Ngành Ngân hàng: Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp

15:51:37 | 5/11/2024

Bám sát mục tiêu, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ngành Ngân hàng Bạc Liêu đã triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; góp phần cắt giảm chi phí hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế.


Ngân hàng Quân đội (MB) khai trương Chi nhánh MB Bạc Liêu

Ngành đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Đồng thời, chủ động cân đối nguồn vốn, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp từng loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tham gia chuỗi giá trị liên kết.

Chi nhánh NHNN tỉnh đã phối hợp tốt với các sở, ngành trên địa bàn để tạo được sự đồng thuận, hỗ trợ trong triển khai thực hiện các cơ chế chính sách đối với hoạt động ngành Ngân hàng trên địa bàn.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 171 TCTD đang hoạt động, trong đó có 20 chi nhánh ngân hàng, 73 phòng giao dịch; 64 điểm giao dịch; 07 chi nhánh huyện, thành phố; 07 quỹ tín dụng nhân dân. 

Kết quả hoạt động ngành Ngân hàng 9 tháng đầu năm 2024: Huy động vốn đạt 31.048 tỷ đồng, tăng 5,87% so với cùng kỳ, tăng 2,32% so với năm 2023. Dư nợ cho vay đạt 43.955 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ, tăng 4,7% so với năm 2023. Nợ xấu là 985 tỷ đồng, chiếm 2,24%/ tổng dư nợ. Các TCTD trên địa bàn hoạt động tương đối ổn định, an toàn.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, trong 9 tháng đầu năm, các TCTD trên địa bàn đã có mức tăng trưởng tín dụng khá vào các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, cho vay chương trình phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt: 17.343 tỷ đồng, chiếm 39,42% tổng dư nợ, tăng 5,55% so với cuối năm 2023. Cho vay doanh nghiệp đạt 14.176 tỷ đồng, chiếm 33,76%/tổng dư nợ, tăng  4,22% so cuối năm 2023. Cho vay xuất khẩu dư nợ đạt 3.633 tỷ đồng, chiếm 8,26%/tổng dư nợ, tăng 9,69% so với cuối năm 2023, chủ yếu là dư nợ cho vay xuất khẩu tôm nguyên liệu.

Hiện nay, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024; chấp hành nghiêm quy định của NHNN về lãi suất huy động tiền gửi, lãi suất cho vay đối với một số ngành, lĩnh vực. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; các chương trình, chính sách của Chính phủ: Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ; Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản (15.000 tỷ đồng).

Mỹ Duyên (Vietnam Business Forum)