10:35:48 | 23/8/2024
Bắc Kạn là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, với lợi thế đa dạng cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di tích lịch sử, nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc, ẩm thực độc đáo,... Đó cũng là những điều kiện cần để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, với mục tiêu phát triển bền vững, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả.
Bến thuyền tham quan, ngắm cảnh hồ Ba Bể
Tiềm năng lớn
Là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc, Bắc Kạn có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, có tiềm năng lớn để phát triển như: Phong cảnh núi sông, hang động, thác nước, các sản phẩm nông sản OCOP,…
Trong đó, nổi bật là Di tích quốc gia đặc biệt - danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể. Với tính đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn, Khu du lịch Ba Bể là trọng tâm, điểm nhấn để phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái; du lịch tham quan, nghiên cứu; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí cuối tuần,…
Bên cạnh cảnh đẹp tự nhiên, Bắc Kạn còn có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú với 120 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, bao gồm 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt (khu ATK Chợ Đồn và Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể); 07 di tích quốc gia và 62 di tích cấp tỉnh và 49 di tích đã kiểm kê. Cùng với đó là các lễ hội văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, lễ hội, tri thức dân gian, di sản văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao,… Điển hình là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái) và 20 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Múa Bát của người Tày, nghệ thuật múa Khèn của người Mông, hát Pá Dung của người Dao, hát Sli của người Nùng,… Có thể nói, đây là nguồn tài nguyên lớn cho phát triển du lịch.
Khai mạc chuỗi các hoạt động “Tuần Văn hóa - Du lịch” tỉnh Bắc Kạn năm 2024
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch. Nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của cả tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với phát triển du lịch.
Tỉnh cũng tập trung cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, phát triển bền vững. Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá và hợp tác phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong các giải pháp phát triển ngành Du lịch, Bắc Kạn đặc biệt quan tâm công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Ưu tiên bố trí nguồn lực để lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm phù hợp với quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Khu vực Mù Là đang được xây dựng để trở thành điểm du lịch đặc trưng của huyện Pác Nặm
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1496/QĐ-TTg ngày 30/11/2023; Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể (đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Đây sẽ là cơ sở cho tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch chất lượng cao phục vụ cho hoạt động du lịch.
Từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, Bắc Kạn đã và đang triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với phát triển du lịch của tỉnh. Việc xây dựng và hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các tuyến du lịch với các tỉnh trong khu vực.
Tỉnh cũng đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, từng bước đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới khi lượng khách đến với tỉnh có xu hướng ngày càng tăng. Hiện toàn tỉnh hiện có 237 cơ sở với tổng số 2.304 phòng, gồm có khách sạn: 31 cơ sở ( từ 1 đến 3 sao); nhà nghỉ du lịch: 35 cơ sở; nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay): 171 cơ sở. Riêng huyện Ba Bể có 86 cơ sở lưu trú du lịch và 166 xuồng vận chuyển khách tham quan Hồ Ba Bể đã được đăng kiểm theo quy định.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 04 công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành (03 công ty du lịch lữ hành nội địa, 01 công ty du lịch lữ hành quốc tế); 22 hướng dẫn viên du lịch, hơn 1.200 lao động đang làm việc tại các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống của đơn vị kinh doanh du lịch, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể.
Độc đáo chợ gia súc Nghiên Loan, huyện Pác Nặm
Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch luôn được xác định là khâu quan trọng trong phát triển du lịch. Thời gian qua, Bắc Kạn tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp và hoạt động đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch thông qua tổ chức các chương trình như: Chương trình Tuần du lịch - di sản văn hóa Ba Bể; Hội nghị xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch Bắc Kạn tại Thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; Chương trình hoạt động Nhóm liên kết phát triển du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh và 08 tỉnh Đông Bắc,…
Tỉnh cũng tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại các sự kiện, hội chợ, triển lãm du lịch trong nước. Đồng thời, tổ chức các chương trình Farmtrip du lịch Bắc Kạn thu hút các công ty lữ hành du lịch, Hiệp hội du lịch, Trung tâm Văn hóa và Xúc tiến du lịch, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước tham gia khảo sát, xây dựng tour, tuyến mới hấp dẫn, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh truyền thông các sản phẩm du lịch của tỉnh trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các sản phẩm truyền thông có lượng công chúng lớn.
Để thu hút du khách, tỉnh cũng đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo khác biệt và hình thành thương hiệu địa phương trên cơ sở khai thác các tiềm năng sẵn có như du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng; du lịch lịch sử - văn hóa,…
Ngọc Tùng (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI