Thúc đẩy hợp tác công nghệ thông tin giữa Việt Nam và Estonia

10:33:27 | 18/11/2024

“Năng lực về công nghệ thông tin của Estonia và Việt Nam khi hợp tác với nhau sẽ đem lại cơ hội phát triển lớn trong tương lai. Hy vọng đây là bước đầu tiên để hai bên có thể mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực Estonia có thế mạnh và Việt Nam có nhiều tiềm năng”.


Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tiếp và làm việc với Đại sứ Cộng hòa Estonia tại Việt Nam Hannes Hanso

Đây là khẳng định của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công trong buổi gặp gỡ với ông Hannes Hanso, Đại sứ Cộng hòa Estonia tại Việt Nam cùng đoàn doanh nghiệp về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Đại sứ Hannes Hanso cho biết, Estonia là một trong những quốc gia kỹ thuật số đi đầu thế giới. ICT chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của đất nước với hơn 10.000 doanh nghiệp. Hiện Estonia sử dụng 99% là dịch vụ công điện tử hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, có nền tảng chia sẻ thông tin, kết nối các ngành, lĩnh vực với nhau, tạo điều kiện liên thông thuận lợi, người dân có thể sử dụng dịch vụ công 24/7 và trong 15 năm qua không sử dụng giấy tờ nên không mất nhiều nguồn lực. Nhờ vậy, Estonia đã tiết kiệm được 2% GDP nhờ chuyển đổi số.

Hành trình số hóa của Estonia được Chính phủ chú trọng từ năm 1995 khi còn là quốc gia nghèo đói, nhờ ICTđã dẫn dắt mà nền kinh tế đã thoát khỏi nghèo đói và đến nay đã có vị trí nhất định tại châu Âu. Các dịch vụ số hóa hiện đại tại Estonia không phải đều do Chính phủ quản lý mà có nhiều doanh nghiệp cũng chung tay thực hiện. Đến nay, dịch vụ số hóa của Estonia đã xuất khẩu sang một số thị trường của các nước châu Âu, châu Phi (Nam Phi, Trung Phi), Trung Đông, châu Á (Nhật Bản, Singapore),…

“Việt Nam là thị trường tiềm năng về IT. Thông qua việc hợp tác với VCCI, các doanh nghiệp Estonia mong muốn tìm hiểu thị trường và các cơ hội hợp tác trong thời gian tới”, Đại sứ Estonia chia sẻ.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ về sự phát triển công nghệ số của Estonia và cho rằng Estonia đang là quốc gia có nhiều thành tựu phát triển trong quá trình hội nhập, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ như xây dựng chính phủ điện tử, cổng dịch vụ công quốc gia,... Kinh nghiệm và thành tựu của Estonia trong lĩnh vực công nghệ thông tin hiện đang được các nước trên thế giới đánh giá cao.

Theo Chủ tịch VCCI, định hướng của Việt Nam là phát triển công nghệ cao, nhất là công nghệ số, trong đó chú trọng phát triển công nghệ bán dẫn. Hiện Việt Nam là trung tâm sản xuất các thiết bị điện tử, điện thoại, máy in, công nghệ phần mềm,… cho các ngành sản xuất trên thế giới. Nhiều nước đã đánh giá Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển AI và là nền kinh tế phát triển năng động trên thế giới.

Việt Nam cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực với lợi thế là nguồn nhân lực dồi dào. Việt Nam có gần 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin và hơn 50.000 sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm. Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 2% và cùng với đó là nâng cao chất lượng kỹ thuật trong thời gian tới. Phát triển kinh tế số là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Mục tiêu đến đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP.

Việc phát triển công nghệ số và quản trị điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng cường sự minh bạch trong bối cảnh Việt Nam đang có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều khu vực và quốc gia.

Trong thời gian tới, hai bên cần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng, chuyển đổi số. Estonia với thế mạnh của mình, có thể hỗ trợ đào tạo nhân lực cho Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kinh tế số, xã hội số, cung cấp tư vấn về chuyển đổi số ở một số lĩnh vực quan trọng. Đồng thời, hai bên cần tận dụng lợi thế mà Hiệp định EVFTA và EVIPA mang lại, nhất trí phối hợp thúc đẩy trao đổi hàng hóa giữa hai nước như: Hàng điện tử, nội thất, nông nghiệp, các sản phẩm từ sữa, thịt bò,…

“VCCI sẵn sàng là cầu nối cho doanh nghiệp cũng như các địa phương hai nước nhằm chia sẻ thông tin, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư về ICT trong thời gian tới. VCCI và Đại sứ quán Estonia cần tăng cường quan hệ và trao đổi thông tin để cung cấp kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên hợp tác trong giai đoạn tới”, Chủ tịch VCCI khẳng định.

Việt Nam và Estonia thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 20/02/1992. Estonia coi Việt Nam là đối tác ưu tiên tại khu vực Đông Nam Á.

Về quan hệ thương mại, theo thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 giữa hai nước đạt 62,718 triệu USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu 24,179 triệu USD và xuất khẩu 38,539 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Estonia chủ yếu là hải sản, rau quả, hạt điều, cà phê, sản phẩm gỗ và hàng dệt may. Mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Estonia chủ yếu là sữa và sản phẩm sữa, hóa chất, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ.

Về đầu tư, tính đến tháng 12/2023, Estonia có 05 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 0,28 triệu USD.

Anh Mai (Vietnam Business Forum)