09:44:18 | 21/10/2024
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Phát triển Phần Lan Ville Tapani Tavio - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Phần Lan và ghi nhận sự phát triển tích cực của hợp tác song phương về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục và đào tạo...
Năm 2023, kim ngạch hai chiều Việt Nam-Phần Lan đạt 375,764 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Phần Lan đạt 179,901 triệu USD, xuất khẩu của Việt Nam sang Phần Lan đạt 195,863. Tính đến hết tháng 9/2024, tổng kim ngạch hai chiều đạt 341,73 triệu USD, xuất khẩu sang Phần Lan đạt 167,93 triệu USD, nhập khẩu vào Việt Nam đạt 173,8 triệu USD.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 9/2024, đầu tư của Phần Lan vào Việt Nam đứng thứ 58 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 37 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 50,8 triệu USD.
Trong lĩnh vực giáo dục, hai bên đã ký Biên bản hợp tác giáo dục từ năm 2009. Năm 2017, hai bên đã ký mới Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ Giáo dục. Hiện có khoảng hơn 2.500 sinh viên Việt Nam sang Phần Lan du học. Phần Lan coi Việt Nam là quốc gia trọng điểm để thu hút nhân tài.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các cấp cao, nhằm tạo thêm động lực làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương; phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận liên quan của hai nước để khai thác lợi ích của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), tận dụng tối đa tiềm năng thị trường của nhau để tăng kim ngạch thương mại song phương tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Đánh giá cao việc Quốc hội Phần Lan phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định EVIPA đi vào thực tiễn sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm năng như công nghệ cao, viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, xử lý nước, công nghệ rừng, công nghệ thông tin và truyền thông, đô thị thông minh.
Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Phần Lan - Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Cũng tại buổi gặp, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Phần Lan hỗ trợ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, qua đó hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng châu Âu tiếp cận các sản phẩm thủy sản chất lượng cao với giá cả cạnh tranh.
Về hợp tác giáo dục và đào tạo, với hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới, Phần Lan là đối tác quan trọng của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng giáo dục thông qua chuyển giao chương trình, công nghệ tiên tiến. Phó Thủ tướng đề nghị Chính phủ Phần Lan quan tâm, thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, chú trọng đào tạo giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm quản lý cơ sở giáo dục, tăng cường hợp tác giữa các tổ chức giáo dục hai nước tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam học tập và tìm kiếm việc làm tại Phần Lan.
Song song với sự hợp tác có hiệu quả và hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, Phó Thủ tướng cho rằng hai bên cần tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Phát triển Phần Lan Ville Tapani Tavio khẳng định quan hệ Việt Nam-Phần Lan phát triển tốt đẹp và có bề dày lịch sử hơn 40 năm qua, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Phần Lan vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
Phần Lan mong muốn thúc đẩy sâu sắc và chặt chẽ hơn nữa hợp tác giữa hai quốc gia về thương mại, nghiên cứu và hoàn thiện thể chế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, cũng như tăng cường phối hợp tại các cơ chế thương mại đa phương./.
Nguồn: baochinhphu.vn
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI