14:38:20 | 2/10/2024
Khánh Hòa định hướng đến năm 2030 sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Để góp phần đạt được mục tiêu trên, tỉnh đang tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa xung quanh chủ đề này.
Những tháng đầu năm 2024, Khánh Hòa ghi nhiều dấu ấn nổi bật trên bản đồ kinh tế khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, đặc biệt là hoạt động du lịch. Bài học kinh nghiệm tỉnh gặt hái được là gì sau những thành công trên, thưa bà?
Những năm vừa qua, ngành Du lịch Khánh Hòa đã trải qua nhiều nốt thăng - nốt trầm, chịu ảnh hưởng, tác động từ nhiều phía. Nhưng với lợi thế vượt trội về điều kiện tự nhiên, đồng thời nắm bắt những thuận lợi từ nhiều phía, hoạt động du lịch Khánh Hòa tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Cũng ngay từ những ngày đầu năm 2024, địa phương đã triển khai hàng loạt các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại các địa phương của Trung Quốc (Thượng Hải, Chiết Giang), Kazakhstan, Thái Lan,... Tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp, hãng lữ hành của nước ngoài đến khảo sát du lịch (Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia,...). Phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh và các hãng hàng không để nghiên cứu, xây dựng các chương trình tour, gói combo du lịch khuyến mãi, giá ưu đãi nhằm kích cầu thu hút khách du lịch đến với Khánh Hòa, làm việc với Vietjet Air đề xuất mở đường bay thẳng quốc tế đến Khánh Hòa,... Tỉnh còn tổ chức thành công chuỗi sự kiện chào hè 2024 với hai chương trình nổi bật: Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang 2024 (13 - 16/6/2024) với quy mô 200 gian hàng du lịch, thương mại, ẩm thực, thiết kế không gian mở tạo thuận lợi cho người dân, du khách tiếp cận, tham gia và gần 30 hoạt động, sự kiện ở nhiều loại hình khác nhau, gồm chương trình diễu hành Carnival ánh sáng quảng bá du lịch Khánh Hòa; hội thảo phát triển bền vững ngành Du lịch - khách sạn Khánh Hòa; Lễ hội Ẩm thực Yến sào Khánh Hòa năm 2024; Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon,… Ngoài ra còn có Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024 đánh dấu cột mốc chương trình trình diễn thi đấu ánh sáng bằng thiết bị bay không người lái (drone) đầu tiên trên thế giới (được tổ chức vào ngày 13/7/2024 tại Quảng trường 2/4 và ngày 03/8/2024 tại Quảng trường Lễ hội, Vinpearl Harbour, đảo Hòn Tre, thành phố Nha Trang). Sự kiện được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung trình diễn thi đấu của 4 đội thi đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Pháp, Trung Quốc và UAE, sử dụng kỹ thuật trình diễn chuyên nghiệp đa sắc màu với công nghệ thiết bị (drone) tân tiến nhất: Drone hỏa thuật, Drone siêu nhẹ và Drone siêu sáng.
Tiếp nối thành công, Khánh Hòa tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút được 15,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 8,0 triệu lượt khách quốc tế; duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân 05 - 10%/năm; có 90.000 phòng kinh doanh lưu trú du lịch, bao gồm khoảng 75% phòng có quy mô đạt chuẩn chất lượng từ 3 - 5 sao. Tạo việc làm cho trên 250.000 lao động trong ngành Du lịch. Trên cơ sở đó, địa phương cũng đã từng bước chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, như quy hoạch hai bên sông Cái phát triển du lịch, Phố ẩm thực bên sông, tuyến phố đi bộ và Chợ đêm,… Hướng đến phát triển du lịch thông minh là yếu tố cốt lõi thông qua việc đẩy nhanh tiến độ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, dựa trên nền tảng kinh tế số và ứng dụng thành quả công nghệ trên thế giới. Hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, gắn phát triển du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, mang lại giá trị trải nghiệm cao,...
Đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa do ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa làm trưởng đoàn làm việc với Văn phòng Đại sứ Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa, ngày 26/9/2024
Những năm qua, Khánh Hòa luôn phát triển du lịch gắn liền với gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương? Bà có thể chia sẻ thêm về điều này?
Không chỉ có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, Khánh Hòa còn là nơi giao thoa của văn hóa Tây Nguyên và văn hóa biển đảo, văn hóa Chăm,... rất thuận lợi để phát triển du lịch. Có thể nhắc tới các di tích, di sản văn hóa vật thể tiêu biểu như: Tháp bà Ponagar Nha Trang gắn với kiến trúc đền tháp độc đáo của dân tộc Chăm từ hàng ngàn năm nay; Thành cổ Diên Khánh; Phủ đường Ninh Hòa;... Bên cạnh đó là các lễ hội đặc sắc: Lễ hội Cầu Ngư của ngư dân vùng biển Khánh Hòa gắn với tục thờ Thần Nam Hải (Cá Voi); Lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang;... và đặc biệt Lễ hội Festival Biển Nha Trang được tổ chức định kỳ 02 năm/lần.
Việc khai thác hiệu quả giá trị di sản văn hóa luôn đi đôi với công tác bảo tồn, tôn tạo. Theo đó, ngành Du lịch xác định những nội dung quan trọng, chú trọng đến việc thực hiện tốt các giải pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực; nâng cao nhận thức về giá trị di tích cho người dân trong tỉnh. Đào tạo người dân tại các địa phương để họ có tay nghề, có kiến thức, hiểu biết về di tích, trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, hướng dẫn du khách tham quan di tích, thực hành các trải nghiệm du lịch sinh thái, khuyến khích tạo ra những sản phẩm đặc thù của địa phương.
“Du lịch xanh” là xu thế hiện nay, là hướng đi bền vững. Khánh Hòa đã và đang chú trọng vào vấn đề trên ra sao?
Du lịch xanh, tăng trưởng xanh và bền vững là xu thế tất yếu của du lịch quốc tế, khu vực, quốc gia và tất cả các điểm đến du lịch. Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên mà phát triển du lịch xanh còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững.
Mặc dù nhận định chuyển đổi du lịch xanh đã có sự chuyển biến nhưng việc phát triển du lịch xanh vẫn chưa đồng bộ, thực hiện manh mún “mạnh ai nấy làm”. Vì thế, du lịch xanh tại các địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung chưa hình thành hệ thống. Do vậy, để hiện thực hóa khái niệm du lịch xanh vào thực tiễn, tỉnh luôn chú trọng đến 03 nội dung chính, đó là quản lý du lịch xanh dựa trên những thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch xanh; sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh; tiêu dùng du lịch xanh.
Nha Trang - Khánh Hòa là thiên đường biển đảo
Được đánh giá là địa phương còn nhiều dư địa phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh bước đầu có những thành công nào trong công tác trên? Ứng dụng công nghệ số đã mang lại những giá trị tích cực nào cho sự phát triển của ngành?
Thời gian quan, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Hiện Khánh Hòa đang định hướng mở rộng không gian phát triển du lịch về phía Tây thành phố Nha Trang, các huyện Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh,... trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các loại hình du lịch cộng đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận hai địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, đó là Làng nghề xoi Trầm Hương, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh và xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa. Các địa phương đã triển khai tổ chức đầu tư các dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng thụ hưởng, tổ chức công bố điểm đến để quảng bá, thu hút du khách.
Phát huy những kết quả bước đầu, thời gian tới, các địa phương tiếp tục khảo sát, lựa chọn địa điểm, mô hình có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng để đăng ký, đề xuất gửi về Sở Du lịch nhằm đánh giá trình UBND tỉnh xem xét công nhận. Đồng thời, tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch cộng đồng tại các tỉnh, thành tại phía Nam; tổ chức Hội nghị đánh giá qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/2022/NQ-HĐND, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về xây dựng, phát triển các địa điểm, mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động du lịch của ngành Du lịch, đơn vị luôn tăng cường thực hiện tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, cung cấp thông tin du lịch và tương tác với du khách qua các trang thông tin điện tử nhatrang-travel.com.vn, sdl.khanhhoa.gov.vn và trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo Official. Dự kiến quý IV/2024, ngành sẽ đưa vào vận hành Trung tâm điều hành thông tin hỗ trợ khách du lịch.
Khánh Hòa sẽ nỗ lực tạo lập môi trường thân thiện, chuyên nghiệp, hiệu quả, nhanh chóng giải quyết các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Song song với đó, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa; phát triển các ngành, nghề phụ trợ và liên kết các tuyến du lịch liên vùng, hướng đến nền du lịch bền vững - du lịch có trách nhiệm.
Trân trọng cảm ơn bà!
Hoàng Lâm (Vietnam Business Forum)