Cần nhiều giải pháp tổng thể thúc đẩy khả năng hấp thụ vốn tín dụng

14:04:09 | 30/9/2024

Tính đến ngày 17/9/2024,  tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã cải thiện so với cùng kỳ, đạt 7,38% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối NHTMCP tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng đã tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp so với mục tiêu của năm 2024. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành đều cải thiện so với cùng kỳ năm 2023, cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cơ cấu tín dụng của khối NHTMCP tư nhân phù hợp với cơ cấu tín dụng chung, trong đó tín dụng đối với ngành thương mại và dịch vụ tăng tích cực, chiếm khoảng 50% dư nợ ngành thương mại và dịch vụ toàn hệ thống. Tín dụng tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tiêu dùng phục hồi. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và dư nợ tín dụng qua thẻ tín dụng tăng 4,93% (cùng kỳ giảm 0,2%).

Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng nhận định, áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả. Thị trường bất động sản chưa hồi phục và ổn định, sự khó khăn của thị trường bất động sản còn ảnh hưởng tới nhiều ngành vệ tinh cũng như cầu tiêu dùng về nhà ở. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế, lãi suất còn ở mức cao tác động đến mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước.

Đáng chú ý, theo Phó Thống đốc, nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có xu hướng tăng, nguy cơ tăng sau khi tiếp tục chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính bị giảm sút; đồng thời xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân dẫn đến cầu tín dụng thấp.

Đặc biệt, tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến hoạt động của các NHTM cũng khó khăn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong những tháng cuối năm tới, các doanh nghiệp cần vốn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh nên cầu vốn trong nền kinh tế sẽ tăng cao. Trước thực tế trên, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh các chính sách huy động vốn để nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tín dụng được dự báo tăng mạnh trong quý 4/2024. Hiện nay, ngân hàng còn khá nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng để có thể cung cấp vốn cho nền kinh tế; trong đó nhóm ngân hàng tư nhân phần lớn sử dụng chưa đến 70% chỉ tiêu được giao.

Một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 9/2024 như OCB, ACB,  Dong A Bank, OceanBank, Agribank, Bac A Bank, VietBank, GPBank, NCB, BVBank, và PGBank… với mức điều chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn từ 1-2 tháng lĩnh lãi cuối kỳ tăng khoảng 0,2%/năm, lần lượt được niêm yết tại 3,4% và 3,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng 0,1%/năm, lên 3,8%- 4%/năm; 4 tháng là 4,05%/năm, 5 tháng lên 4,1%/năm. Đặc biệt nhiều ngân hàng đã tăng mức lãi suất huy động lên trên 6%/năm cho kỳ hạn dài từ 18-36 tháng. Các NHTM tiếp tục tiết giảm chi phí, thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn hiện nay, theo Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng, thời gian tới NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh; tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Đồng thời, quyết liệt triển khai các chương trình, chính sách tín dụng nhà ở xã hội, chương trình tín dụng lĩnh vực lâm, thủy sản. Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định; thực hiện các biện pháp khắc phục bão lụt, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh…

Để thúc đẩy sự phục hồi của tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ tín dụng, bên cạnh các giải pháp từ phía ngành ngân hàng, Phó Thống đốc cho rằng, cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể như, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy tiêu dùng của người dân; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hướng dẫn đồng bộ, rõ ràng việc thi hành các luật vừa được sửa đổi, bổ sung; thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất. Đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Giữ ổn định, phù hợp giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, tránh tác động đồng thời, cộng hưởng đến lạm phát trong nước và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp từ cả phía doanh nghiệp, cũng như các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua các Quỹ bảo lãnh DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV.

Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)