15:10:58 | 29/8/2024
Ngành công nghiệp điện tử có đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị xuất khẩu cả nước. Trong vòng 10 năm, xuất khẩu điện tử chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và đứng đầu trong các ngành chế biến chế tạo.
Vị thế hàng đầu thế giới nhưng vẫn ở “vùng đáy của đường cong”
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), mặc dù năm 2023 đã chứng kiến sự suy giảm xuất khẩu điện tử, tuy nhiên, quý I/2024 ngành điện tử đã chứng kiến sự phục hồi, chiếm giá trị trên 30% tổng giá trị xuất khẩu cả nước, với xuất siêu 4,2 tỷ USD. Nhập khẩu vẫn còn phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc do quốc gia này vẫn là “vựa nguyên liệu” lớn của thế giới. Hầu hết Việt Nam vẫn đang xuất khẩu nguyên liệu thô và nhập khẩu các nguyên liệu tinh từ nước ngoài.
Trên thực tế, ngành chế biến chế tạo của Việt Nam vẫn có vị thế nhất định trên trường thế giới. Theo thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong top 15 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử; đứng thứ 2/15 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu điện thoại và linh kiện.
Tuy nhiên, trong “giá trị đường cong nụ cười” của chuỗi cung ứng toàn cầu, lĩnh vực công nghiệp điện tử Việt Nam nói riêng và công nghiệp chế biến chế tạo nói chung vẫn đang ở vùng “đáy” của đường cong, tập trung vào phần sản xuất và chưa tham gia vào các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao hơn như logistics thu mua, logistics phân phối…
Theo bà Hương, hiệu quả kết nối của chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp nội địa ngành điện tử tại Việt Nam mang lại bao gồm: chuỗi cung ứng được đầu tư tương đối dầy đủ nhưng mạnh về sản xuất gia công linh kiện, cụm linh kiện. Việc đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử được trải rộng tương đối đầy đủ trong hầu hết các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất và gia công linh kiện/phụ kiện/cụm linh kiện và lắp ráp gia công, hoàn thiện sản phẩm. Trong đó, lĩnh vực sản xuất và gia công linh kiện/phụ kiện/cụm linh kiện chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Các dự án gia công lắp ráp sản phẩm hoàn thiện chiếm số lượng dự án ít, nhưng số vốn đầu tư lại lớn.
Việc gia công sản xuất điện tử tại Việt Nam hiện do các thương hiệu và nhà sản xuất linh kiện hàng đầu dẫn đầu. Ngày nay, một số thương hiệu lớn nhất có nhà cung cấp hiện đang sản xuất tại Việt Nam là: Apple, Canon, LG, Samsung, Microsoft, Google, Panasonic và Xiaomi. Một số thương hiệu như Samsung, LG và Canon đã có nhà máy riêng tại Việt Nam, trong đó LG và Canon đã đặt nhà máy sản xuất máy in laser và máy in phun lớn nhất thế giới gần Hà Nội. Ngoài ra, còn có mặt các nhà cung cấp thuê ngoài cấp 1 cho các thương hiệu bao gồm các nhà sản xuất lớn theo hợp đồng, ví dụ như Foxconn và Jabil, và các nhà sản xuất chip bán dẫn như Intel.
Việc Việt Nam trở thành một địa điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng được minh chứng qua các khoản đầu tư lớn của các nhà cung cáp hàng đầu như Foxconn, Pegatron… Sự phát triển này đồng nghĩa với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Lợi nhuận của ngành điện tử tham gia vào quá trình lắp ráp cuối cùng ở Việt Nam là khoảng 5-10%. Điều này có nghĩa là mặc dù khối lượng xuất khẩu rất lớn, nhưng lợi ích kinh tế từ việc Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu tương đối nhỏ.
Điều đáng nói là tính kết nối của doanh nghiệp nội địa Việt Nam với các thương hiệu lớn còn yếu, luôn ở thế bị động, thiệt thòi trong đàm phán đơn hàng và giá cả. Nhiều chính sách của Chính phủ vẫn chưa đi sâu sát với doanh nghiệp.
Việt Nam đã thành công trong thu hút FDI và hình thành chuỗi cung ứng, bởi những yếu tố như khung pháp lý và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển ngành công nghiệp điện tử, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, một số lợi thế đang trở thành thách thức như nguồn lao động không còn dồi dào; tác động từ các Hiệp định thương mại thương mại tự do thế hệ mới gây sức ép về sản xuất xanh, sạch; các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU ngày càng gia tăng các quy định khó khăn, tạo rào cản cho doanh nghiệp. Xu hướng toàn cầu chuyển đổi xanh, sạch là cơ hội cho các doanh nghiệp đã sẵn sàng nhưng cũng là thách thức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi chưa đủ nguồn lực.
Linh hoạt chuyển đổi mô hình kinh doanh, sản phẩm
Thách thức và khó khăn trong lĩnh vực công nghiệp điện tử khiến các doanh nghiệp điện tử Việt Nam luôn phải nỗ lực phấn đấu và tìm cách khắc phục. Để các doanh nghiệp có thể vươn lên, tham gia mạnh hơn và sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Hương cho rằng, các doanh nghiệp luôn cần thấy hết khó khăn, có thể cắt giảm chi phí (trong nỗ lực duy trì lao động, nhất là lao động chủ chốt). Trong đó, cần dựa trên các nền tảng hành động như quản trị rủi ro/bất định, xử lý thông tin kịp thời, xây dựng các kịch bản ứng phó, đi kèm với chiến lược công ty; hiểu và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro và biết cách bảo vệ quyền lợi bằng luật pháp trong xử lý tranh chấp.
Theo bà Hương, DN có thể nghiên cứu phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh, có các cách thức tương tác mới trong nội bộ, với khách hàng, thị trường và có thể lập “ phòng tác chiến” xử lý nhanh. Hoặc chuyển đổi sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường ( mặt hàng thiết yếu; đơn hàng nhỏ…), gắn với xu thế tiêu dùng. Bên cạnh đó, DN cần linh hoạt thị trường, đối tác, tiếp cận thị trường ngay khi có điều kiện và tăng cường khai thác thị trường trong nước; Đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, có thể áp dụng trả chậm, chia sẻ đơn hàng; hàng đổi hàng…
Đặc biệt, các DN cần tận dụng tối đa các cơ hội, hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức, dự án quốc tế trong đào tạo, nâng cao năng lực doanh nghiệp. Đồng thời, bắt kịp xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh/kinh tế tuần hoàn từ đòi hỏi của người tiêu dùng, cam kết quốc tế, chính sách của nhiều nước phát triển về chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ESG…
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI