Ngoại giao kinh tế: Sức mạnh đằng sau thành công của doanh nghiệp Việt

10:12:51 | 25/11/2024

Ngoại giao kinh tế đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng mối liên kết giữa các quốc gia, đồng thời mở ra những cơ hội giao thương và hợp tác toàn cầu, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Theo Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao), chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có gần 50 hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo đất nước, đặt trọng tâm vào hợp tác kinh tế. Điển hình là chuyến thăm UAE, Qatar, Saudi Arabia của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã diễn ra thành công với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA). Hiệp định này tạo tiền đề để doanh nghiệp Việt tiến sâu hơn vào các thị trường Trung Đông và châu Phi, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.

Công tác ngoại giao kinh tế của Việt Nam, được triển khai đồng bộ giữa các cơ quan đại diện ở nước ngoài và hiệp hội ngành hàng trong nước, đã góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam. Qua đó, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài và doanh nghiệp, hiệp hội, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức vào chiều ngày 12/11 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh vai trò quan trọng của các cơ quan đại diện Việt Nam trong việc giới thiệu tiềm năng thị trường, sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam. Các cơ quan ngoại giao không chỉ cung cấp thông tin chính xác về các thị trường quốc tế mà còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mở rộng cơ hội giao thương và kết nối đối tác chiến lược.

Sự biến đổi nhanh chóng và khó lường của tình hình thế giới đòi hỏi doanh nghiệp cần có giải pháp hiệu quả để khẳng định mình và tận dụng cơ hội trong làn sóng đầu tư và chuyển giao công nghệ toàn cầu. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp mong đợi các Đại sứ và Tổng lãnh sự tại các quốc gia trọng điểm không chỉ nghiên cứu chính sách phát triển của từng thị trường, mà còn giúp dự báo xu hướng kinh doanh và tìm ra thị trường ngách.

"Với phương châm ngoại giao kinh tế, bên cạnh nhiệm vụ chính trị, các Đại sứ và Tổng Lãnh sự có vai trò vô cùng quan trọng trong việc quảng bá môi trường kinh doanh và tiềm năng sản phẩm của Việt Nam," ông Phòng nhận định.

Phó Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh rằng các cơ quan ngoại giao còn đóng vai trò hỗ trợ trong việc giải quyết tranh chấp kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Ông Hoàng Quang Phòng khẳng định, trong những năm qua, VCCI luôn nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và doanh nhân, cũng như hỗ trợ các hoạt động thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác quốc tế. VCCI cam kết tiếp tục hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và doanh nhân, đồng thời xúc tiến hợp tác thương mại, đầu tư và khoa học-công nghệ giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế.

"Chúng tôi tự hào nhận trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường toàn cầu," ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền - Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, New York, Hoa Kỳ, đánh giá cao sáng kiến tổ chức tọa đàm của VCCI, coi đây là một bước đi thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh, chương trình gặp gỡ giữa các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện với doanh nghiệp không chỉ giúp các cơ quan đại diện hiểu rõ hơn những khó khăn của doanh nghiệp mà còn tạo điều kiện triển khai hiệu quả chủ trương lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm phục vụ, đúng theo tinh thần của Đại hội XIII.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2024 cải thiện song vẫn tiềm ẩn rủi ro, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chia sẻ với những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt. Ông ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực thích ứng, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong ba quý đầu năm. Đặc biệt, ông cũng hoan nghênh các kết quả mà VCCI và doanh nghiệp đạt được trong việc xúc tiến thương mại quốc tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Dự báo năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm đầy biến động với những yếu tố phức tạp và khó lường, nhưng cũng đem đến nhiều cơ hội. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chỉ ra hai xu thế quan trọng là phát triển xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cùng sự quan tâm của các đối tác quốc tế đối với môi trường kinh doanh và chính sách điều hành vĩ mô của Việt Nam. Đây là thời điểm “tăng tốc” để thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đặt nền tảng cho những bứt phá dài hạn.

Ông Việt khẳng định, trên cơ sở các thành tựu kinh tế, xã hội và đối ngoại đã đạt được, Bộ Ngoại giao và mạng lưới 93 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ công tác ngoại giao kinh tế, xây dựng môi trường thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ thương mại, đầu tư, cũng như phát triển các động lực tăng trưởng mới.

“Ô tô chúng tôi sử dụng là sản phẩm Việt Nam, quần áo mặc trên người cũng là do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Chúng tôi luôn tự hào là Đại sứ hàng Việt,” ông Việt nói, nhấn mạnh sứ mệnh quảng bá thương hiệu Việt trong các hoạt động ngoại giao.

Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt, ông Đỗ Hùng Việt cũng lưu ý về các điều chỉnh chính sách lớn tại Mỹ – thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Ông khuyến nghị doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề thuế, xuất xứ hàng hóa và bảo hộ thương mại để sẵn sàng ứng phó và thích ứng kịp thời.

Ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA)

Tôi xin đề xuất các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối giới thiệu các đối tác nước sở tại có nhu cầu hợp tác đầu tư, sản xuất, chuyển giao công nghệ, tài trợ nguồn vốn đầu tư với các doanh nghiệp ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đề nghị các cơ quan Phối hợp với VCCI cùng các hội, hiệp hội những chương trình xúc tiến thương mại tại nước sở tại bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu, bán hàng, cung ứng sản phẩm, linh kiện sản xuất trong nước...

Tôi cũng đề nghị các cơ quan quan tâm, thực hiện nhanh chóng, kịp thời các thủ tục hành chính (cấp viza, thị thực nhập cảnh) cho các đoàn đối tác, các doanh nghiệp, doanh nhân đối tác của HANSIBA khi có chương trình sang Việt Nam công tác. Phối hợp thẩm định, liên thông với các cơ quan bộ ngành trong nước như: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, KHĐT và Tổng Cục Hải quan để kịp thời cho các đối tác và doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được thông quan, nhập khẩu các máy móc, thiết bị sản xuất chế biến chế tạo về Việt Nam.

Tôi cũng đề xuất các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện cùng phối hợp, kêu gọi các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo tại các nước sở tại cùng hợp tác, tiếp đón và đào tạo đội ngũ nghiên cứu sinh, du học sinh sang học tập, nghiên cứu và lao động có thời hạn. Qua đó tạo nguồn lao động có chất lượng và đội ngũ thanh niên sẽ khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực, nhóm ngành Việt Nam đang ưu tiên, khuyến khích phát triển như bán dẫn, quang điện tử, cơ khí công nghệ cao, hàng không, tàu biển, tàu cao tốc, điện hạt nhân, để đáp ứng việc các doanh nghiệp trong nước tham gia các đại dự án Nhà nước, Chính phủ đang chủ trương thực hiện.

Ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)

Ngành dệt may Việt Nam hiện đang sử dụng khoảng 3 triệu lao động và dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2024 sẽ đạt khoảng 44 tỷ USD. Theo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam, mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 68-70 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hiện nay của các doanh nghiệp dệt may chưa phản ánh đúng tiềm năng của ngành. Một trong những nguyên nhân là thiếu thông tin về thị trường và các đối tác quốc tế. Gần đây, đã có những nhà bán lẻ lâu đời, hoạt động hàng trăm năm, phải phá sản mà doanh nghiệp dệt may không nắm được thông tin đầy đủ và kịp thời, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Do đó, ngành dệt may mong muốn được Cơ quan ngoại giao cung cấp thông tin kịp thời và có thể hỗ trợ tìm kiếm luật sư uy tín để giải quyết khi có các tranh chấp, sự cố xảy ra.

Trước đây, việc ký kết hợp đồng giữa các đối tác chủ yếu dựa vào niềm tin và uy tín. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế hiện nay với nhiều biến động, mỗi thị trường quốc tế lại có những đặc thù văn hóa và yêu cầu khác nhau về sản phẩm dệt may. Các doanh nghiệp cần nắm vững cơ chế pháp lý của từng thị trường để đảm bảo hợp tác bền vững. Để đạt được sự tăng trưởng, các doanh nghiệp phải hiểu rõ nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như dung lượng của thị trường.

Là ngành xuất khẩu quan trọng, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường kết nối và hỗ trợ ngành dệt may trong việc mở rộng thị trường. Điều này bao gồm cung cấp thông tin về thị trường, các quy định mới từ các quốc gia sở tại, giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và chuẩn bị tốt hơn. Bên cạnh đó, các điều kiện kinh doanh hiện nay có nhiều biến động (chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai...), và các thị trường lớn như Mỹ, EU đã đưa ra hàng loạt yêu cầu mới, bao gồm chiến lược phát triển bền vững thay cho thời trang nhanh, nhãn sinh thái... Những vấn đề này doanh nghiệp dệt may chưa kịp nắm bắt và rất cần được thông tin thêm.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề xuất các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin liên quan công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để thúc đẩy quá trình "xanh hóa" và nâng cao tính cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)

Sự hỗ trợ từ các cơ quan ngoại giao rất quan trọng trong việc mở rộng thị trường và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp. Với uy tín và vị thế của mình, các Đại sứ đã giúp doanh nghiệp tiếp cận được những đối tác lớn và mở rộng thị trường sang các địa bàn tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp cũng nhận được sự hỗ trợ từ các Đại sứ trong việc kết nối, liên hệ với cơ quan chức năng của nước sở tại, qua đó xử lý và ngăn chặn kịp thời những rủi ro và thiệt hại có thể xảy ra, đặc biệt là trong các giao dịch quốc tế liên quan đến công nghệ cao.

Một trong những ví dụ điển hình là trường hợp của một doanh nghiệp thành viên của Hapro mới đây ký kết hợp đồng nhập khẩu với một công ty Hoa Kỳ. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã gặp phải sự cố nghiêm trọng khi bị hacker tấn công. Sau khi thực hiện giao dịch chuyển 200.000 USD cho tài khoản của nhà xuất khẩu, doanh nghiệp phát hiện tài khoản nhận tiền lại ở Dubai, không phải tại Hoa Kỳ như thỏa thuận ban đầu. Nhờ vào sự can thiệp kịp thời của Đại sứ Việt Nam tại UAE, với việc gửi Công hàm đến Ngân hàng sở tại, doanh nghiệp đã tránh được thiệt hại lớn. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của các Đại sứ trong việc bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch quốc tế, đồng thời góp phần nâng cao tính an toàn và minh bạch trong các giao dịch thương mại xuyên quốc gia.

Bà Nguyễn Lê Thanh, Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch

Các doanh nghiệp cần lưu ý các thị hiếu tiêu dùng của châu Âu để có các sản phẩm phù hợp để mở rộng cung cấp hàng hóa cho thị trường này. Đan Mạch là minh chứng rất rõ nét cho câu chuyện thị trường, kinh tế cần đi đôi giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải. Đan Mạch có nhiều triển vọng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như: Năng lượng điện gió, cơ khí, đóng tàu, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng... Đáng chú ý, Đan Mạch duy trì chính sách khá cơi mở, không rào cản... Đồng thời, Đan Mạch cũng tham gia Hiệp định Thương mại Việt Nam-EU(EVFTA). Hàng hóa Việt Nam khi qua được đến Đan Mạch cũng có thể tự do luân chuyển trong thị trường EU.

Đan Mạch có nhu cầu nhập nông sản lớn, tuy nhiên, các DN cần lưu ý việc thị trường châu Âu có xu hướng tiêu dùng xanh, ưu tiên các sản phẩm hữu cơ, giảm phát thải môi trường, thực phẩm lành mạnh, giảm thịt động vật, tăng thực vật, sản phẩm không chứa đường, sản phẩm có phẩm màu từ nguồn gốc thực vật...

Hương Ly (Vietnam Business Forum)