11:06:19 | 13/9/2024
Không chỉ tập trung thu hút các nhà đầu tư có quy mô vốn lớn, các dự án đầu tư công nghệ cao, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn ưu tiên thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện với môi trường; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường để xây dựng môi trường xanh, nâng cao và duy trì chỉ số xanh, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Chú trọng phát triển KCN xanh
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 16 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, trong đó có 9 KCN đã đi vào hoạt động, bao gồm: KCN Khai Quang (221,46 ha); KCN Bình Xuyên (286,98 ha); KCN Kim Hoa (50 ha); KCN Bá Thiện (325,75 ha); KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1 (42,21 ha); KCN Bá Thiện II (308,83 ha); KCN Tam Dương II - khu A (135,17 ha); KCN Sơn Lôi (257,35 ha); KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (213 ha). Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trước mắt, đến năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ phát triển lên 24 KCN, quy mô 7.000 ha.
Các dự án tại khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc thân thiện với môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại
Xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại các KCN trên địa bàn tỉnh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư bền vững, cũng như tạo môi trường làm việc thân thiện với thiên nhiên cho người lao động, chủ đầu tư các KCN đã chỉnh trang, trồng nhiều cây xanh tại các đường đi nội bộ trong khuôn viên KCN, áp dụng mỗi công ty giành tối thiểu 10% diện tích cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Từ đó, các chủ đầu tư, doanh nghiệp cũng xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng “lá phổi xanh” tại các KCN. Góp phần tạo mảng xanh trong khuôn viên, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho người lao động cũng như cộng đồng cư dân sinh sống xung quanh KCN.
Tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, chủ đầu tư - Tập đoàn Sumitomo đã tập trung đầu tư hệ thống cây xanh, thảm cỏ và các loại cây cảnh… với kỳ vọng tạo ra vòng tuần hoàn “lá phổi xanh”, giảm cảm giác nặng nề, bức bối giữa không gian nhà xưởng, cũng như giảm căng thẳng sau những giờ làm việc tại KCN của người lao động. Công ty đã dành 20% diện tích toàn khu cho hệ thống cây xanh, mặt nước và đường giao thông. Khuôn viên KCN hiện đang trồng nhiều loại cây xanh có tán rộng, tạo cảnh quan và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Công ty TNHH Solum Vina, KCN Bá Thiện II
Bên cạnh đó, trong các tuyến đường nội khu, Công ty cũng đầu tư xây dựng 3 tuyến kênh với tổng chiều dài 3,6km, không chỉ là nơi tiêu thoát nước mưa, chống ngập úng mà còn là nơi trữ nước tưới cây, cân bằng môi trường sinh thái. Chính sự thân thiện với môi trường là một trong những yếu tố quan trọng giúp KCN Thăng Long Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Nhật Bản và các tập đoàn lớn trên thế giới.
Mới đây, Vĩnh Phúc đã thu hút thành công và trao Giấy chứng nhận đầu tư hạ tầng KCN Phúc Yên cho hai nhà đầu tư là Công ty Cổ phần SHINEC và Công ty Cổ phần KCN và Dịch vụ Quốc tế Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, tổng diện tích hơn 111 ha nằm trên địa bàn phường Phúc Thắng và phường Nam Viêm, thành phố Phúc Yên. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm. Theo tiến độ đã cam kết của nhà đầu tư, dự kiến từ quý II/2025 đến quý I/2027 nhà đầu tư sẽ hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng và đưa vào vận hành từ quý II/2027. Khi hoàn thành, KCN Phúc Yên sẽ có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; ưu tiên thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác, máy móc thiết bị y tế, thiết bị điện có công nghệ hiện đại,… Quỹ đất cây xanh, công viên của KCN được tối ưu hóa, hạn chế tối đa tác động đến môi trường…
Ưu tiên thu hút các dự án xanh, thân thiện môi trường
Hướng tới xây dựng môi trường xanh, bền vững, Vĩnh Phúc luôn nhất quán quan điểm không thu hút đầu tư đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Năm 2018, Vĩnh Phúc đã từ chối dự án xây dựng nhà máy dệt may có tổng vốn đầu tư 350 triệu USD của Tập đoàn TAL (Hồng Kong) vì nhận thấy sự tác động tiêu cực đối với môi trường nếu triển khai, thực hiện dự án.
Đến nay, quan điểm này tiếp tục được khẳng định tại Quyết định số 2906/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, các dự án hạn chế thu hút đầu tư, không thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đề ra các phương án bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực điện tử, ô tô, xe máy, dược phẩm, nông nghiệp chất lượng cao gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bắt kịp xu hướng Net Zero trên thế giới.
Thành lập năm 2016, Công ty TNHH Solum Vina, KCN Bá Thiện II - Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, chuyên sản xuất, gia công linh kiện điện tử phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ti vi, màn hình máy tính, điện thoại di động và bảng giá điện tử (ESL) cho các hãng điện tử với công suất 10 nghìn sản phẩm/tháng. Để sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu của các hãng điện tử nổi tiếng như Samsung, Apple, Panasonic, Sony… Công ty đã chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa cao ở các khâu sản xuất; xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao; phối hợp cùng Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc đào tạo cho tỉnh những lao động có tay nghề trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tại Công ty Cổ phần Prime Vĩnh Phúc, KCN Bình Xuyên, nhằm giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, đồng thời vẫn đảm bảo được hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty luôn tích cực cải tiến dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất; đặc biệt, là việc đầu tư dây chuyền in kỹ thuật số công nghệ tiên tiến nhất trong ngành công nghiệp gốm sứ để thay thế công nghệ in phẳng trước đây. Hơn nữa, để đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng như môi trường xung quanh khu vực sản xuất, Công ty đầu tư nhiều hạng mục, công trình; trong đó, phải kể đến việc đầu tư hệ thống làm mát không khí tại các dây chuyền sản xuất với tổng kinh phí hơn 750 triệu đồng. Ở những vị trí phát sinh ra bụi, Công ty còn lắp đặt các máy hút bụi nhằm thu hồi lượng bụi phát sinh ra môi trường…
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, góp phần nâng cao chỉ số xanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Vĩnh Phúc đã và đang tập trung triển khai các nhóm giải pháp gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao tư duy, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp trong công tác sản xuất xanh, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận và thụ hưởng các chương trình, chính sách, dịch vụ hỗ trợ của địa phương trong bảo vệ môi trường, thực hành xanh; đa dạng nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất sang hướng an toàn, tiết kiệm, ít gây ô nhiễm môi trường, nhất là ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi sang sản xuất xanh…
Cùng với đó, phát huy tốt vai trò nêu gương, nâng cao nhận thức, hành động của người đứng đầu các cấp chính quyền trong thúc đẩy thực hành xanh; thực hiện nhất quán quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế; ưu tiên lựa chọn các dự án xanh, ít tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là các dự án trọng điểm có nguồn phát thải lớn.
Nguyệt Thắm (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI