09:37:43 | 27/11/2024
Robert Walters, tập đoàn tư vấn tuyển dụng chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, vừa công bố Khảo sát Lương năm 2025. Khảo sát cung cấp những thông tin giá trị về nhu cầu ngày càng đa dạng của người lao động, đồng thời dự báo những xu hướng phát triển chính của thị trường lao động Việt Nam. Khảo sát cũng nhấn mạnh các trào lưu mới nổi và đưa ra những đề xuất chiến lược cho doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh gay gắt.
Tác động của nền kinh tế Việt Nam đến thị trường lao động năm 2025
Năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc với những chỉ số tăng trưởng ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. Tăng trưởng GDP đạt 6,4% trong 6 tháng đầu năm 2024, cải thiện đáng kể so với mức 5% của năm 2023. Mức tăng trưởng mạnh mẽ này chủ yếu đến từ lĩnh vực sản xuất, với mức tăng từ 3,6% năm 2023 lên 8,8% trong 6 tháng đầu năm 2024, cho thấy sự phục hồi đáng kể của lĩnh vực công nghiệp. Củng cố cho đà tăng trưởng này, Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IPI) tăng 13,3% so với cùng kỳ tính đến tháng 7, trong khi Chỉ số Quản trị Mua hàng (PMI) duy trì ổn định ở mức 54,7 trong cả tháng 6 và tháng 7, phản ánh sự gia tăng mạnh mẽ của đơn hàng mới và hoạt động sản xuất nói chung.
Mặc dù có các tín hiệu kinh tế khả quan, các công ty và người lao động được dự đoán sẽ tiếp tục thận trọng và tránh rủi ro trong năm 2025. Điều này diễn ra trong bối cảnh phức tạp của kinh tế toàn cầu đòi hỏi các quyết định được cân nhắc kỹ lưỡng để tận dụng cơ hội cũng như đối mặt các thách thức.
Tâm lý và ưu tiên của người lao động
Khảo sát Lương năm 2025 của Robert Walters cung cấp bức tranh toàn diện về tâm lý người lao động tại Việt Nam, cho thấy nguyện vọng và động lực của họ trong bối cảnh thị trường lao động không ngừng phát triển. Theo khảo sát, 73% người lao động bày tỏ sự lạc quan về triển vọng nghề nghiệp, phản ánh niềm tin ngày càng tăng vào các cơ hội việc làm. Lương và phúc lợi vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên sự hài lòng của người lao động. Khảo sát cho thấy 46% người được hỏi đánh giá cao tầm quan trọng của gói đãi ngộ cạnh tranh, trong khi 77% nhấn mạnh vai trò của chế độ thưởng trong việc quyết định mức độ hài lòng của họ với công việc. Những phát hiện này cho thấy yếu tố tài chính và sự ghi nhận đóng vai trò then chốt trong việc giữ chân và thu hút nhân tài, đặc biệt trong thị trường tuyển dụng cạnh tranh khi các doanh nghiệp đều tìm kiếm ứng viên xuất sắc nhất.
Bên cạnh các chế độ đãi ngộ tài chính, người lao động ngày càng chú trọng đến những giá trị phi vật chất trong văn hóa doanh nghiệp. Đồng nghiệp truyền cảm hứng và môi trường làm việc mang tính hỗ trợ là những yếu tố thúc đẩy quan trọng đối với một nửa số người được khảo sát. Ngoài ra, các cơ hội phát triển cá nhân và nghề nghiệp – như chương trình đào tạo chuyên môn, thời gian làm việc linh hoạt và gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp – ngày càng được xem là những yếu tố không thể thiếu của một chính sách đãi ngộ hấp dẫn.
Đáng chú ý, khảo sát còn ghi nhận xu hướng nổi bật về sự ưu ái của người lao động dành cho các doanh nghiệp nước ngoài, khi có tới 99% đáp viên bày tỏ mong muốn làm việc tại các công ty quốc tế. Những lý do chính bao gồm mức lương hấp dẫn hơn, lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng và bài bản, cùng cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Một xu hướng đáng chú ý khác là sự gia tăng của các “nhân viên boomerang” – những người sẵn sàng quay trở lại làm việc tại công ty cũ. Xu hướng này mở ra cơ hội để các doanh nghiệp khai thác giá trị từ sự quen thuộc và tính nhất quán trong tổ chức. Ông Phạm Tuấn Phúc, Giám đốc Điều hành Robert Walters Việt Nam, nhận định: “Bằng cách trao những trọng trách cao hơn cho nhân viên quay lại hoặc xây dựng các chương trình kết nối dành riêng cho cựu nhân viên, doanh nghiệp có thể duy trì mối quan hệ gắn bó với đội ngũ nhân tài trước đây. Điều này không chỉ tận dụng được kinh nghiệm mà còn khai thác được lòng trung thành của họ để thúc đẩy sự phát triển chung của tổ chức.”
Chiến lược thích ứng với biến động của thị trường nhân tài
Trước áp lực cạnh tranh ngày càng cao và sự thay đổi trong ưu tiên của người lao động, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang tích cực điều chỉnh chiến lược để thu hút và giữ chân nhân tài một cách hiệu quả. Theo Khảo sát Lương 2025 của Robert Walters, nhiều xu hướng quan trọng đang định hình cách các tổ chức tiếp cận thị trường việc làm đầy biến động. Một điểm nhấn nổi bật là kế hoạch tăng lương tại nhiều doanh nghiệp, khi 82% công ty được khảo sát cho biết sẽ điều chỉnh lương trong năm 2025.
Bên cạnh việc tăng lương, các nhà tuyển dụng cũng tập trung cải thiện chương trình thu hút nhân tài thông qua chế độ thưởng cạnh tranh (76%) và đầu tư vào các chương trình đào tạo, phát triển toàn diện (67%). Những sáng kiến này không chỉ giúp thu hút ứng viên tiềm năng mà còn góp phần xây dựng đội ngũ nhân sự có năng lực cao, gắn bó lâu dài với tổ chức.
Tuy nhiên, thu hút nhân tài mới chỉ là một mặt của vấn đề, giữ chân nhân tài lại là một bài toán nan giải khác. Khảo sát của Robert Walters chỉ ra rằng, 59% nhà tuyển dụng thừa nhận rằng sự cạnh tranh trong tuyển dụng nhân tài và vướng mắc trong việc đưa ra gói phúc lợi cạnh tranh tiếp tục là thách thức lớn.
Một hướng tiếp cận hứa hẹn chính là tuyển dụng ứng viên dựa trên tiềm năng thay vì chỉ dựa vào chuyên môn hiện có. Việc tập trung nuôi dưỡng và phát triển nhân tài lâu dài sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng đội ngũ nhân sự phát triển và thích ứng cùng tổ chức. Đồng thời, các công ty cũng đang nỗ lực điều chỉnh phúc lợi và chính sách nhằm đáp ứng kỳ vọng của người lao động, tạo môi trường làm việc hài hòa, có lợi cho cả đôi bên.
Các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong năm 2025
Năm 2025, các doanh nghiệp dự kiến đẩy mạnh tuyển dụng ở các lĩnh vực như Nhân sự, Pháp lý và Tài chính nhằm hỗ trợ chiến lược mở rộng kinh doanh và tăng trưởng. Bên cạnh đó, các vị trí thuộc các phòng ban định hướng phát triển như Bán hàng, Tiếp thị và Phát triển kinh doanh vốn vẫn được chú trọng. Mức tăng lương dự kiến sẽ duy trì ổn định trong khoảng 15 - 25% trên hầu hết các ngành.
Nhân sự: Nhu cầu tuyển dụng chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự tiếp tục tăng cao, đặc biệt là những ứng viên có kỹ năng quản lý đối tác và xây dựng quan hệ kinh doanh. Các chuyên viên Đối tác Kinh doanh Nhân sự, với chuyên môn sâu sắc về chiến lược và kỹ năng giao tiếp dự kiến sẽ có mức tăng lương đáng kể.
Pháp lý: Các ngành hàng đòi hỏi quy trình chặt chẽ như dược phẩm và hàng tiêu dùng nhanh đang thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng chuyên gia pháp lý, đặc biệt trong các lĩnh vực Mua bán và Sáp nhập (M&A) và quan hệ chính phủ.
Kế toán và Tài chính: Các vị trí kế toán và tài chính dự kiến sẽ được săn đón, khi các doanh nghiệp coi trọng việc tuân thủ quy định, minh bạch hóa và chuyển đổi số. Những chuyên gia có kỹ năng về công cụ số, quản trị rủi ro và phân tích dữ liệu được kỳ vọng sẽ nhận mức lương cạnh tranh cao.
Công nghệ: Ngành công nghệ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt ở các vị trí cấp cao trong lĩnh vực AI, an ninh mạng và điện toán đám mây.
Tiêu dùng và Chăm sóc sức khỏe: Hai lĩnh vực này hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng, tạo động lực thúc đẩy tuyển dụng và mức tăng trưởng ổn định trong năm tới.
Chuỗi cung ứng: Tư duy chiến lược cùng kỹ năng phân tích dữ liệu ngày càng được coi trọng trong ngành logistics và mua hàng, khi các doanh nghiệp ưu tiên tối ưu hóa hoạt động.
Đề xuất chiến lược nhân sự năm 2025
Để thành công trong thị trường cạnh tranh nhân tài năm 2025, các doanh nghiệp cần triển khai chiến lược nhân sự toàn diện. Ông Phúc nhận định: “Lương thưởng và phúc lợi vẫn là yếu tố then chốt để thu hút và giữ chân nhân tài. Doanh nghiệp cần đảm bảo gói phúc lợi cạnh tranh so với tiêu chuẩn của ngành, đồng thời ghi nhận và tôn vinh thành tích của nhân viên thông qua các sự kiện vinh danh, giải thưởng thường niên, hoặc các chương trình đánh giá chéo giữa đồng nghiệp. Ngoài ra, những đặc quyền bổ sung như tăng thêm ngày nghỉ phép có lương cũng là cách hiệu quả để nâng cao tinh thần và xây dựng lòng trung thành. Hơn nữa, việc mang đến các cơ hội phát triển nghề nghiệp như đào tạo, cố vấn, hoặc lộ trình thăng tiến rõ ràng là chìa khóa để nhân viên gắn bó lâu dài với tổ chức.”
Không chỉ dừng lại ở lương thưởng, việc xây dựng một văn hóa công ty tích cực và hòa nhập cũng đóng vai trò quan trọng. Một môi trường làm việc cân bằng, thúc đẩy tinh thần đồng đội và khuyến khích sự hợp tác sẽ giúp thu hút người lao động hiện đại. Đặc biệt, các hình thức làm việc linh hoạt và từ xa đang trở thành yếu tố hấp dẫn, cho phép doanh nghiệp cân đối giữa năng suất và nhu cầu linh hoạt của nhân viên.
Ngoài ra, các sáng kiến về bền vững và trách nhiệm xã hội tiếp tục giữ vai trò trọng tâm trong chiến lược xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng. Doanh nghiệp nên nhấn mạnh các giá trị cốt lõi, đồng thời quảng bá trải nghiệm tích cực của nhân viên thông qua mạng xã hội, trang web tuyển dụng, và các sự kiện ngành. Những nỗ lực này không chỉ tạo dấu ấn trong mắt ứng viên mà còn giúp doanh nghiệp nổi bật trong thị trường nhân tài đầy cạnh tranh.
Xem thêm tại:
https://www.robertwalters.com.vn/our-services/salary-survey.html
Văn Lượng - Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI