự án đầu tư khu, điểm du lịch đã được tỉnh cấp chủ trương đầu tư gồm Khu du lịch - Di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh cụm thác Đray Sáp - Gia Long thuộc xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô; Khu du lịch sinh thái thác Đắk G'lung thuộc xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức; Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên thuộc Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song; Tu viện Liễu Quán thuộc Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong;...

Với tiềm năng du lịch khá đa dạng và phong phú nên hàng năm ngoài các khu, điểm du lịch đã có nhà đầu tư, các khu, điểm du lịch ở dạng tiềm năng như các thác 5 tầng thuộc xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp; thác Lưu Ly thuộc xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song; khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, hồ Tà Đùng và các điểm đến du lịch tại Tà Đùng; các di sản thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông,... đã thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi năm, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần, dịp nghỉ lễ lượng khách đến tham quan, du lịch khá đông.

Dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng kết quả của ngành du lịch Đắk Nông nêu trên là khá khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Theo Sở văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Đắk Nông, năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh ước đạt 679.000 lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 5.400 lượt và tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 378.500 lượt khách, trong đó: khách quốc tế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.150 lượt khách. Tổng doanh thu ngành du lịch trong năm 2023 ước đạt 160.000 triệu đồng (160 tỷ đồng) và trong 6 tháng đầu năm ước đạt 121.500 triệu đồng.

Nhận diện khó khăn,…

Chia sẻ về thực trạng của ngànnh du lịch tỉnh, ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc Sở văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Đắk Nông cho biết có một số nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến ngành du lịch tỉnh chưa thể cất cánh.

Theo ông Quang, hiện nay, đường bộ là đường độc đạo của tỉnh để phát triển kinh tế xã hội trong đó có du lịch, chỉ có trục Quốc lộ 14 được đầu tư khá bài bản có 02 làn đường rộng, các loại xe du lịch có thể thuận lợi để di chuyển. Các trục đường nội tỉnh nối với các khu, điểm du lịch trọng điểm đường cũng khá nhỏ nên rất khó khăn trong việc đưa các đoàn khách có số lượng lớn đến với tỉnh. Bên cạnh đó, hiện nay, các khu, điểm du lịch đã có nhà đầu tư nằm ở khá xa nhau, thời gian di chuyển lớn. Do vậy, tính kết nối sản phẩm du lịch còn hạn chế. Hệ thống giao thông đến các khu, điểm du lịch chưa được đầu tư nâng cấp đồng bộ. Do đó, tính kết nối hạ tầng chưa cao.

Bên cạnh đó, đa số tài nguyên du lịch ở khu vực gắn liền với đất rừng, quốc phòng, đất quy hoạch Bôxit, đất trồng cây lâu năm, do đó gặp khó khăn khi xây dựng các hạng mục công trình phục vụ phát triển du lịch.


Cụm thác Đray Sáp - Gia Long tại xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô

Thời gian qua, để phát huy tiềm năng du lịch sẵn có đa dạng, phong phú như trên, tỉnh Đắk Nông đã chú trọng triển khai thực hiện công tác thu hút đầu tư, cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để các doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh và đã có nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm, đến khảo sát tiềm năng du lịch như Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Tập đoàn TH, Tập đoàn Sao Mai, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Phú Cường, Tập đoàn Novaland… nhưng đến nay chưa có dự án nào lớn được triển khai.

“Chưa thu hút các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính đầu tư các công trình, dự án vào các khu, điểm du lịch trọng điểm nên các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh hiện là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các dự án đang triển khai chủ yếu có quy mô nhỏ, sản phẩm chưa đồng bộ, nổi bật nên sức hút thị trường, khả năng cạnh tranh với các thị trường du lịch khác còn hạn chế”, ông Lê Ngọc Quang chia sẻ.

…Tìm giải pháp để phát triển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu phát triển Đắk Nông trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, du lịch khám phá trải nghiệm của khu vực, hướng đến đạt mục tiêu 2030 phát triển tỉnh trở thành trung tâm của du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dựa trên lợi thế về khí hậu, cảnh quan.

Hiện tỉnh đang tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình, Nghị quyết, kế hoạch, đề án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm du lịch trọng điểm như: Địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Tà Đùng (thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông), Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, khu du lịch sinh thái cụm thác Đray Sáp - Gia Long.

Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, văn hóa kết hợp du lịch tâm linh, du lịch hang động, du lịch canh nông, du lịch cộng đồng và các dịch vụ vui chơi giải trí để thu hút khách quốc tế và nội địa. Sớm hoàn thiện đề án khoanh vùng để bảo tồn và kêu gọi đầu tư vào Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.


Đắk Nông có nền văn hóa truyền thống đặc sắc

Song song đó, tỉnh Đắk Nông cũng đang tăng cường mở rộng thị trường, xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch; Tăng cường quản lý nhà nước và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch thông qua kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ ; Quan tâm phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với khí hậu, cảnh quan, giá trị văn hóa truyền thống, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; Thường xuyên mở những lớp đào tạo nghề nghiệp và nghiệp vụ du lịch nhằm bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng và đủ khả năng đáp ứng yêu cầu hoạt động du lịch. Đồng thời, tạo sự gắn kết và đồng bộ giữa các cấp, các ngành và thực hiện sự thống nhất trong quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển ngành kinh tế du lịch của tỉnh.

Quốc Hưng  (Vietnam Business Forum)