09:23:16 | 22/10/2024
Sau hơn 13 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các vùng nông thôn Hà Nội đã đổi thay từng ngày. Sự đổi thay đó không chỉ cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, to, đẹp hơn mà thu nhập của người dân đã tăng lên mỗi ngày.
Là huyện thuần nông, xuất phát điểm nhiều khó khăn, với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Phúc Thọ (Hà Nội) có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), mới đây, huyện Phúc Thọ đã tổ chức lễ gắn biển công trình cấp thành phố Trường Trung học cơ sở Long Xuyên. Ngôi trường được đầu tư 3 dãy nhà 4 tầng khang trang, cùng các công trình phụ trợ, đầy đủ trang thiết bị hiện đại, nổi bật trong không gian làng quê yên bình.
Chủ tịch UBND xã Long Xuyên – ông Kiều Văn Hùng cho biết: Trải qua chặng đường hơn 60 năm hình thành và phát triển, Trường Trung học cơ sở Long Xuyên đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Để tạo điều kiện tốt hơn cho dạy và học khi số lượng giáo viên, học sinh tăng từng năm, trường được huyện quan tâm đầu tư kinh phí hơn 80 tỷ đồng xây mới. Với diện mạo khang trang hơn, con em trong xã sẽ có điều kiện học tập tốt hơn; đồng thời tạo đòn bẩy cho xã đẩy nhanh tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Cũng trong những ngày thu tháng mười này, niềm vui đến với xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) khi cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong xã đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Chủ tịch UBND xã Mai Đình Nguyễn Thị Thanh Huyền thông tin: Chỉ trong chưa đầy 1 năm, xã đã 2 lần được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới: Tháng 2/2024, Mai Đình được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tháng 8/2024, Mai Đình được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Một góc nông thôn mới xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội
Về lại những vùng quê từng chịu nhiều tổn thất bởi chiến tranh trước đây, đến nay, các xã xưa thuộc An toàn khu Khu Cháy như: Đồng Tân, Trung Tú, Trầm Lộng, Đông Lỗ... của huyện Ứng Hòa đã đổi thay rõ nét, tràn trề sức sống. Những con đường làng từng lầy lội, chật hẹp nay rộng rãi, sạch sẽ, rợp bóng cây xanh. Khu Cháy hôm nay thành vùng trồng lúa trọng điểm với chuỗi giá trị gạo chất lượng cao cùng nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy”.
Khu vực nông thôn được Hà Nội quan tâm đầu tư rất lớn từ các chương trình của thành phố. Chỉ tính từ năm 2021 đến quý III-2024, thành phố đã huy động được hơn 84.316 tỷ đồng dành cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, nhiều huyện, thị xã ngoài việc bố trí vốn ngân sách còn đa dạng hình thức xã hội hóa, khai thác lợi thế từng địa phương để tạo thêm nguồn đầu tư.
Phong trào xây dựng nông thôn mới thực sự lan tỏa sâu rộng tới từng người dân, thôn xóm. Nhiều địa phương có các mô hình, cách làm thiết thực, hiệu quả như các huyện: Sóc Sơn, Đan Phượng, Ba Vì, Ứng Hòa... Hằng năm, các địa phương tổ chức cuộc thi "Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn", được nhân dân hưởng ứng tích cực.
Vùng sản xuất hoa của xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ
Khắp các vùng nông thôn của Hà Nội ngày càng nhiều sản phẩm OCOP của người nông dân. OCOP đã trở thành sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng do chính mình làm ra được thị trường tin dùng, vươn xa, trải rộng trên khắp các tỉnh thành trong cả nước và có một số sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.
Khi bước vào xây dựng NTM, thu nhập của người nông dân Hà Nội mới chỉ đạt trên dưới 10 triệu đồng/người/năm, thì sau hơn 13 năm, thu nhập bình quân đã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm. Kết quả này, thể hiện rõ sự kiên định của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong việc lấy thu nhập của người nông dân là trụ đỡ xây dựng NTM, đồng thời đó cũng là động lực để người nông dân sáng tạo, cần cù lao động sản xuất và bỏ đi lối tư duy sản xuất đơn thuần, thay vào đó là lối tư duy kinh tế tích hợp đa giá trị.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, tính đến hết quý III-2024, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, mới đây, Thanh Trì là huyện đầu tiên của thành phố đạt nông thôn mới nâng cao; các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai đang hoàn thiện điều kiện để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và năm 2024.
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI