14:46:51 | 23/8/2024
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, khoảng 40-50% địa phương trong cả nước có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu sang KCN sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới. Để đạt được mục tiêu này, còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ như: Vấn đề nguồn vốn, tài chính và làm rõ các định quy định pháp lý,…
Xung quan vấn đề này, phóng viên đã có phỏng vấn bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Quá trình chuyển đổi xanh các KCN hiện nay đang gặp một số khó khăn liên quan đến quy định pháp lý hướng dẫn tái sử dụng nước, sử dụng năng lượng,… và tiếp cận các nguồn lực. Theo bà, các vướng mắc này trước mắt có hướng tháo gỡ thế nào?
Theo quan sát của các cơ quan quản lý nhà nước và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái gặp phải những khó khăn như: Các văn bản hướng dẫn còn thiếu và chưa thống nhất, điển hình như trong quy định về tái sử dụng nước và chất thải trong KCN, gây khó khăn cho triển khai thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp.
Mặt khác, chi phí cho việc thực hiện các giải pháp chuyển đổi hoặc xây dựng mới KCN sinh thái đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn hoặc các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong khi nguồn lực của doanh nghiệp có hạn. Do đó, cần đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, quỹ tài chính khí hậu, đối tác chuyển đổi năng lượng cũng như các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính xanh. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các ưu đãi về tài chính, tín dụng, đất đai để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thúc đẩy các giải pháp nêu trên để tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích triển khai KCN sinh thái. Cụ thể:
Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng chính sách, hướng dẫn liên quan đến KCN sinh thái, hỗ trợ đánh giá, chứng nhận KCN sinh thái, đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án tháo gỡ các rào cản và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện KCN sinh thái.
Tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ kỹ thuật tại các KCN để hoàn thành các yêu cầu, điều kiện của KCN sinh thái theo quy định trong nước và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, tăng cường kết nối khu vực công và khu vực tư nhân; vận động, huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, quỹ tài chính khí hậu, đối tác chuyển đổi năng lượng và các nguồn lực khác cho biến đổi khí hậu cũng như kết nối với các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính xanh để huy động thêm nguồn lực thực hiện KCN sinh thái.
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động tập huấn đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương, doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN và doanh nghiệp trong KCN. Tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ, cơ quan, tổ chức liên quan vận động hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, công nghệ để triển khai KCN sinh thái, gắn kết chặt chẽ KCN sinh thái với tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn theo đúng định hướng của Chính phủ.
Việc chuyển đổi xanh, đáp ứng các yêu cầu về ESG, kinh tế tuần hoàn, xây dựng các KCN sinh thái đang là xu hướng tất yếu. Vậy doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tận dụng sự chuyển dịch này như thế nào để thu hút dòng vốn đầu tư xanh hiện nay?
Thế giới đang trong quá trình điều chỉnh hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi trật tự và cấu trúc về thương mại, đầu tư. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp phát triển bứt phá; đặc biệt trong thu hút đầu tư và tham gia chuỗi giá trị của những ngành công nghiệp mới như: Năng lượng xanh, công nghiệp bán dẫn. Để tận dụng sự chuyển dịch của dòng vốn đầu tư, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN và doanh nghiệp cần lưu ý các trọng tâm:
Thứ nhất, mạnh dạn thay đổi hướng phát triển theo các mô hình KCN, KKT mới trong đó có KCN sinh thái.
Thứ hai, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho sản xuất và thu hút đầu tư, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp công nghệ, start-up, dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...
Dây chuyền sản xuất tại nhà máy Nhựa An Phát Xanh thuộc Tập đoàn An Phát Holdings
Thứ ba, thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các Tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên, đặc biệt các dự án công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực, mở rộng thị trường. Phát triển chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, đảm bảo phát triển bền vững về môi trường và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN; nghiên cứu và thực hiện các tiêu chuẩn EGS, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi ngành hàng.
Thứ năm, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của từng KCN thông qua việc chuyển mình theo hướng bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội, môi trường.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang báo cáo Chính phủ đề cương Luật KCN - KKT. Luật này sẽ bổ sung cơ chế chính sách sẽ khuyến khích phát triển các KCN sinh thái như thế nào?
Đối với việc hoàn thiện thể chế liên quan đến KCN, KKT, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, trình Chính phủ xem xét, thông qua Đề nghị xây dựng Luật KCN, KKT, trong đó tập trung vào một số điểm chính như sau:
Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách và định hướng của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển các KCN, KKT; tạo hành lang pháp lý thống nhất về KCN, KKT
Quy định các điều kiện về quy hoạch KCN, KKT nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực, nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, gắn với liên kết vùng, hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm, bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Quy định các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng và phát triển KCN, KKT tại địa bàn khó khăn; bổ sung quy định các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư xây dựng và phát triển các loại hình KCN mới, khu chức năng mới trong KKT, KKT mới, ngành nghề mới (chíp, chất bán dẫn, đổi mới sáng tạo,...), phát triển liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong KCN, KKT.
Bên cạnh đó, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xây dựng mô hình tổ chức và quản lý tinh gọn, đủ thẩm quyền, đơn giản hóa TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Riêng đối với mô hình KCN mới trong đó có KCN sinh thái, sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua Đề nghị xây dựng Luật, dự thảo Luật dự kiến sẽ bổ sung thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp thứ cấp đầu tư vào các mô hình này, trong đó có các chính sách về thời hạn hoạt động, tiếp cận tài chính, tín dụng,... nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế và nguồn lực đầu tư cho các mô hình KCN mới như hiện nay.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI