Hướng đến một hệ sinh thái nông nghiệp xanh - tuần hoàn - hiệu quả và bền vững

14:05:16 | 12/8/2024

Ngành Nông nghiệp Việt Nam cần đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thúc đẩy phát triển xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh,... Đồng thời chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu.


Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn

Phát biểu khai mạc "Diễn đàn thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh 2024" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết: Phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hóa, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới. Tại Hội nghị COP26 (tháng 12/2021), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050; giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực - thực phẩm (tháng 7/2023), Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và xuất khẩu.

Nắm bắt xu thế phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh trên toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung của Chiến lược hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa; đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Các chính sách theo sau, thực thi Chiến lược đã tạo cơ chế, hành lang pháp lý khuyến khích hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; đồng thời thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp để tăng giá trị chuỗi, từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào cho đến sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,...

Có thể nói, các giải pháp sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững xuyên suốt quy trình sản xuất đã và đang hướng đến quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh toàn diện, bao trùm, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới, thực hiện mục tiêu giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và từng bước khẳng định diện mạo mới của đầu tư phát triển nông nghiệp xanh trên kỷ nguyên kinh tế xanh, thực hành ESC bền vững.

Tuy nhiên bên cạnh cơ hội lớn được mở ra, Phó Chủ tịch VCCI cũng đồng thời lưu ý vẫn còn đó rất nhiều thách thức, điểm nghẽn trong nỗ lực hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp xanh, thông minh. Yêu cầu đặt ra là làm sao vừa ứng dụng hiệu quả thành tựu của Cách mạng công nghiệp 5.0 phù hợp nhất với đặc thù ngành Nông nghiệp Việt Nam, vừa thúc đẩy chuyển đổi bao trùm, phát triển xanh, phát thải thấp. "Trong bối cảnh đó, việc tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc, với nỗ lực từ phía Doanh nghiệp - Nhà đầu tư - Nông dân - Nhà quản lý đồng hành, đóng góp nguồn lực, chia sẻ tri thức sẽ có ý nghĩa lớn lao, giúp phát huy hơn nữa giá trị đầu tư, liên kết, hợp tác chặt chẽ để mang đến một hệ sinh thái nông nghiệp xanh - tuần hoàn - hiệu quả và bền vững", ông Phòng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự Diễn đàn cũng đã thảo luận các vấn đề "nóng" hiện nay cũng như kiến nghị, đề xuất các giải pháp căn cơ cho phát triển nông nghiệp xanh, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Để có nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, ngành Nông nghiệp cần chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Cần đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh,... Song song với đó, chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu.

Những chia sẻ đầy tâm huyết của Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn đã cho thấy nông nghiệp là lĩnh vực rất giàu tiềm năng phát triển của Việt Nam, tuy nhiên để lĩnh vực này thực sự thu hút doanh nghiệp tham gia cần có sự đổi mới từ nhận thức, cách làm, bắt đầu từ Nhà nước đến người nông dân, với sự vào cuộc đồng hành của chính doanh nghiệp. Trong đó, cần chú trọng thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, hướng tới những giá trị xanh bền vững.

"Nền nông nghiệp Việt Nam sở hữu dư địa phát triển rất lớn, nhiệm vụ của chúng ta là phải tận dụng và khai thác tốt thế mạnh này để cho bà con nông dân thực sự được hưởng lợi từ thành quả sản xuất của họ. Về phía các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi trong phát triển sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh nông sản và đây là một lợi thế phải được tính đến trong sự cạnh tranh của nền kinh tế nước nhà. Chung quy lại, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta hiện nay là phải thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp, qua đó tạo đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam thực sự bứt phá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và là trụ đỡ vững vàng của nền kinh tế" - lãnh đạo VCCI khuyến nghị.

Mỹ Châu (Vietnam Business Forum)