10:46:54 | 4/9/2024
Với khát vọng phát triển, nắm vững thời cơ, chủ động đổi mới đoàn kết, sáng tạo, vượt qua thách thức, sau 15 năm tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hớn Quản từng bước khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh về vị trí, đất đai, nguồn nhân lực,... để vươn mình mạnh mẽ. Huyện đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh Bình Phước.
Ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản |
Cách đây 15 năm, ngày 01/11/2009, huyện Hớn Quản được tái lập theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ trên cơ sở một phần của huyện Bình Long. Ðây là dấu mốc quan trọng, mở ra một chương mới trong lịch sử xây dựng và phát triển của huyện Hớn Quản.
Ông Vũ Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Những ngày đầu mới tái lập, Hớn Quản phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu thốn, đời sống của một bộ phận người dân, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Tuy nhiên với quyết tâm và khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền qua các nhiệm kỳ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra quyết sách đúng đắn, huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khơi dậy khát vọng vươn lên của nhân dân các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của huyện nhà”.
Qua 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay, huyện Hớn Quản đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 9%; tổng giá trị sản xuất ước thực hiện 6.441 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1.238,2 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, hiện tỷ trọng nông nghiệp giảm còn dưới 50%, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trên 50%. Đến năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3.395 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 1.297 tỷ đồng; giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ đạt 2.510 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 347,7 tỷ đồng.
Trong kinh tế nông nghiệp, phát huy lợi thế đất đai rộng, bằng phẳng và truyền thống canh tác nông nghiệp, huyện Hớn Quản chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết tập trung và ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, đã hình thành những vùng chuyên canh quy mô như: Cây cao su, cây điều, cây ăn quả,... và chăn nuôi. Hiện nay, toàn huyện có 27 hợp tác xã, 47 tổ hợp tác, trong đó rất nhiều mô hình đã đầu tư theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế và nâng cao giá trị nông sản.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Hớn Quản
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được sự hưởng ứng, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Tính đến hết năm 2023, Hớn Quản có 11/12 xã về đích NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện phấn đấu hoàn thành chương trình này trong năm 2025.
Về phát triển công nghiệp, huyện phối hợp các ngành liên quan của tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng 3 khu công nghiệp (KCN), gồm: KCN Tân Khai II, KCN Minh Hưng - Sikico và KCN Việt Kiều. Trong đó, KCN Minh Hưng - Sikico đã trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trên địa bàn với tỷ lệ lấp đầy hơn 50% diện tích, có hơn 39 nhà đầu tư, với tổng số vốn hơn 1 tỷ USD. Trong năm 2023, có 03 nhà đầu tư đã chọn KCN Minh Hưng - Sikico để thực hiện đầu tư, cụ thể: Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đã đầu tư xây dựng chuỗi nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và Nhà máy giết mổ gia cầm Japfa Bình Phước; Công ty TNHH công nghiệp chính xác Chen Kai; đặc biệt là dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Haohua Việt Nam của nhà đầu tư Shandong Haohua Tire, thuộc Tập đoàn Haohua (Trung Quốc) có diện tích 43ha với tổng vốn lên đến 500 triệu USD, lớn nhất từ trước đến nay tại Bình Phước,…
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa các loại hình và mở rộng khai thác các địa điểm kinh doanh tiềm năng. Trên địa bàn huyện có hơn 600 doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu trong ngành nghề nông nghiệp, xây dựng, chế biến gỗ, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản, bán buôn,... Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp góp phần tích cực giải quyết việc làm thu nhập cho người lao động - đóng góp ngân sách nhà nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Đặc biệt, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và huy động vốn ngoài ngân sách từ các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân,… huyện Hớn Quản ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông. 15 năm qua, hàng chục tuyến giao thông kết nối liên huyện, liên xã, liên thôn đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới. Hoàn thành quy hoạch đầu tư xây dựng các tuyến đường KCN Tân Khai II với KCN Minh Hưng - Sikico; tuyến đường trục chính từ thị trấn Tân Khai đi các xã Tân Quan, Phước An; nâng cấp tuyến đường từ ngã ba Xa Cát vào KCN Việt Kiều,... tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
KCN Minh Hưng - Sikico trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư trên địa bàn Hớn Quản
Cùng với phát triển kinh tế, huyện Hớn Quản tập trung mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn huyện chỉ còn 125 hộ nghèo, chiếm 0,44%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chú trọng đầu tư. Hệ thống trường học, mạng lưới y tế không ngừng được đầu tư, đáp ứng tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của người dân.
Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản Vũ Xuân Trường nhấn mạnh: “Những kết quả đạt được trong 15 năm qua là sự nỗ lực, thành công lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện. Chấp hành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, toàn bộ 13 đơn vị hành chính cấp xã thuộc Hớn Quản sẽ được sắp xếp, hợp nhất vào thị xã Bình Long và thị xã Chơn Thành, huyện Hớn Quản đã rất tích cực, chủ động triển khai thực hiện chủ trương chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Tin tưởng rằng việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ giúp tập trung nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng. Đồng thời, tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng,... để đơn vị hành chính cấp huyện, thị mới phát triển nhanh và bền vững hơn, góp phần cùng tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Bình Phước trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam bộ”.
Năm 2024 là năm hết sức ý nghĩa với Hớn Quản, đánh dấu 15 năm tái lập huyện. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hớn Quản quyết tâm đột phá tạo nên nhiều dấu ấn mới, góp phần tô điểm vào bức tranh kinh tế - xã hội chung của tỉnh Bình Phước. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội huyện phát triển ổn định. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,39%; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 31%; giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023. Thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện 7 tháng đầu năm 2024 là 147,274 tỷ đồng, đạt 62,14% dự toán UBND tỉnh giao. Về giải ngân vốn đầu tư công thực hiện 127,853 tỷ đồng, đạt 34,13% kế hoạch vốn giao,... |
Bùi Liên (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI