Thay đổi tư duy, từng bước tạo điểm nhấn trong ngành du lịch đất mũi Cà Mau

08:43:26 | 18/9/2024

Những năm qua, tỉnh Cà Mau đã không ngừng đề ra nhiều giải pháp để du lịch bứt phá, phát triển bền vững. Và đến hôm nay, ngành “công nghiệp không khói” ở vùng đất cực Nam của đất nước Việt Nam đã có những điểm nhấn ấn tượng. Để thấy rõ diện mạo du lịch đầy sức hút của nơi được mệnh danh là “Đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”, phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở VHTT&DL Cà Mau.

Song hành với sự phát triển vượt bậc của tỉnh Cà Mau những năm qua, ngành du lịch cũng đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật, ông có thể chia sẻ thông tin về vấn đề này?

Cà Mau hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch một cách bền vững. Khi tỉnh nằm ở điểm cuối cùng cực Nam Tổ quốc, có ba mặt giáp biển với chiều dài bờ biển lên đến 254 km. Có hệ thống rừng ngập mặn xanh ngút ngàn bao trùm cả vùng Đất Mũi; cùng nhiều loài động thực vật, thủy hải sản đa dạng, phong phú. Có hai Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ được công nhận là khu dự trự sinh quyển và khu Ramsar thế giới. Nơi đây vừa có đảo, vừa có rừng, vừa có biển nên được cho là nơi “Đất nở ra, rừng biết đi, biển sinh sôi” ẩn chứa tiềm năng phát triển du lịch.

Những năm qua, đứng trước những thách thức trong quá trình phát triển chung của du lịch cả nước, cùng với những đặc thù du lịch của tỉnh, lãnh đạo Ngành đã không ngừng nghiên cứu và đề ra các giải pháp, chiến lược phát triển bền vững một cách đồng bộ, để đưa du lịch Cà Mau ngày càng tiến xa hơn nữa. Bên cạnh việc khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tỉnh cũng luôn đề cao công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều di sản văn hoá phi vật thể phục vụ công tác lễ hội đã được tổng điều tra, nhận diện, từng bước được phục hồi và lưu truyền. Các công trình di tích lịch sử được quan tâm đầu tư, nâng cấp, triển khai lập đề án tu bổ, tôn tạo Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước và tại Lung Lá Nhà Thể. Kế hoạch trùng tu, tôn tạo các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 được triển khai, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thực hiện trùng tu, tôn tạo 15 di tích; đang triển khai thực hiện 06 di tích. Thể thao cũng đã đạt nhiều thành tích cao, tổng số huy chương đạt được từ năm 2021 đến hết năm 2023 là hơn 400 huy chương các loại. Hàng năm, theo thành tích đạt được vận động viên được phong cấp kiện tướng đạt từ 05 10 kiện tướng và đạt từ 10 - 15 vận động viên được phong cấp I.

Để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu của Chiến lược phát triển du lịch vùng và cả nước cũng như các mục tiêu toàn cầu về tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, tỉnh đã và đang hướng đến những giá trị nào?

Việc phát triển du lịch xanh là thực sự cần thiết, đây cũng nên là định hướng lâu dài cho du lịch Việt Nam trong điều kiện đầy biến động của môi trường. Cà Mau cũng đang nỗ lực bám sát mục tiêu này. Theo đó, địa phương sẽ từng bước xây dựng kịch bản phát triển du lịch và những cảnh báo cho phát triển du lịch của tỉnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trong đó dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội ứng phó làm cơ sở xác định định hướng phát triển bền vững. Xây dựng hệ thống chính sách, tạo dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm du lịch và thu hút đầu tư du lịch.


Biểu tượng Cua Cà Mau tại Đất Mũi

Đặc biệt là đổi mới và nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch bền vững, phát triển sản phẩm đặc thù có tính cạnh tranh cao. Trên cơ sở chú trọng vào yếu tố nguồn nhân lực, thông qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch cho các cán bộ quản lý du lịch tại địa phương, tham dự các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch bền vững. Đi liền với nghiên cứu xây dựng quy chế bảo vệ môi trường chung cho các khu, điểm du lịch; thực hiện thí điểm cơ sở du lịch bền vững môi trường nhằm giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng. Xây dựng chiến lược tăng cường năng lực sáng tạo đổi mới sản phẩm, dịch vụ du lịch, sản phẩm thân thiện môi trường, có năng lực cạnh tranh thị trường nội địa. Mọi công tác đều đi đôi với bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng du lịch xanh, sạch, thân thiện, an toàn.


Mũi Cà Mau

Để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau, thời gian tới ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tập trung vào những mục tiêu trọng tâm nào, thưa ông?

Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, đón khoảng 2,7 triệu lượt khách (44 ngàn lượt khách quốc tế); tổng thu đạt khoảng 7.360 tỷ đồng; số di tích trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã xếp hạng được tu bổ là 16 di tích; có 04 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 35%; tỷ lệ số gia đình thể thao đạt 30%... Cũng như xác định sẽ phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên, có sự tham gia của cộng đồng kết hợp xóa đói giảm nghèo; kết hợp phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới…


Công trình Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau có tổng diện tích hơn 16.000 m2 và có chiều cao 45m.

Đến nay các chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch đã và đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư về du lịch, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Cà Mau theo hướng bền vững trong hiện tại và cả tương lai. Tại Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh cũng xác định mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch, bình đẳng; tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức… Dĩ nhiên trong cơ hội phát triển đó, đơn vị cũng xác định nhiệm vụ không kém phần quan trọng chính là xây dựng du lịch sinh thái cộng đồng – đây hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch nổi trội, thu hút sự quan tâm đối với du khách, đặc biệt là thị trường khách quốc tế nếu có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, sở, ngành, chính quyền địa phương, nhà đầu tư và cả cộng đồng.

Theo đó, Ngành sẽ nghiên cứu, tổ chức các sự kiện mới như hoạt động thể thao mạo hiểm; các giải chạy marathon xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ... Đồng thời định hướng cho các khu, điểm du lịch trong việc tổ chức dịch vụ trải nghiệm như: trồng và thu hoạch lúa - tôm, câu cá, câu cua,... theo truyền thống địa phương; khôi phục và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống; thành lập các tổ, đội đờn ca tài tử, nghệ thuật truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian... phục vụ du khách… Đặc biệt nâng cao nhận thức của người dân với tiêu chí: mỗi dân cư chính là đại diện cho hình ảnh, nét đẹp của địa phương./.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trí Dũng (Vietnam Business Forum)