Hậu Giang hướng tới phát triển du lịch bền vững, hội nhập

10:53:14 | 19/2/2025

Hậu Giang chú trọng khai thác hiệu quả tài nguyên, đa dạng hóa loại hình và sản phẩm du lịch. Tỉnh phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, theo hướng bền vững, hội nhập, là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế.


Kênh xáng Xà No

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Nằm ở trung tâm vùng Tây sông Hậu, cách TP.Hồ Chí Minh 240km, Hậu Giang có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy thuận lợi, lại sở hữu cảnh quan đặc trưng của vùng sông nước. Nổi bật là sông Hậu, kênh xáng Xà No, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Ngoài ra, tỉnh còn có cảnh quan sinh thái gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng; cảnh quan sinh thái nông nghiệp với những vườn cây trái, cánh đồng rộng lớn tạo nên không gian xanh, yên bình, thuận lợi hình thành sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch miệt vườn.

Không chỉ vậy, lợi thế của du lịch Hậu Giang còn đến từ những tài nguyên du lịch nhân văn như: Là vùng đất có sự giao thoa về văn hóa, lưu giữ, bảo tồn các di sản văn hóa có giá trị và hệ thống di tích lịch sử - cách mạng. Đặc biệt, nền ẩm thực phong phú, hấp dẫn cùng nhiều sản vật cũng là một trong những yếu tố thu hút du khách đến với Hậu Giang.

Năm 2024, toàn tỉnh đón 583.000 lượt khách (đạt 106,00% kế hoạch, tăng 12,15% so với cùng kỳ), trong đó có 33.000 lượt khách quốc tế (đạt 110,00% kế hoạch, tăng 30,33% so với cùng kỳ), 550.000 lượt khách nội địa (đạt 105,77% kế hoạch, tăng 11,21% so với cùng kỳ). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 264,0 tỷ đồng (đạt 110,00% kế hoạch, tăng 11,86% so với cùng kỳ).

Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc vận hành trang thông tin điện tử xúc tiến quảng bá du lịch với tên miền www.haugiangtourism.vn và các trang mạng xã hội như: Zalo, facebook, youtube; xây dựng bộ sản phẩm Du lịch Hậu Giang. Tổ chức và phối hợp tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như: Tuần lễ Du lịch văn hóa và ẩm thực tỉnh Hậu Giang, Hội thi ẩm thực Hương sắc Hậu Giang năm 2024;... Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng dự án các ứng dụng chuyển đổi số ngành Du lịch, dự kiến đầu năm 2025 đưa vào vận hành chính thức.


Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 26/11/2021 của Tỉnh ủy Hậu Giang về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo xác định du lịch là một trong 4 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, Quy hoạch Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định 4 trụ cột kinh tế là: Công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng.

Tỉnh định hướng phát triển du lịch có trọng tâm, chọn những sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn, gắn với việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử; phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển chung của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang cho biết: Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường nhận thức về trách nhiệm trong phát triển du lịch. Tập trung xây dựng thành công 02 điểm nhấn du lịch. Phát triển sản phẩm đặc trưng, tạo khác biệt và hình thành thương hiệu địa phương để cạnh tranh trên cơ sở khai thác các tiềm năng văn hóa lịch sử, tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.

Hiện Sở đang triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo lộ trình; hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, góp phần tạo thêm sự đa dạng về sản phẩm du lịch.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch triển khai Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP.Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương đã ký kết.

Không ngừng đổi mới phương thức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch; từng bước xã hội hóa hoạt động xúc tiến du lịch. Tổ chức và liên kết tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để thu hút khách.

Song song với đó, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông tại các cụm du lịch, khu vực động lực phát triển. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông (cao tốc, quốc lộ) để tạo thuận lợi cho phát triển du lịch (nhất là dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong, dự án du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng).

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, Sở sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch; phối hợp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư;... để các dự án sớm hoàn thành đưa vào khai thác.

Hoài Nam (Vietnam Business Forum)