Đổi mới hạ tầng để thúc đẩy công nghệ ngành ngân hàng phát triển an toàn hơn nữa

10:40:45 | 15/11/2024

Sự phát triển hạ tầng công nghệ ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua đã tạo ra những bước tiến vượt bậc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong thời đại số. Tuy nhiên, để có thể tiếp tục phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, ngành ngân hàng cần tiếp tục đổi mới hạ tầng công nghệ bởi đây là yếu tố then chốt.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho đến nay, nhiều ngân hàng đã triển khai chiến lược chuyển đổi số toàn diện, từ việc số hóa quy trình giao dịch đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Các ứng dụng di động và nền tảng ngân hàng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, giúp khách hàng thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi. Hạ tầng công nghệ thông tin của các ngân hàng đã được nâng cấp với việc sử dụng các hệ thống Core Banking hiện đại, giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, bảo mật thông tin và an ninh mạng, đảm bảo an toàn cho hệ thống giao dịch điện tử.

Ngành ngân hàng cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ thông tin, bao gồm: trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, dữ liệu lớn (big data), để cải thiện chất lượng dịch vụ và quản lý rủi ro. Việc áp dụng AI trong phân tích dữ liệu khách hàng đã giúp các ngân hàng cá nhân hóa dịch vụ và nâng cao trải nghiệm người dùng.

Với những chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các dịch vụ ngân hàng số như: ví điện tử, thanh toán trực tuyến, các dịch vụ tài chính công nghệ (Fintech) đã tạo ra nhiều cơ hội cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng đã hợp tác với các công ty công nghệ để phát triển các giải pháp sáng tạo, từ đó cải thiện dịch vụ và mở rộng thị trường. Các Fintech trong nước cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành ngân hàng.

Theo ông Hùng, hiện nay có 5 xu hướng công nghệ đã, đang và sẽ mang đến một tương lai phát triển mạnh mẽ cho ngành ngân hàng gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain, điện toán đám mây, thanh toán di động, và ngân hàng mở.

Thực tế cho thấy, sự phổ biến của điện thoại thông minh và thiết bị di động đã tiếp tục thay đổi mạnh mẽ hoạt động của ngành ngân hàng, cho phép khách hàng thực hiện giao dịch mọi lúc, mọi nơi. Công nghệ Blockchain và tiền điện tử đang nổi lên như những giải pháp an toàn, phi tập trung thay thế cho hệ thống ngân hàng truyền thống. Đồng thời, AI và phân tích dữ liệu lớn đang cách mạng hóa hoạt động ngân hàng bằng cách cải thiện hiểu biết về khách hàng, cá nhân hóa dịch vụ và phát hiện gian lận hiệu quả hơn.

"5 xu hướng công nghệ mới này được dự đoán sẽ định hình ngành ngân hàng trong tương lai và tạo ra môi trường cạnh tranh mới. Các tổ chức ngân hàng cần có sự thích nghi và sẵn sàng tích hợp công nghệ vào chiến lược kinh doanh để theo kịp sự phát triển công nghệ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng", ông Hùng nói.

Đáng chú ý, những tiến bộ công nghệ trong ngành ngân hàng gia tăng hiệu quả nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về tình trạng dịch chuyển việc làm, đặc biệt là trong các lĩnh vực phân tích dữ liệu, an ninh mạng và hỗ trợ khách hàng, có khả năng gây mất việc làm. Rủi ro an ninh mạng trong các dịch vụ ngân hàng số, bao gồm gian lận trên mạng, vi phạm dữ liệu và đánh cắp danh tính, đòi hỏi các biện pháp mạnh mẽ để duy trì niềm tin và bảo vệ lợi ích của khách hàng.

Không những vậy, khoảng cách số vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở các khu vực thành thị, nông thôn và các nhóm kinh tế - xã hội, đòi hỏi sự quan tâm giải quyết kịp thời các hạn chế về kết nối Internet, trình độ kĩ thuật số và cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, theo ông Hùng, những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng cũng đặt ra thách thức pháp lí cho các cơ quan chức năng nhằm bảo vệ người tiêu dùng, duy trì sự ổn định tài chính cũng như chống rửa tiền và gian lận…

Để tránh rủi ro an ninh mạng trong các dịch vụ ngân hàng số, theo ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, các ngân hàng cần thực hiện triệt để quy định của pháp luật về an toàn thông tin, đặc biệt là quy định an toàn thông tin theo cấp độ của đơn vị mình. Bộ Thông tin và Truyền thông (BTTTT) sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thông tin trong ngành tài chính - ngân hàng. Từng đơn vị cần có kế hoạch giám sát, bảo vệ, phản ứng nhanh, phục hồi sau sự cố, triển khai các biện pháp an toàn thông tin.

Theo của ông Phạm Tiến Dũng,  Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện tại, dữ liệu cho thấy ngành ngân hàng có hàng chục triệu khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Nếu hệ thống ngân hàng dừng hoạt động trong vòng 5 phút tác động sẽ vô cùng lớn. Vì thế, sau khi đã "phủ sóng" sản phẩm dịch vụ trên diện rộng, ông Dũng cho rằng, ngành ngân hàng cần phải hướng tới đảm bảo an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm dịch vụ đó. Đây là thời điểm, các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình.

Ngoài ra, theo ông Lê Văn Tuấn, các ngân hàng cần tập trung đầu tư công nghệ hiện đại, tăng cường khả năng phòng thủ thông qua con người; thường xuyên tổ chức diễn tập thực chiến để phát hiện ra lỗ hổng trong ngân hàng của mình; đào tạo nâng cao an toàn thông tin dữ liệu cho toàn bộ đội ngũ nhân viên, đào tạo đội nhân sự và cần phải chia sẻ thông tin, không che giấu khi xảy ra sự cố.

Phương Anh (Vietnam Business Forum)