Vĩnh Phúc: Tăng cường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

09:44:31 | 4/12/2024

Với việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng các khu công nghiệp (KCN), chú trọng công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư tại chỗ, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Qua đó, góp phần đưa Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, với mức tăng GRDP đạt từ 7,5 - 7,8%, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN

Thời gian gần đây, cùng với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc còn tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, nhằm tạo quỹ đất sạch để đón làn sóng đầu tư mới.


Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông kiểm tra thực tế tại KCN Sông Lô II

Được khởi công xây dựng từ tháng 6/2023, với tổng diện tích quy hoạch hơn 165 ha nằm trên địa bàn 2 xã Đồng Thịnh và Yên Thạch, dự án KCN Sông Lô II do Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Chính quyền huyện Sông Lô đã và đang tích cực tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi giúp nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa các nhà máy đi vào hoạt động. Đến nay, huyện Sông Lô đã bàn giao 152,7/165,6 ha cho Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc; có Quyết định phê duyệt phương án 160,6 ha với kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng hơn 471 tỷ đồng. Phần diện tích còn lại cần thực hiện giải phóng mặt bằng là hơn 66 nghìn m2 của 90 hộ dân. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc cũng đã đầu tư hơn 561,5 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng và bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Với định hướng xây dựng KCN Sông Lô II trở thành KCN kiểu mẫu, hiện đại, đạt tiêu chuẩn, chủ đầu tư đã ứng dụng công nghệ tiên tiến để kiến tạo hệ sinh thái xanh, đáp ứng tiêu chuẩn cao của các nhà đầu tư. Thiết kế hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, vừa tích hợp không gian xanh, thân thiện với môi trường; có nhà máy xử lý nước thải sử dụng công nghệ hiện đại, hệ thống điện mặt trời giúp tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường. Theo dự kiến, KCN Sông Lô II sẽ thu hút các ngành nghề công nghiệp cơ khí, điện tử, thiết bị điện, vật liệu xây dựng; công nghiệp nhẹ như: Dệt may, da giày; sản xuất mỹ phẩm, chế biến và bảo quản rau quả… Khi hoàn thành, đi vào hoạt động, KCN Sông Lô II sẽ tạo việc làm cho khoảng 13.000 lao động.

KCN Nam Bình Xuyên được định hướng xây dựng theo hướng KCN xanh, thông minh, hiện đại bậc nhất miền Bắc, thu hút các nhà đầu tư sản xuất điện tử, viễn thông, máy móc, linh kiện ôtô, thiết bị y tế, quang học... vào hoạt động, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều buổi làm việc với Ban Quản lý các KCN tỉnh, các sở, ngành, UBND huyện Bình Xuyên và chủ đầu tư - Công ty TNHH Phát triển Nam Bình Xuyên Green Park để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, phát triển nguồn nhân lực…


Chủ tịch UBND tỉnh liên tục có các buổi làm việc, kiểm tra tiến độ triển khai một số dự án KCN trên địa bàn 

Đến thời điểm hiện tại, diện tích đã thực hiện xong bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 56/290 ha; diện tích còn phải thực hiện kiểm đếm, kê khai, quy chủ hơn 97 ha; diện tích đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đạt 33,7ha. Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Bình Xuyên đã chi trả giải phóng mặt bằng trên 70,8 ha. Thời gian tới, Ban Quản lý Các KCN tỉnh, UBND huyện Bình Xuyên tiếp tục đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng sạch giao cho chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết và hướng dẫn giải quyết việc thu hồi diện tích đất xen kẹp, khó canh tác nằm ngoài ranh giới dự án; chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ bản vẽ thiết kế thi công và hồ sơ xin phép xây dựng...

Ông Vũ Kim Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết, tính đến ngày 15/11/2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích 3.146 ha; trong đó: 09 KCN đã đi vào hoạt động (gồm các KCN: Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II-giai đoạn 1, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa – khu vực II – giai đoạn 1, Thăng Long Vĩnh Phúc); 03 KCN đang triển khai xây dựng, gồm các KCN: Sơn Lôi, Tam Dương I- khu vực 2, Sông Lô II; 05 KCN chưa được giao đất, chưa triển khai xây dựng (gồm các KCN: Bình Xuyên II-giai đoạn 2, Nam Bình Xuyên, Phúc Yên, Sông Lô I, Đồng Sóc).

Theo phương án phát triển hệ thống KCN trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 06/02/2024), đến năm 2030 Vĩnh Phúc có 28 KCN với diện tích là 4.815 ha; đến năm 2050 có 29 KCN với diện tích là 5.489,68 ha; các KCN có tiềm năng, dự kiến thành lập mới trong trường hợp được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật với diện tích là 10.000 ha. Trong đó, ưu tiên phát triển các KCN mới dọc theo các trục đường giao thông huyết mạch như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 4, vành đai 5.

Tăng tốc thu hút dòng vốn FDI

Theo Báo cáo của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, 11 tháng đầu năm 2024, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 29 dự án FDI mới và 38 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 493,06 triệu USD (cấp mới: 188,43 triệu USD; tăng vốn: 304,63 triệu USD), bằng 89% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 141% kế hoạch năm 2024; thu hút 14 dự án trong nước và 07 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 4.517,3 tỷ đồng (cấp mới: 3.313,28 tỷ đồng; tăng vốn: 1.204,02 tỷ đồng), bằng 72% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 301% kế hoạch năm 2024.

Tính đến ngày 15/11/2024, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 497 dự án, gồm 121 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 38.973,01 tỷ đồng và 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.801,76 triệu USD. Các dự án đầu tư FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với ngành nghề sản xuất chủ yếu là linh kiện điện tử, chiếm 50,4%; lắp ráp ô tô, xe máy chiếm 12,8%... Vốn thực hiện các dự án đạt từ 60 - 65%. Đến nay, các KCN đã tạo việc làm cho trên 142.440 lao động. Cơ bản các dự án FDI triển khai đúng tiến độ theo đăng ký đầu tư.

Dự kiến, trong tháng 12/2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho 2-3 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 10-15 triệu USD; cấp mới, điều chỉnh tăng vốn cho 1-2 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 100-150 tỷ đồng. Cùng với đó, có thêm 2-4 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 40-45 triệu USD và các dự án đầu tư trong nước đạt khoảng 200-300 tỷ đồng.

Để hoàn thành mục tiêu, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đẩy mạnh hoạt động quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phối hợp với các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (đối với diện tích KCN và diện tích còn lại) và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các KCN đã đi vào hoạt động.

Đồng thời, rà soát tiến độ triển khai các dự án, đôn đốc các dự án thực hiện theo tiến độ cam kết; làm việc với các doanh nghiệp triển khai chậm tiến độ theo đăng ký để hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh dự án cho phù hợp thực tế; rà soát tình hình sản xuất kinh doanh nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trần Trang (Vietnam Business Forum)