Tăng trưởng vượt kỳ vọng, kinh tế Việt Nam vẫn đối diện thách thức dài hạn

15:03:39 | 18/10/2024

Trong quý III năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực với tốc độ tăng trưởng vượt kỳ vọng, đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu và thu hút vốn FDI. Tuy nhiên, dù thành tựu kinh tế có nhiều điểm sáng, Việt Nam vẫn đang đối diện với các thách thức dài hạn như lạm phát, tiêu dùng trong nước phục hồi chậm,… Nền kinh tế cần những giải pháp bền vững hơn để duy trì đà phát triển trong những năm tới.

Ghi nhận những kết quả tích cực

Kết thúc quý III năm 2024, kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều dấu ấn đáng chú ý khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,82%, cao hơn nhiều so với năm ngoái. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện với nhiều bất ổn và thách thức, Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội từ xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, và dịch vụ để giữ vững đà phục hồi.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn so với dự kiến, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu đạt 20,8 tỉ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024.

Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch, trong khi chi tiêu công giảm so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến ngân sách tiếp tục đạt thặng dư cao, tạo dư địa cho các chính sách tài khoá tiếp tục trong năm 2024 như các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, nhất là trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại của cơn bão Yagi.

Thương mại tăng trưởng tích cực, vốn FDI thực hiện đạt mức cao kỷ lục, du lịch phục hồi mạnh mẽ, tỉ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định. Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, mặc dù vẫn thấp hơn nền trung bình trước đại dịch Covid-19.

NHNN vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt tương đối thành công giai đoạn vừa qua để giảm các cú sốc và can thiệp thanh khoản, giúp hạ nền lãi suất, hỗ trợ chi phí vốn cho nền kinh tế mà không cần can thiệp lãi suất điều hành.

Về hoạt động của doanh nghiệp, đã có hơn 183 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới và quy trở lại thị trường trong 9 tháng qua, cao hơn con số cả năm của giai đoạn 2018-2021.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi, các tổ chức lớn như IMF, OECD, WB, UN và Euromonitor đều có những điều chỉnh tích cực cho dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2024, thể hiện sự lạc quan hơn về triển vọng kinh tế thế giới.

Thách thức trong dài hạn

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm 2024, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nguyễn Quốc Việt vẫn cảnh báo về những rủi ro và thách thức vẫn tồn tại trong thời gian tới. Theo ông, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) đã suy giảm, xuống dưới mức 50 điểm trong tháng 9, cho thấy sự sụt giảm trong hoạt động sản xuất. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với số doanh nghiệp gia nhập vẫn ở mức cao, báo hiệu một xu hướng không bền vững.

Ngoài ra, tiêu dùng trong nước và giải ngân đầu tư công vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, điều này tiếp tục tạo ra áp lực lên tăng trưởng. Chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2024 cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn.

Ông Nguyễn Quốc Việt cũng chỉ ra xu thế phân mảnh kinh tế - chính trị toàn cầu cùng với hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự suy giảm cầu bên ngoài, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu. Các chi phí sản xuất ngày càng gia tăng đang làm suy giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, ông Việt nhấn mạnh các yếu tố đầu vào trong sản xuất gặp nhiều rào cản, cùng với tình hình khó khăn trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cải cách thể chế tuy đã đạt một số tiến bộ, nhưng vẫn diễn ra chậm, tạo ra những rủi ro không nhỏ cho đầu tư và kinh doanh, làm giảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết tầm quan trọng của việc đạt được các mục tiêu phát triển trong năm 2024, đặc biệt là thành tựu của quý III, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo niềm tin cho sự phục hồi và phát triển bền vững trong các năm tới. Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan bày tỏ lo ngại nền tảng tăng trưởng của quý III vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI đóng vai trò chính. Trong khi đó, các động lực quan trọng khác như tiêu dùng trong nước và đầu tư nội địa vẫn chưa thực sự tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng. Bà cho rằng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn còn gây nhiều tác động lên các hoạt động tiêu dùng và đầu tư, kéo theo những khó khăn cho nền kinh tế nội địa.

Dựa trên những yếu tố này, VEPR đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng cho quý IV và cả năm 2024. Ở kịch bản cao, tăng trưởng GDP trong quý IV sẽ ổn định ở mức 7,4%, giúp tăng trưởng cả năm đạt mục tiêu 7,0% như Chính phủ đề ra. Nếu kịch bản thấp xảy ra, tăng trưởng quý IV có thể sẽ dưới 7%, kéo mức tăng trưởng cả năm xuống khoảng 6,84%.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)