Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường

08:39:11 | 18/10/2024

Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%; tỷ lệ người học tốt nghiệp, có việc làm phù hợp đạt trên 80%; đối với các ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao đạt trên 90%,…

Phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp

Theo ông Lê Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, những năm qua Yên Bái luôn xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhằm thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.


Học sinh, sinh viên, người lao động tham gia tìm hiểu thông tin việc làm tại Ngày hội việc làm tổ chức trên địa bàn huyện Yên Bình 

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 08 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN); bao gồm 03 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp và 02 trung tâm GDNN tư thục. Ngoài ra, còn có 06 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên cấp huyện. Mạng lưới cơ sở GDNN được sắp xếp tinh gọn, chất lượng; phù hợp về quy mô, hợp lý về cơ cấu, đa dạng về ngành nghề, trình độ, loại hình đào tạo theo hướng chuẩn hóa. Chú trọng phát triển trường chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm.

Giai đoạn 2021 - 2025, các trường cao đẳng, trung cấp được phê duyệt xây dựng đầu tư 17 ngành nghề trọng điểm (gồm: 02 nghề trọng điểm quốc tế; 03 nghề trọng điểm ASEAN, 12 nghề trọng điểm quốc gia). Trường Cao đẳng nghề Yên Bái được đầu tư để trở thành trường chất lượng cao của cả nước vào năm 2025, từng bước trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của khu vực.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị; ưu tiên đối với trường chất lượng cao và các ngành, nghề trọng điểm quốc tế, ASEAN, quốc gia. Đẩy mạnh gắn kết với doanh nghiệp (DN) để khai thác, sử dụng thiết bị, đáp ứng yêu cầu đào tạo thực hành cho người học.

Từ năm 2021 - 2025, UBND tỉnh đã đầu tư cho 06 cơ sở GDNN từ nguồn ngân sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguồn ngân sách địa phương với tổng kinh phí gần 126,5 tỷ đồng. Đến nay, các đơn vị đã thực hiện được trên 83 tỷ đồng, đầu tư chủ yếu cho: Xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất (nhà xưởng, phòng học, nhà đa năng, khu ký túc của học sinh, sinh viên,...) và mua sắm, sửa chữa, nâng cấp thiết bị đào tạo.

Tăng cường liên kết với doanh nghiệp

Công tác đào tạo gắn với sự tham gia của DN được Yên Bái đặc biệt chú trọng. Nhiều mô hình liên kết hiệu quả được triển khai như: Liên kết thực tập kết hợp với thi tốt nghiệp tại DN gắn với tuyển dụng (Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ); mô hình liên kết đặt hàng đào tạo theo yêu cầu của DN (Trường Cao đẳng nghề Yên Bái, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ); mô hình liên kết thực tập kết hợp với tuyển dụng,... Kết quả, trên 85% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp được các DN tuyển dụng phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Đồng thời, khuyến khích DN phối hợp cung cấp thông tin về nhu cầu, ngành nghề đào tạo, tuyển dụng cho các cơ sở GDNN; trả công cho nhà giáo, sinh viên khi thực tập, thực hành tại DN; ký hợp đồng tuyển dụng.

Để tiếp tục khuyến khích DN tham gia hoạt động GDNN, ngành tiếp tục tập trung vào các giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền; rà soát, xác định nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của DN để tư vấn nghề nghiệp, định hướng đào tạo và cung ứng nhân lực. Khuyến khích các loại hình đào tạo liên thông, liên kết, thu hút DN tham gia đào tạo nghề gắn với tuyển dụng lao động vào làm việc.

Ngoài ra, tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN và DN. Mỗi cơ sở GDNN công lập ký kết với ít nhất 3 - 5 DN, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đa dạng hóa các hoạt động gắn kết cơ sở GDNN với DN. Chỉ đạo các cơ sở GDNN thực hiện hợp tác với DN theo nhiều nội dung, hình thức khác nhau: Tuyển dụng lao động vào làm việc sau tốt nghiệp; tiếp nhận học sinh thực tập; tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo;...

Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, hàng năm, Sở đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.

Theo đó, Sở tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, đảm bảo nguồn cung lao động cho các DN đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát nhu cầu việc làm, tuyển dụng lao động của các DN, cơ sở kinh doanh để tư vấn, cung ứng và giải quyết việc làm phù hợp theo từng vùng, từng nhóm đối tượng.

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động; chú trọng lao động khu vực nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Song song với đó, thực hiện các giải pháp, chính sách giải quyết việc làm thông qua hỗ trợ người lao động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ việc làm cho các đối tượng đặc thù (người dân tộc thiểu số, phụ nữ, lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn,…). Tổ chức cung ứng lao động cho các DN, cơ sở sản xuất, lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động; chú trọng tạo việc làm đối với lao động qua đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng việc làm và thu nhập cho người lao động.

Thiên Thanh  (Vietnam Business Forum)