10:50:45 | 26/11/2024
Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi tư duy phát triển xanh, tuần hoàn và bền vững nhằm mục tiêu tiến tới Net Zero vào năm 2050. Phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá, hàng hoá xuất khẩu, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam đã có những chia sẻ về nền nông nghiệp xanh trên Vietnam Business Forum.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ liên quan đến ngành nông nghiệp, bao gồm cam kết tham gia sáng kiến "Giảm phát thải khí methane toàn cầu" và cam kết thực hiện "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất". Ông có thể cho biết hiện nay Bộ NN&PTNT đã có những hành động gì?
Trong 2 năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, ban hành kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch triển khai "Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất"; triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) từ rừng vùng Bắc Trung Bộ và đang đàm phán cho vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Bộ cũng rà soát các dự án trao đổi tín chỉ carbon rừng nhằm thực hiện các sáng kiến tại COP26.
Trong những năm vừa qua nông nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Nông nghiệp xanh sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, nâng cao hiệu quả sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững.
Nhiều mô hình sản xuất hướng tới nông nghiệp xanh đã được triển khai thực hiện ở nhiều địa phương thông qua các mô hình canh tác tổng hợp trong trồng lúa, giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm," đã giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường, tăng năng suất, chất lượng lúa gạo.
Trong lâm nghiệp, thực hiện kế hoạch hành động quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch hành động thích ứng với Luật Chống phá rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR). Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có đóng góp quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, thu dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đạt khoảng 3.200 tỷ đồng. Cấp chứng chỉ rừng quản lý bền vững (FSC và VFCS/PEFC) đến nay đat 465 nghìn ha. Lần đầu tiên Việt nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng cho Ngân hàng Thế giới sẽ là nguồn kinh phí quan trọng tăng cường công tác bảo vệ phát triển rừng.
Thực tế cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ hơn với cộng đồng quốc tế. Theo chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", hướng tới những "giá trị xanh" được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh và kinh tế xanh.
Việc thay đổi tư duy nông nghiệp xanh mang lại lợi ích gì, thưa ông?
Một trong những vấn đề lớn mang tính toàn cầu hiện nay là biến đổi khí hậu, tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của từng quốc gia. Đặc biệt, nông nghiệp là lĩnh vực chịu sự tác động và bị ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời là nguồn phát thải lớn thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.. Mỗi năm, sản xuất nông nghiệp thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc. Trong đó gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt, 46% là từ hoạt động canh tác lúa nước. Muốn giữ được sự ổn định và cân bằng sinh thái, hạn chế biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của con người, đòi hỏi các quốc gia phải có trách nhiệm trong gìn giữ môi trường.
Hiện nay, EU truy xuất đồ gỗ, cà phê, cao su, điều… có trồng ở quốc gia vi phạm phá rừng không, nhưng sắp tới họ sẽ truy xuất cả gỗ mà chúng ta nhập về để làm nguyên liệu - truy xuất xem nước xuất khẩu gỗ sang Việt Nam có vi phạm phá rừng hay không. Chúng ta phải thích ứng với xu thế thay đổi và phải thấy rằng: Xu hướng xanh hóa toàn cầu là một xu thế không thể đảo ngược và Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố Việt Nam sẵn sàng cam kết.
Mới đây, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT cùng đại diện Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật để chuyển sang các thủ tục pháp lý để Hoa Kỳ nhập khẩu chanh dây Việt. Song song với đó, khởi động quy trình xem xét các sản phẩm mới như chanh không hạt, ổi, mít...Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp phấn khởi chia sẻ, việc đàm phán, ký kết để nông sản Việt được nhập khẩu chính ngạch vào các thị trường tiêu chuẩn cao là động lực quan trọng để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn. Trong đó, chú trọng hơn đến mối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản và nông dân trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các quy định, yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về việc sản xuất nông nghiệp xanh - sạch, ít phát thải của các nhà nhập khẩu "khó tính", bản thân nhà nông, doanh nghiệp Việt phải "nhanh tay" tiến tới nông nghiệp "Net Zero" nếu không muốn thụt lùi.
Việt Nam đang nỗ lực để xin cấp "visa" cho một loạt các loại trái cây lợi thế của nước ta vào các thị trường lớn trên thế giới. Nếu cứ đà này, xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch tích cực và có thêm nhiều mặt hàng tỷ đô trong tương lại gần.
Chúng ta đang chuyển đổi dần sang nền nông nghiệp phát thải thấp. Thời gian tới Bộ NN-PTNT có định hướng và giải pháp nào để đẩy mạnh nông nghiệp xanh, thưa ông?
Để hướng tới mục tiêu Net Zero lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Đề án này là một hình mẫu trên thế giới về phát triển nông nghiệp carbon thấp. Hiện đã có nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào cuộc thực hiện Đề án như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng,...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Theo đó tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp xanh; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị nông sản xanh, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp, năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp xanh của nông dân; đẩy mạnh phát triển thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI