12:22:34 | 16/12/2024
Tiền Giang đang tập trung đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết vùng, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, mở thêm các tour, tuyến, phát triển những sản phẩm du lịch mới để giữ chân du khách.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế quan trọng, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Khu du lịch biển Tân Thành
Khai thác tiềm năng, thế mạnh
Nằm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiền Giang không chỉ được biết đến với những vườn trái cây xanh mát, trĩu quả mà còn được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt” gắn với những di tích văn hóa - lịch sử mang đậm dấu ấn đặc trưng vùng đất Nam bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.
Tài nguyên du lịch Tiền Giang phong phú với vùng biển Gò Công có 32km bờ biển; trên 60.000ha vườn cây ăn trái đặc sản của Nam bộ; rừng ngập nước Vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, có khu bảo tồn sinh thái rừng tràm và vùng đệm xung quanh,…
Ngoài ra, thế mạnh của du lịch Tiền Giang còn gắn liền với những di tích văn hóa lịch sử và sinh thái như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích chiến thắng Ấp Bắc, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định, Đền thờ Thủ khoa Huân,... Bên cạnh đó, Tiền Giang còn có 212 lễ hội dân gian, 09 lễ hội cách mạng; trong đó, có 05 lễ hội được xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể.
Theo thống kê, tỉnh hiện có 185 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 03 di tích quốc gia đặc biệt và 17 di tích quốc gia gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc, các sự kiện văn hóa lịch sử đang được đưa vào khai thác. Toàn tỉnh hiện có 327 cơ sở lưu trú, với tổng số 5.532 phòng đủ điều kiện phục vụ lưu trú du lịch; 69 đơn vị kinh doanh lữ hành; 560 phương tiện vận chuyển khách du lịch (tàu thủy du lịch); trên 300 hướng dẫn viên du lịch; 46 khu/điểm tham quan du lịch; 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Tỉnh cũng ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phát triển du lịch, đặc biệt là Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy Tiền Giang về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Sau hơn 07 năm thực hiện, số lượng khách du lịch đến địa phương ngày càng tăng (tốc độ bình quân trên 15%, cao nhất ở Vùng ĐBSCL); cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.
Ngoài ra, hoạt động hợp tác liên kết ngày càng được mở rộng, thiết thực hơn, các doanh nghiệp chủ động kết nối tour, tuyến và mở rộng thị trường. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được quan tâm; công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường,...
Trong 10 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 1.335 ngàn lượt khách du lịch, tăng 15,4% so với cùng kỳ, đạt 80,9% kế hoạch; riêng khách quốc tế gần 475 ngàn lượt, tăng 37% so với cùng kỳ, đạt 86,4% kế hoạch. Tổng doanh thu đạt 920 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ, đạt 73,6% kế hoạch.
Phấn đấu đến cuối năm 2024, toàn tỉnh thu hút 1.650 ngàn lượt khách; trong đó, khách quốc tế 550 ngàn lượt. Doanh thu trực tiếp từ hoạt động du lịch đạt 1.250 tỷ đồng.
Du lịch đò chèo cù lao Thới Sơn
Từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tới tỉnh Tiền Giang tập trung phát triển mạnh du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực khác; chú trọng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển, nông nghiệp nông thôn, văn hóa - thể thao, du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh. Đẩy mạnh liên kết với TP.Cần Thơ và các địa phương trong Vùng ĐBSCL để hình thành các tuyến du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng trong tỉnh và liên tỉnh. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế quan trọng, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Để hoàn thành mục tiêu này, Tiền Giang tập trung đa dạng hóa thị trường và phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương. Quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn liền với các hoạt động như: Tham quan ngắm cảnh nông thôn, homestay, các làng nghề truyền thống, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống người dân,…
Ngoài tập trung khai thác nhóm thị trường khách truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước Tây Âu, Bắc Mỹ như Anh, Pháp, Mỹ, tỉnh còn chú trọng khai thác các thị trường khách mới, nhiều tiềm năng như Trung Đông, Nam Âu, Nam Mỹ, Ấn Độ, các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong,…
Đối với thị trường nội địa, tỉnh chủ động kết nối các tỉnh, thành phố trong khu vực để phát triển tuyến, điểm du lịch an toàn liên vùng. Phát triển mạnh thị trường nội vùng, khách đến từ TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam bộ, Hà Nội và một số tỉnh ở khu vực miền Trung.
Cùng với việc nâng chất cơ sở vật chất và đầu tư khôi phục, phát triển các sản phẩm du lịch, ngành Du lịch tỉnh sẽ đẩy mạnh ứng dụng marketing điện tử, ứng dụng công nghệ 4.0. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng qua: Cổng thông tin du lịch tỉnh Tiền Giang; Bản đồ du lịch điện tử; Ứng dụng TienGiang Tourism tra cứu thông tin du lịch trên thiết bị thông minh;…
Tỉnh chú trọng mời gọi đầu tư nhằm khai thác, phát triển bền vững ngành “công nghiệp không khói”. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư xây dựng các khách sạn cao cấp, nâng cấp cải tạo các cơ sở lưu trú hiện có, phát triển mô hình du lịch nghỉ đêm tại nhà dân ở cù lao Thới Sơn, cù lao Ngũ Hiệp, cù lao Tân Phong, Khu Du lịch Cái Bè,…
Đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp.
Với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, tin rằng du lịch Tiền Giang sẽ ngày càng phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bùi Liên (Vietnam Business Forum)