08:35:47 | 25/9/2024
Nhờ đón bắt xu thế hội nhập cùng với cách làm hiệu quả, sáng tạo, những năm gần đây Thái Bình đã trở thành điểm đến tin cậy và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Thời gian tới, tỉnh tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường xúc tiến, thu hút các dự án quy mô lớn, giá trị công nghệ cao,… khơi thông các nguồn lực để sẵn sàng bứt phá. Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc phỏng vấn bà Thái Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình.
Với quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các tháng đầu năm 2024, Thái Bình đã đạt kết quả ấn tượng về giải ngân vốn đầu tư công. Để duy trì kết quả và đà tăng này, Sở đang tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nào?
Tỉnh xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm và đặt ra mục tiêu phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kết quả giải ngân vốn đầu tư công hàng năm của tỉnh luôn đạt cao so với bình quân chung cả nước; tỷ lệ giải ngân 7 tháng đầu năm 2024 ước đạt 60% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (bình quân chung cả nước ước đạt 34,68%.
Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Sở đã tham mưu bố trí vốn cho các dự án, ưu tiên bố trí vốn các công trình giao thông trọng điểm, kết nối, như: Tuyến đường bộ ven biển; các tuyến đường trục kết nối trong khu kinh tế; đường từ TP.Thái Bình đi Cầu Nghìn; cao tốc CT.08; đường từ TP.Thái Bình đi cầu Sa Cao; đường vành đai phía Nam TP.Thái Bình,...
Tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trong đó, đề ra mục tiêu giải ngân vốn tại từng thời điểm và gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tham mưu thành lập Tổ giám sát, đôn đốc tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công,... Chỉ đạo các phòng chuyên môn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng công tác thẩm định chủ trương đầu tư, công tác đấu thầu,…
Không chỉ giải ngân vốn đầu tư công, Thái Bình cũng là điểm sáng của cả nước về thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Một vài chia sẻ của bà về tình hình thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua?
Tính đến nay, Thái Bình có 165 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 5,21 tỷ USD. Điểm nổi bật trong kết quả thu hút FDI của tỉnh phải kể đến đó là năm 2023, lần đầu tiên Thái Bình thu hút đạt gần 03 tỷ USD (đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước), cao nhất từ trước đến nay. Trong đó có một số dự án đặc biệt lớn như: Dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình (vốn đầu tư xấp xỉ 2,0 tỷ USD), Khu công nghiệp VSIP (vốn đầu tư 212 triệu USD), dự án nhà máy Pegavision (vốn đầu tư 200 triệu USD),...
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường tỉnh 454 đoạn từ thành phố Thái Bình đến cầu Sa Cao và tuyến đường vành đai phía Nam, tháng 3/2024
Trong 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh cũng thu hút được 20 dự án FDI, với số vốn 222,61 triệu USD. Những dự án này sẽ tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút lao động tại địa phương, đảm bảo an sinh xã hội.
Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu: Đến năm 2030 Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá, một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng,... Thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực nào; quy mô và chất lượng dự án đảm bảo ra sao?
Là tỉnh ven biển, nằm ở phía Đông Nam Đồng bằng sông Hồng, Thái Bình nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và ở trung tâm tam giác phát triển vùng duyên hải Bắc bộ là Hà Nội - Ninh Bình - Hải Phòng. Đây là lợi thế lớn để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá, một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Đến năm 2050, là tỉnh có nền kinh tế phát triển; tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao.
Thời gian tới, tỉnh ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu, có năng lực tài chính, công nghệ vào đầu tư các dự án lớn, giá trị gia tăng cao, sản xuất sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thân thiện môi trường, đóng góp nhiều cho ngân sách, không thâm dụng đất đai và lao động. Cụ thể:
Lĩnh vực nông nghiệp: Phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học; thu hút đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Lĩnh vực công nghiệp: Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, điện khí và điện gió theo quy hoạch, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu vào đầu tư các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sản xuất các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Lĩnh vực dịch vụ - thương mại: Thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; ưu tiên phát triển chợ đầu mối, các loại hình dịch vụ logistics; khuyến khích phát triển thương mại điện tử, thương mại nội địa, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - phân phối; đầu tư các dự án hạ tầng du lịch hiện đại quy mô lớn (Dự án phát triển Khu du lịch sinh thái Cồn Vành, Cồn Đen,...).
Lĩnh vực môi trường: Xây dựng nhà máy xử lý rác thải, nước thải cho các khu, cụm công nghiệp.
Lĩnh vực xúc tiến đầu tư: Đa dạng hóa các kênh, phương thức xúc tiến đầu tư; ứng dụng công nghệ số và quản lý nhà nước đối với công tác xúc tiến đầu tư,…
Đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Sở sẽ tham mưu, thực hiện những hoạt động nào, thưa bà?
Thái Bình xác định doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh luôn quan tâm đồng hành, phát triển doanh nghiệp bằng các giải pháp, hoạt động thiết thực, cụ thể như:
Tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải thiện, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư. Ban hành, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường giai đoạn 2022 - 2025.
Hằng năm, tổ chức phát động thi đua và gặp mặt động viên; hội nghị gặp mặt, nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Thành lập Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh và các tổ công tác hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp. Đối với các dự án lớn, tỉnh thành lập tổ công tác riêng để hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án. Duy trì hoạt động hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận một cửa và đường dây nóng của của cơ quan hành chính nhà nước; chương trình “Cà phê doanh nhân”; vận hành chính thức trang thông tin Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp trên ứng dụng Zalo,... góp phần tạo môi trường gặp gỡ, trao đổi thường xuyên để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương chủ động rà soát, cắt giảm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính theo các ngành, lĩnh vực quản lý; công khai các thông tin kinh tế - xã hội, cơ sở dữ liệu, văn bản pháp luật và các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách quản lý,... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định pháp luật, tránh trùng lặp, chồng chéo,…
Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã mở ra một giai đoạn phát triển mới cho tỉnh. Nhằm triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Thái Bình sẽ đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tỉnh; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh,…
Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và tầm nhìn đến năm 2050 là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trân trọng cảm ơn bà!
Hà Thành (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI