11:31:19 | 5/9/2024
Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai là các tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh; là cửa ngõ kết nối của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên và nước bạn Campuchia. Với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, quỹ đất dồi dào, cùng với chính sách thu hút đầu tư linh hoạt, Bình Phước đang là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Haohua Việt Nam
Hiện nay, trong 15 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Phước có 13 KCN với diện tích 4.686ha đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 69%. KCN Becamex - Bình Phước (TX.Chơn Thành) diện tích 2.450ha và KCN Minh Hưng - Sikico (huyện Hớn Quản) diện tích 655ha là 2 KCN mới, quy mô lớn, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ngoài ra, Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Hoa Lư với diện tích 28.000ha sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Năm 2023, tỉnh Bình Phước thu hút được 61 dự án với tổng số vốn 830 triệu USD và 6.500 tỷ đồng, trong đó có 45 dự án FDI với tổng số vốn 830 triệu USD, gấp 5,3 lần số vốn năm 2022, đạt 277% so với kế hoạch năm; lần đầu lọt vào Top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 11 dự án với số vốn gần 97 triệu USD, đạt 24,22% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 416 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ 332 triệu USD. Cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư chủ yếu tập trung vào các ngành: Sản xuất, chế tạo linh kiện điện tử, sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản xuất quần áo, đồ gỗ,...
Đặc biệt, danh sách các nhà đầu tư FDI tại Bình Phước có những thương hiệu hàng đầu thế giới như: C.P Thái Lan; Hayat Thổ Nhĩ Kỳ; Sung Ju - Samsung, Japfa, lốp xe Haohua - Trung Quốc,... Có 2 dự án có quy mô rất lớn là: Dự án chế biến bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt, quy mô 170.400 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 110 triệu USD của Công ty TNHH CPV FOOD tại KCN Becamex - Bình Phước. Tiếp theo là dự án nhà máy sản xuất lốp xe của Công ty TNHH Haohua (Việt Nam), quy mô 14,4 triệu bộ lốp xe/năm, tổng vốn đầu tư 500 triệu USD tại KCN Minh Hưng - Sikico, dự kiến quý IV/2025 đi vào hoạt động.
Nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển đầu tư, tạo động lực phát triển, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 phát triển 8.290ha KCN, 25.864ha KKT, 730ha cụm công nghiệp (CCN); suất đầu tư các KCN, KKT, CCN đạt từ 3 - 3,5 triệu USD/ha. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đạt từ 60-70%. Đảm bảo 100% KCN, KKT, CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn về môi trường. 100% KCN phải đầu tư nhà ở cho công nhân cùng công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN. Đến năm 2030, phát triển 11.522ha KCN, 25.864ha KKT, 1.279ha CCN; suất đầu tư các KCN, KKT, CCN đạt từ 3,5 - 4 triệu USD/ha.
Đồng thời, Bình Phước xác định “nền tảng 4 tốt” (hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt) để đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của nhà đầu tư. Chú trọng giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng, hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng thu hút nhà đầu tư thứ cấp, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư hệ thống xử lý môi trường,… Ngoài việc quy định đầy đủ nội dung ưu đãi theo quy định của Chính phủ, tỉnh còn quy định một số chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư trong các lĩnh vực có thế mạnh.
Với vai trò quản lý, tổ chức cung ứng dịch vụ công và các dịch vụ hỗ trợ trong KKT và các KCN trên địa bàn tỉnh, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Phước tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) theo tinh thần kiến tạo, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công, tiếp nhận hồ sơ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng trong việc tư vấn, hướng dẫn, giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Tây Nguyên nhằm rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa. Đổi mới công tác xúc tiến, thu hút làn sóng đầu tư mới có chất lượng. Xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư (XTĐT) với nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên tất cả các ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang quan tâm; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư thứ cấp với nguồn vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; hiệu suất đầu tư cao. Tích cực phối hợp với những nhà đầu tư hạ tầng các KCN để nâng cao hiệu quả XTĐT.
Duy Anh (Vietnam Business Forum)