09:35:02 | 11/2/2025
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giá gạo Việt Nam xuất khẩu tiếp tục giảm sâu, xuống dưới ngưỡng 400 USD/tấn, trở thành mức thấp nhất châu Á.
Gía xuất khẩu gạo giảm hơn 30%
Xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục năm 2024 nhưng đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng trong năm 2025. Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam ghi nhận thành tích ấn tượng với 9 triệu tấn, đạt giá trị 5,67 tỷ USD, tăng 11,1% về khối lượng và 21,2% về giá trị so với năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 627 USD/tấn, cao hơn 9,1% so với năm trước, phản ánh đà tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định.
Tuy nhiên, bước sang năm 2025, dấu hiệu suy giảm bắt đầu xuất hiện. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 1/2025, khối lượng xuất khẩu đạt 500 nghìn tấn, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2024. Dù vậy, giá trị xuất khẩu giảm mạnh 10,4%, xuống còn 308 triệu USD, cho thấy giá gạo đang lao dốc.
Sau thời gian dài giữ vững vị thế cao trong nhóm các quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá gạo Việt Nam đã bước vào giai đoạn giảm mạnh. Từ mức bình quân 623 USD/tấn trong năm 2024, nay chỉ còn 441 USD/tấn.
Theo số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 7/2, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống còn 399 USD/tấn, thấp hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan 32 USD/tấn, Ấn Độ 14 USD/tấn và Pakistan 5 USD/tấn. Đây là diễn biến đáng chú ý bởi gạo Việt Nam vốn được định vị ngang hàng với gạo Thái Lan về chất lượng và thường có giá cao hơn gạo Ấn Độ và Pakistan.
Từ mức đỉnh 700 USD/tấn vào giữa tháng 8/2023 – mức cao nhất kể từ năm 2008, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm sâu, hiện chạm mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Với mức giá ngày 6/2 chỉ còn 399 USD/tấn, giá gạo đã giảm tới 301 USD/tấn, tương ứng mức giảm khoảng 43%.
Bài toán xuất khẩu gạo 2025 nhiều thách thức
Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 có thể giảm còn 7,5 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với mức kỷ lục 9 triệu tấn của năm 2024. Nguyên nhân không chỉ đến từ áp lực cạnh tranh mà còn do tâm lý thận trọng của thương lái khi giá lúa giảm sâu, dẫn đến việc hạn chế ký kết hợp đồng với nông dân.
Theo các doanh nghiệp, giá gạo 5% và 25% tấm có khả năng giảm tiếp trong thời gian tới, kéo theo sự sụt giảm ở các phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao khi cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường quốc tế.
Về áp lực cạnh tranh gia tăng từ nguồn cung toàn cầu, sau hai năm hạn chế xuất khẩu, Ấn Độ đã nới lỏng lệnh cấm và đưa lượng lớn gạo trở lại thị trường quốc tế, tạo sức ép cạnh tranh lớn đối với các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Ngoài Ấn Độ, nguồn cung từ Ai Cập, Guyana, Nhật Bản và Venezuela cũng tăng mạnh, trong khi Philippines là ngoại lệ, với sản lượng gạo nội địa dự báo giảm. Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng lúa gạo toàn cầu năm 2025 được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 530 triệu tấn, tăng 3,1 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Bên cạnh áp lực từ nguồn cung, nhu cầu nhập khẩu từ một số thị trường chính như Trung Quốc đã giảm mạnh từ năm ngoái, với mức giảm tới 68,4%. Trong năm 2025, các khách hàng truyền thống của gạo Việt như Philippines và Indonesia có kế hoạch giảm nhập khẩu do đã tích lũy đủ lượng gạo dự trữ trong năm 2024. Các nước này đang chờ giá giảm thêm trước khi tiếp tục mua.
Nguồn cung nội địa dồi dào cũng là nguyên nhân giá tiếp tục chịu áp lực giảm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn tồn kho từ năm trước. Vụ Đông Xuân 2025 – vụ lúa có sản lượng lớn nhất trong năm – đang bước vào mùa thu hoạch. Điều kiện thời tiết thuận lợi trong thời gian qua giúp năng suất lúa cao, khiến lượng cung dự báo tăng mạnh.
Dù vậy, một số chuyên gia nhận định rằng tình trạng khó khăn hiện tại chỉ mang tính tạm thời. Giá gạo đang ở mức thấp, điều này có thể thúc đẩy các nhà nhập khẩu sớm quay lại thị trường trong nửa cuối năm 2025, giúp giá phục hồi. Ngoài ra, trong bối cảnh bất ổn toàn cầu và lo ngại về an ninh lương thực, nhiều quốc gia sẽ gia tăng tích trữ gạo, tạo động lực cho thị trường hồi phục trở lại.
Doanh nghiệp cần linh động trong chiến lược tiếp cận thị trường
Để duy trì và mở rộng thị phần, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần linh hoạt trong chiến lược tiếp cận thị trường, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường mới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải pháp thiết yếu là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường và khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Với Indonesia, cần giữ ổn định khối lượng xuất khẩu và điều chỉnh giá linh hoạt theo từng thời điểm.
Đồng thời, doanh nghiệp cần tăng cường thâm nhập vào thị trường Halal bằng cách nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, Halal…. Việc phát triển thương hiệu gạo Việt và đầu tư vào logistics để tối ưu chi phí vận chuyển sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng quy mô xuất khẩu. Doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng, nâng cấp hệ thống kiểm soát chất lượng để tăng niềm tin từ đối tác quốc tế.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động dự báo thị trường nhằm ứng phó với biến động giá và nhu cầu toàn cầu. Việc nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, tối ưu hóa sản phẩm theo từng phân khúc thị trường và liên kết chặt chẽ với nông dân để ổn định nguồn cung sẽ là chìa khóa để giữ vững và nâng cao vị thế gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc