Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững

10:44:15 | 13/11/2024

Thời gian qua, huyện Thạch Thất triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Huyện Thạch Thât chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái

Phát huy hiệu quả chuỗi liên kết nông sản

Theo UBND huyện Thạch Thất, trong những tháng đầu năm, địa phương triển khai các giải pháp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban cho biết, hiện các sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã không chỉ được huyện hỗ trợ tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), mà còn giúp tìm mối liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đến nay, hợp tác xã đã ký kết được hợp đồng với Công ty An Việt (quận Nam Từ Liêm), Công ty Minh An (quận Bắc Từ Liêm) và những bếp ăn tập thể trên địa bàn để tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả. Hiện trung bình mỗi tuần hợp tác xã cung cấp hơn 1 tấn rau, củ, quả cho các siêu thị, giúp nâng giá trị trên 1ha canh tác đạt 300 triệu đồng/năm.

Hiện tại, huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, gồm: Sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690ha tại các xã Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải; sản xuất rau an toàn, quy mô 285ha ở các xã Tiến Xuân, Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Bình, Yên Trung; sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao, quy mô hơn 300ha tại các xã Bình Yên, Kim Quan, Lại Thượng... Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, huyện đã hỗ trợ các hợp tác xã duy trì và phát triển 6 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, như: Chuỗi sản xuất 10ha rau an toàn và trồng 15ha khoai tây vụ xuân làm giống của Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải; nuôi lợn hương quy mô 50 con lợn nái, duy trì 300 con thương phẩm ở xã Bình Yên; sản xuất rau, trồng đu đủ tại xã Dị Nậu; lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 30ha của các xã Chàng Sơn, Lại Thượng, Bình Phú, Phú Kim, Kim Quan... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.


Nông thôn mới huyện Thạch Thất, Hà Nội

Ông Đỗ Xuân Nhung, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Phú Kim chia sẻ, bên cạnh việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, huyện còn hỗ trợ các chủ thể tham gia chuỗi liên kết về vốn để mở rộng quy mô sản xuất; xây dựng thương hiệu, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc; tư vấn tham gia Chương trình OCOP.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, hằng năm, huyện sẽ bố trí ngân sách hợp lý đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp; khuyến khích kêu gọi các các đơn vị, doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu tạo liên kết chuỗi giá trị để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững và giúp nông dân nâng cao thu nhập. Ngoài ra, huyện hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại... để đưa các mặt hàng nông sản có thế mạnh vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích.


Thạch Thất xây dựng NTM gắn với bảo tồn văn hóa

Huy động nguồn lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, thực hiện Chương trình 04-CTr/TU ngày 17/03/2021 của Thành ủy Hà Nội, huyện ủy Thạch Thất đã ban hành Chương trình số 03-CTr/HU về “Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Năm 2024  địa phương tiếp tục huy động nguồn lực và giải ngân các nguồn vốn đầu tư các công trình thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động; tập trung đầu tư những công trình có ý nghĩa về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn (ưu tiên đối với 5 xã  đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới 2021 - 2025) để phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 11 xã hoàn thành xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, năm xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt 120 triệu đồng/người/năm; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố Hà Nội. Duy trì tỷ lệ xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt từ 95% trở lên.


Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng NTM ở Thạch Thất

Bên cạnh đó, Thạch Thất đã, đang đang triển khai kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn liền với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025 và xây dựng thí điểm các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại một số xã. Trong kế hoạch, huyện Thạch Thất hướng tới mỗi xã, thị trấn có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn với việc triển khai sản phẩm du lịch cộng đồng, trong đó sẽ gắn với việc hình thành chuỗi sản phẩm OCOP đạt chuẩn để giới thiệu du khách. Mục tiêu giai đoạn 2025 – 2030, huyện Thạch Thất phấn đấu trở thành một trong những địa phương trọng điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô.


Xã Đại Đồng là xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của huyện Thạch Thất

Huyện chú trọng đầu tư các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, quan tâm hỗ trợ đầu tư trang thiết bị phục vụ chế biến sản phẩm đối với các hợp tác xã đủ điều kiện nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng, thành viên hợp tác xã; tiếp tục ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, phục vụ xuất khẩu, tạo thương hiệu nông sản, nâng cao giá trị ngành hàng, tham gia sản phẩm OCOP, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân; tập trung xây dựng và phát triển nhãn hiệu hàng hóa nông sản, khuyến khích người dân thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ, sản phẩm chất lượng, an toàn gắn với đẩy mạnh truyền thông giới thiệu sản phẩm,...

Bảo Đan (Vietnam Business Forum)

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội